“Liều thuốc” phạt tiền có chữa được “căn bệnh trầm kha” lao động Việt bỏ trốn?

Thu Huyền

Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TBXH) vừa công bố danh sách 1.750 lao động Việt Nam sẽ bị xử lý khoản tiền ký quỹ 100 triệu đồng vì lý do: Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động xuất khẩu đã ở lại Hàn Quốc trái phép hoặc bỏ trốn khỏi nơi làm việc.

Truy tìm 1.750 lao động bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc trái phép

Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) trọng điểm của Việt Nam. Do được trả lương cao từ 1.600 - 1.800 USD (tương đương 37 - 41 triệu đồng) và được hưởng các chế độ phúc lợi bình đẳng như lao động bản địa, nhiều lao động Việt Nam đã lựa chọn thị trường này để làm việc, chủ yếu trong các lĩnh vực sản xuất, chế tạo thuộc các ngành xây dựng, nông nghiệp, ngư nghiệp.

Đây cũng là thị trường thường xuyên xảy ra vấn đề nhức nhối là người lao động hết hạn hợp đồng không về nước mà tìm cách bỏ trốn hoặc cư trú bất hợp pháp.

Mới đây, trung tâm Lao động ngoài nước - bộ LĐ-TB&XH - cho biết, căn cứ vào thông báo của cơ quan Phát triển nguồn nhân lực Hàn Quốc về kết quả chấp hành hợp đồng lao động tại Hàn Quốc của người lao động theo chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài đi làm việc tại Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS) và kết quả rà soát tiền ký quỹ của người lao động tại ngân hàng Chính sách xã hội, cả nước hiện có 1.750 lao động Việt Nam ở lại Hàn Quốc trái phép hoặc bỏ trốn khỏi nơi làm việc sau khi chấm dứt hợp đồng lao động.

Một đoàn lao động Việt Nam theo chương trình EPS lên đường sang Hàn Quốc.

Trước tình trạng này, Trung tâm đã gửi công văn tới sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố nơi người lao động đăng ký hộ khẩu thường trú trước khi đi làm việc tại Hàn Quốc để phối hợp với cơ quan chức năng tại địa phương tiếp tục xác minh; Đồng thời, đăng thông báo trên website của trung tâm danh sách người lao động thuộc diện xác minh thông tin chấp hành hợp đồng để xử lý khoản tiền ký quỹ 100 triệu đồng.

Theo danh sách mà trung tâm Lao động ngoài nước công bố, lao động Việt Nam đi làm việc theo chương trình EPS đều bỏ trốn, ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Những lao động này hầu hết đều ở những tỉnh, thành như: Bắc Giang, Bắc Kạn, Bắc Ninh, Hải Dương, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hoá, Quảng Bình, Thái Bình, Hà Nội…

Người lao động tham gia phỏng vấn chương trình EPS.

Từ thời điểm thông báo tới nay đã hơn 40 ngày, nhưng người lao động không có phản hồi về Trung tâm. Căn cứ theo Quyết định 12/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng về việc thí điểm ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS, sau ngày 21/9/2020, trung tâm Lao động ngoài nước sẽ thực hiện các thủ tục để xử lý khoản tiền ký quỹ 100 triệu đồng của những lao động này.

Chuyện không mới nhưng vẫn nhức nhối

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, bà Phạm Ngọc Lan - Phó Giám đốc trung tâm Lao động ngoài nước - cho biết, việc lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc là câu chuyện không còn mới.

“Số lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc hay ở lại Hàn Quốc trái phép sau khi chấm dứt hợp đồng lao động đã giảm so với các năm trước. Các cơ quan chức năng của Việt Nam thường xuyên trao đổi với phía Hàn Quốc, thực hiện nhiều giải pháp để truy quét lao động bỏ trốn hay ân hạn cho lao động bỏ trốn về nước”, bà Lan cho hay.

