Loạt doanh nghiệp bất động sản "nặng gánh" với khoản nợ trái phiếu

Loạt doanh nghiệp bất động sản "nặng gánh" với khoản nợ trái phiếu

Ngạc Kim Giang

Ngạc Kim Giang

Thứ 5, 16/05/2024 11:51

Trong năm 2024 có 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, trong đó, nhiều “ông lớn” bất động sản có nợ trái phiếu đáo hạn lên tới nghìn tỷ.

Nợ trái phiếu doanh nghiệp xấp xỉ 10% GDP nền kinh tế

Theo báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ năm 2023 và 2024 Bộ Tài chính gửi lấy ý kiến 7 bộ, ngành liên quan trước khi báo cáo lãnh đạo Chính phủ, dư nợ trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ vào cuối năm 2023 khoảng 1 triệu tỷ đồng. Con số này tương đương 9,9% quy mô GDP nền kinh tế, bằng 7,4% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế do 432 doanh nghiệp phát hành.

Và dù thị trường trái phiếu có nhiều biến động nhưng trong năm 2023, có 88 doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với khối lượng phát hành 296.800 tỷ đồng.

Trong đó, các tổ chức tín dụng phát hành 167.000 tỷ đồng, chiếm 56,3% khối lượng phát hành; doanh nghiệp bất động sản phát hành 87.800 tỷ đồng, chiếm 29,6%; các doanh nghiệp lĩnh vực khác phát hành 42.000 tỷ đồng, chiếm 14,1%.

Hầu hết các tổ chức tín dụng phát hành trái phiếu để huy động vốn đều không có bảo đảm, trong khi có tới 97,7% trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản phát hành có bảo đảm.

Theo báo Tuổi Trẻ, bên cạnh việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp huy động vốn, trong năm 2023 các doanh nghiệp đã mua lại trái phiếu trước hạn, với khối lượng khoảng 248.200 tỷ đồng.

Theo đó, các tổ chức tín dụng mua lại trước hạn 126.000 tỷ đồng, các doanh nghiệp bất động sản mua lại trước hạn 55.900 tỷ đồng, lĩnh vực khác mua lại trước hạn 66.300 tỷ đồng.

Và trong 3 tháng đầu năm 2024 các doanh nghiệp tiếp tục mua lại trái phiếu trước hạn với giá trị khoảng 17.600 tỷ đồng.

Về tình hình giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ từ tháng 7/2023 đến cuối năm, Bộ Tài chính cho biết tổng giá trị giao dịch đạt khoảng 218.150 tỷ đồng, trung bình đạt 1.881 tỷ đồng/phiên giao dịch.

Cũng theo Bộ Tài chính, trong năm 2023 có 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu với tổng giá trị khoảng 83.600 tỷ đồng. Trong đó các doanh nghiệp bất động sản chiếm 50,7%, doanh nghiệp xây dựng 4,7%, doanh nghiệp thương mại, dịch vụ chiếm 21,4%, doanh nghiệp sản xuất năng lượng chiếm 5%, doanh nghiệp các lĩnh vực khác chiếm 18,3%.

Trong số 139 doanh nghiệp chậm thanh toán gốc, lãi trái phiếu này, có 33 doanh nghiệp chậm thanh toán từ 1-30 ngày, 38 doanh nghiệp đã có phương án đàm phán với nhà đầu tư, số doanh nghiệp còn lại chưa có phương án rõ ràng.

92 doanh nghiệp bất động sản phải trả nợ gần 100.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2024

Theo báo Xây dựng, Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về quản lý, giám sát việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản. Dẫn dữ liệu tình hình trái phiếu đang lưu hành đến ngày 31/12/2023 theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, Bộ Tài chính thông tin, tổng dư nợ phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản là 351.390 tỷ đồng.

Trong danh sách, có các doanh nghiệp bất động sản “ôm nợ” trái phiếu nhiều nghìn tỷ như: Công ty CP Đầu tư Nam Long khoảng 3.100 tỷ đồng... Bộ Tài chính cũng cho hay, trong năm 2024, có 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, tổng nợ vay đáo hạn khoảng 99.500 tỷ đồng.

Một số doanh nghiệp có tên trong danh sách có nợ trái phiếu đáo hạn nghìn tỷ trong năm nay có Công ty CP Đầu tư Golden Hill hơn 5.760 tỷ đồng, Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nam An 4.700 tỷ đồng, Công ty TNHH Bất động sản Lan Việt 4.100 tỷ đồng, Công ty CP Phát triển bất động sản Nhật Quang 2.150 tỷ đồng…

Theo Bộ Tài chính, hiện pháp luật về doanh nghiệp, chứng khoán, TCTD không có quy định về chia nhóm doanh nghiệp theo nhóm có khả năng trả nợ, nhóm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, nhóm không có khả năng thanh toán.

