Mất tiền, mất mạng vì đồ công nghệ

Một mà mẹ mất khoản tiền lớn chỉ vì cho con chơi iPad không kiểm soát. Một bà mẹ khác cũng mất con vì điều tương tự.

Jessica Johnson, 41 tuổi, là nữ doanh nhân làm nghề môi giới bất động sản ở Connecticut, Mỹ. Vào tháng 7 vừa qua, cô đâm đơn kiện ngân hàng khi thấy Apple và PayPal rút 16.000 USD trong tài khoản của mình. Cô hết sức phẫn nộ khi tự nhiên bị mất một số tiền lớn như vậy.

Nhưng sau đó, ngân hàng cho biết các khoản phí nói trên không hề nhầm lẫn mà được thanh toán bằng bằng tải khoản trên Apple. Người mẹ xem lại các khoản phí thanh toán trên điện thoại và khi phát hiện thấy biểu tượng trò chơi Sonic Forces, cô biết người tiêu tiền chính là cậu con trai George Johnson, 6 tuổi.

Jessica đã quá lơ là khi đưa chiếc iPad cho con mình giải trí trong đại dịch vừa qua. Cô không hề biết George đã bỏ hàng đống tiền mua sắm để nâng cấp nhân vật trong game. Apple cho biết vì Jessica không khiếu nại trong vòng 60 ngày kể từ ngày bị tính phí nên họ không thể hoàn tiền cho cô.

Cô thừa nhận không kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đồ công nghệ của con cái, cũng như cài đặt mật khẩu hợp lý. Sau bài học nhớ đời, Jessica đang cố gắng trả nợ cho con trai. Cô đã không được nhận lương từ tháng 3 đến tháng 9 do ảnh hưởng của đại dịch. "Thu nhập của tôi đã giảm 80% trong năm nay. Chắc tôi phải bắt thằng bé trả tiền cho tôi sau 15 năm nữa, khi nó có công việc đầu tiên trong đời", NY Post dẫn lời Jessica cay đắng nói.

Một phần nhận trách nhiệm về mình, Jessica cũng cáo buộc những trò chơi trên điện thoại cố tình “gài bẫy” để những đứa trẻ vẫn còn hạn chế về nhận thức sẽ tiêu tiền một cách vô tình. Trên thực tế, hiếm người lớn nào bỏ số tiền lên đến cả chục nghìn đô chỉ để mua vật phẩm ảo trong game điện thoại như vậy.

Rõ ràng, những câu chuyện về cạm bẫy rình rập con trẻ trên các thiết bị công nghệ là điều không hề mới và Jessica có thể cảm thấy may mắn khi ít nhất hệ quả chỉ là mất tiền thay vì những bi kịch lớn hơn.

Mới đây, Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo, các bậc phụ huynh nên chú ý đến con trẻ khi có biểu hiện bất thường hay chơi các trò lạ nếu thường xuyên sử dụng các thiết bị công nghệ, điện thoại, iPad. Theo đó, hồi cuối tháng 11 vừa qua, một bé trai 8 tuổi được cho là đã tự tử theo cách bắt chước "Thử thách Momo" có nội dung độc hại, hướng dẫn trẻ em tự sát.

Trẻ em là nhóm người xem rộng lớn và là mảnh đất kiếm tiền cho các nền tảng nội dung trực tuyến như YouTube, TikTok… Nhưng không phải kênh nào gắn mác trẻ em cũng sẽ có nội dung an toàn và phù hợp. Trong thời gian qua, dư luận đã nhiều lần lên án các kênh nội dung cho trẻ em gây tranh cãi, như kênh YouTube Thơ Nguyễn, một trong những kênh dành cho trẻ em hàng đầu Việt Nam, nhưng đã nhiều lần bị chỉ trích bởi nội dung phản cảm, chỉ dẫn những thí nghiệm nguy hiểm khiến trẻ em dễ bắt chước.

Một kênh YouTube khác có tên "Hành tinh đồ chơi" cũng thường xuyên đăng tải những video nhảm nhí như “ăn xà bông, uống sữa tắm”, “ăn xương rồng”, “ăn iPad”, hay “uống bột giặt”...

Các chuyên gia tâm lý cho biết, trẻ nhỏ là đối tượng chưa phát triển đầy đủ về mặt nhận thức và chưa thể phân tích được các nội dung về mặt lý tính nên dễ dàng làm theo những chỉ dẫn trên các nội dung có tính chất lôi cuốn, màu sắc, âm thanh.

Ngày nay, các thiết bị công nghệ được coi là cứu cánh của nhiều bậc cha mẹ. Để đứa trẻ chịu ăn uống hoặc ngồi im một chỗ, họ thường đưa cho trẻ các thiết bị công nghệ như điện thoại, iPad hay TV. Dần dần đứa trẻ trở nên phụ thuộc vào các thiết bị này và giảm dần các hoạt động thể chất.

Dưới góc độ khoa học, thói quen trên là tối kỵ. Viện Nhi khoa Mỹ cho rằng không nên cho trẻ em dưới 2 tuổi xem tivi hoặc sử dụng các sản phẩm công nghệ. Hơn lứa tuổi trên, trẻ cũng chỉ được sử dụng các thiết bị ngày 1-2 giờ, dưới sự giám sát của cha mẹ.

Có quá nhiều tác hại cả về sức khỏe, tính mạng và tiền bạc như các câu chuyện ví dụ ở trên. Xem tivi lẫn sử dụng các thiết bị công nghệ khiến trẻ giảm khả năng tập trung, ảnh hưởng đến giao tiếp, có các hành vi bất thường, bắt chước hành động xấu trên mạng, lười vận động, giảm thị lực…

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Nhận diện các chiêu lừa trẻ em “sập bẫy”

Chủ nhật, 20/12/2020 | 11:25
Các đối tượng sử dụng nhiều chiêu rất tinh vi, ngọt nhạt cũng có, kích thích sự tò mò cũng có, đưa ra mồi nhử về vật chất, về tinh thần… để đưa trẻ em “sập bẫy”.