Bắc Kạn là một trong những tỉnh có lao động sang làm việc tại Hàn Quốc nhưng không trở về nước đúng hạn. Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Cương - Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH tỉnh Bắc Kạn - cho biết: Sau khi nhận được thông tin từ trung tâm Lao động ngoài nước, Sở đã tiến hành giao cho các đơn vị chuyên môn phối hợp cùng ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh rà soát.

Lao động Việt làm việc tại Hàn Quốc.

“Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Sở sẽ cử cán bộ đến những huyện đã và đang có người lao động chuẩn bị sang nước ngoài làm việc để vận động, tuyên truyền rộng rãi hơn về việc người lao động sang nước ngoài làm việc phải trở về nước sau khi hết thời hạn hợp đồng. Những người đi lao động tại nước ngoài mà bỏ trốn như vậy, thực sự sẽ rất ảnh hưởng đến quyền lợi của những người đi lao động trong thời gian tới”, ông Cương nhấn mạnh.

Ông Cương cũng cho rằng, lao động bỏ trốn một phần cũng do cơ hội tìm kiếm việc làm trong nước khi trở về còn gặp nhiều khó khăn. Chênh lệch thu nhập giữa Việt Nam và Hàn Quốc quá cao khiến nhiều lao động tìm cách trốn để ở lại làm việc bất hợp pháp.

Tại tỉnh Hải Dương, số người lao động Việt bỏ trốn tại Hàn Quốc lên đến 74 người. Về vấn đề này, ông Bùi Thanh Tùng - Phó Giám đốc sở LĐ-TB&XH - cũng cho hay, đối với những lao động hết hạn hợp đồng không về nước gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động khác ở địa phương, Sở sẽ có những biện pháp, công tác phổ biến mạnh mẽ và quyết liệt hơn, đồng thời sẽ tìm hiểu nguyên nhân cụ thể khiến lao động đi XKLĐ không chịu về nước.

Trong thỏa thuận hợp tác về việc lao động Việt sang Hàn Quốc theo chương trình EPS, phía Hàn Quốc đã đưa ra một điều kiện: Nếu tỉ lệ người lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vượt quá 40% so với mức hai bên cam kết (cam kết 30%) thì sẽ dừng chuyện đưa lao động Việt Nam sang tiếp.

Đó là một trong những quy định khắt khe khiến việc giảm tỉ lệ lao động bỏ trốn ở Hàn Quốc được coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Quang cảnh một công trường ở Hàn Quốc có nhiều lao động người Việt làm việc.

Theo số liệu thống kê từ cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện nước ta đã giảm tỉ lệ lao động không về nước khi hết hạn hợp đồng xuống còn dưới 20%, lao động cư trú hợp pháp từ 14.000 người giảm xuống còn 12.000 người.

Trước đó, hồi tháng 6/2020, bộ LĐ-TB&XH đã ra thông báo tạm dừng xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc năm 2020 tại 10 quận, huyện thuộc các tỉnh do lượng người lao động bỏ trốn quá cao, gồm: Nghệ An (huyện Nghi Lộc, Thị xã Cửa Lò, huyện Nam Đàn); Thanh Hóa (huyện Đông Sơn, huyện Hoằng Hóa, TP.Thanh Hóa); Hà Tĩnh (huyện Nghi Xuân, huyện Kỳ Anh); Thái Bình (huyện Tiền Hải); Quảng Bình (huyện Bố Trạch).

Người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo chương trình EPS từ ngày 15/5/2020, trước khi đi phải ký quỹ 100 triệu đồng để bảo đảm thực hiện đúng hợp đồng, về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động. Người lao động sẽ được hoàn trả tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) trong các trường hợp: Về nước đúng thời hạn sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển đổi thị thực cư trú hợp pháp tại Hàn Quốc, chết hoặc bị mất tích theo quy định pháp luật trong thời gian làm việc theo hợp đồng. Ngược lại, nếu không về nước đúng hạn, số tiền ký quỹ của người lao động sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

T.H