Tuy nhiên, để phân tích và nhận định rủi ro, Bộ này căn cứ vào báo cáo tài chính mới nhất của doanh nghiệp phát hành trái phiếu cung cấp cho HNX để chia doanh nghiệp theo 3 nhóm: rất khó khăn trong việc trả nợ, có khả năng gặp khó khăn trả nợ và các doanh nghiệp còn lại.

Bộ cũng lưu ý, việc phân loại này mang tính chất tương đối vì khả năng thanh toán nợ của doanh nghiệp phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác và tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường xuyên biến động.

Thông tin trên VietNamNet, theo phân loại trên, với 92 doanh nghiệp bất động sản có trái phiếu đáo hạn năm 2024, có 3 doanh nghiệp rất khó khăn trong việc trả nợ (âm vốn chủ sở hữu) là CTCP Du lịch và Đầu tư Xây dựng Châu Á (CTAC) với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu -8,8 lần; CTCP Phát triển BĐS Nhật Quang (NQBC) có vốn chủ sở hữu -3.960 tỷ đồng; CTCP Đầu tư Smart Dragon (SMDC) vốn chủ sở hữu -2.520 tỷ đồng.

18 doanh nghiệp có khả năng gặp khó khăn trả nợ. Đây là những doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ và hệ số nợ/vốn chủ sở hữu từ 3 lần trở lên.

Kinh tế - Loạt doanh nghiệp bất động sản 'nặng gánh' với khoản nợ trái phiếu

Biểu đồ: VietNamNet.

Công ty TNHH Kinh doanh Bất động sản Dream City Villas vừa công bố tình hình thực hiện kết quả kinh doanh năm 2023. Theo đó, doanh nghiệp ghi nhận lỗ sau thuế 280 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Dream City Villas là 1.043 tỷ đồng, tăng nhẹ 7% so với cùng kỳ. Như vậy, trong kỳ vừa qua, tỉ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu (ROE) của doanh nghiệp này âm 26,92%.
Tại thời điểm cuối năm ngoái, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Dream City Villas là 8,2 lần, tương đương 8.553 tỷ đồng. Trong đó, dư nợ trái phiếu của doanh nghiệp là 2.295 tỷ đồng.

Theo dữ liệu từ HNX, Dream City Villas đang có 1 lô trái phiếu lưu hành là MRVCB2328001 được phát hành vào 10/3/2023, có thời hạn 5 năm với giá trị 2.300 tỷ đồng. Được biết, mã trái phiếu MRVCB2328001 được phát hành từ 10/3/2023, ngày đáo hạn 10/3/2028.

Bên cạnh đó thể kể đến một loạt doanh nghiệp BĐS âm vốn chủ sở hữu như: CTCP Đầu tư Technical-TNCC với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 24,6 lần; Công ty TNHH Phát triển BĐS An Khang-AKRC (17 lần); CTCP North Star Holdings-NSTC (14,2 lần); CTCP Dịch vụ đầu tư Lucky House-LKHC (12,6 lần);

Công ty TNHH Thành phố Aqua-TPAC (8,9 lần); CTCP Đầu tư kinh doanh và phát triển đô thị Ngôi sao Phương Nam-SPNC (6,1 lần); CTCP Đầu tư Golden Hill-GHIC (5,1 lần)…

Còn lại nhóm 3 với 71 doanh nghiệp với một số cái tên như: Công ty TNHH Đầu tư và phát triển đô thị Hưng Yên-HIDC với hệ số nợ/vốn chủ sở hữu là 33,1 lần; Công ty TNHH Xây dựng và phát triển Hoàng Long-HLCC (10,6 lần); Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Nguyên Bình-NBCC (13,9 lần);

CTCP Tập đoàn đầu tư địa ốc Nova-NVL (3,9 lần); CTCP Đầu tư địa ốc No Va-NVJC (1,3 lần); CTCP Hưng Thịnh Investment-H39C (2,6 lần); CTCP Hưng Thịnh Land (2,9 lần);

CTCP Kinh doanh nhà Sunshine-SHJC (2,9 lần); CTCP Đầu tư và kinh doanh BĐS Hải Phát-HPLC (3,7 lần); CTCP Đầu tư Hải Phát-HPX (1,5 lần); Tập đoàn Geleximco-CTCP (2,2 lần)…

Để giảm áp lực nợ trái phiếu trong năm nay và các năm tiếp theo, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản theo nghị quyết 33 năm 2023 của Chính phủ.

Trong đó kịp thời rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về pháp lý và trong triển khai thực hiện dự án, nhất là các doanh nghiệp có trái phiếu đáo hạn trong năm 2024 để các doanh nghiệp hoàn thiện dự án, đưa sản phẩm ra thị trường, khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp, qua đó góp phần ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Minh Hoa (t/h)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.