Một đô thị, hai ứng xử

Một đô thị, hai ứng xử

Hoài Nam
Thứ 3, 27/02/2024 | 08:54
38
Hai kiểu ứng xử này xuất hiện gần như cùng lúc với sự hình thành của đô thị, và chúng cứ song song tồn tại trong suốt trường kỳ lịch sử, thậm chí đến tận ngày hôm nay.

Ai đã từng đọc truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam, ắt phải nhận rằng ông tác giả thuộc họ Nguyễn Tường ở Cẩm Giàng, Hải Dương này là tay đệ nhất hạng trong việc “chơi” ánh sáng. Những cái đốm sáng liu riu lờ mờ buồn buồn trong đêm ga xép phố huyện tưởng cứ thế kéo dài mãi, chợt ào một cái, đoàn tàu về Hà Nội chạy qua, sáng rực rỡ, sáng lấp lánh, sáng lóa mắt, đột ngột như một vệt sao băng.

Ánh sáng ấy mất hút, để lại trong lòng hai chị em Liên – hai nhân vật trong truyện – một nuối tiếc ngậm ngùi khôn xiết. Ấy là vì chúng “thèm” Hà Nội – nhớ rằng đây là Hà Nội trước năm 1945, thủ phủ của Liên bang Đông Dương thuộc Pháp – đô thị lớn, biểu tượng của văn minh hiện đại, cái vẫy gọi sự thay đổi cuộc đời với những người dân quê và dân tỉnh lẻ ở xứ thuộc địa lúc bấy giờ.

Ở phía bên kia đất nước, sau năm 1954 lại rất phổ biến bài tân cổ “Lan và Điệp” của Mạc Phong Linh và Mai Thiết Lĩnh (một bút danh khác của nhóm Lê Minh Bằng, tức các nhạc sỹ  Lê Dinh, Minh Kỳ và Anh Bằng). Phần vọng cổ trong bài có đoạn lời của người con gái: “Điệp ơi mai anh lên chốn thành đô có nhà xe rực rỡ/  Xin đừng quên bến đò ngang con sông nhỏ chốn quê xưa em vò võ mong chờ/ Xin đừng quên người yêu bé nhỏ thật thà/ Chốn đô thành đầy xa hoa cám dỗ/ Điệp đừng để lòng sa ngã bê tha/ Đây chút tiền mọn từ lâu em dành dụm, trao cho anh làm lộ phí đường xa/ Mai mốt đây khi danh phận rỡ ràng, xin chớ phụ phàng tình xưa duyên cũ... ơ....”. Chốn thành đô trong bài tân cổ này có thể hiểu là Sài Gòn, “Hòn ngọc Viễn Đông” lúc ấy, nơi mà trong sự hình dung của người dân quê (miền Tây chăng?) là rất giàu có đẹp đẽ, song cũng đầy sức mạnh làm tha hóa nhân cách con người. Và đương nhiên, theo cách nào đó, nó đe dọa và khiến họ e sợ.

Tôi chỉ lẩy ra hai trong vô vàn ví dụ để nói đến hai kiểu ứng xử nghịch nhau của con người, con người Việt Nam, trước một thực thể, là đô thị. Hai kiểu ứng xử này xuất hiện gần như cùng lúc với sự hình thành của đô thị, và chúng cứ song song tồn tại trong suốt trường kỳ lịch sử, thậm chí đến tận ngày hôm nay.

Một mặt, chúng ta chứng kiến đô thị hóa như một quá trình không thể đảo ngược, không thể dừng lại, nếu không muốn nói là ngày càng phát triển với gia tốc cực cao. Các đô thị lớn như Sài Gòn, Hà Nội, Đà Nẵng luôn hút người từ khắp nơi trên cả nước, chủ yếu là các làng quê, về và vào với nó, phục vụ cho nhu cầu phát triển của nó, mà cũng chính là đáp ứng nhu cầu sinh tồn của người tứ xứ.

Xét cho cùng thì, như thực tế của nông thôn hiện nay cho thấy, ở quê thì biết lấy gì mà sống, quay ra quay vào mãi cũng mòn mỏi một kiếp người. Trong khi đó, lên thành phố, nếu học hành tử tế và gặp chút cơ may thì có khi lại có nhà cửa và công ăn việc làm ổn định. Bằng không, làm những việc bán sức lao động cơ bắp ở thành phố, chịu khó tằn tiện dành giụm thì rồi cũng có được ít dấn vốn để mà đổi nghề.

Mà không chỉ là lý do duy kinh tế thôi đâu. Ở đây, phần nào đó, còn có cả những lý do tinh thần, như sự tự do cá nhân chẳng hạn. Nên nhớ rằng ở nông thôn, với cơ chế Làng – Họ và sự ràng buộc lẫn nhau theo kiểu, nói là quan tâm cũng đúng mà bảo rằng tọc mạch thì cũng chẳng sai, “hàng xóm tối lửa tắt đèn”, thì chẳng ai giữ được phần bí mật nào của/ cho riêng mình cả. Mọi thứ thuộc về cá nhân đều bị “phơi” ra bằng hết.

Trong khi đó, ở đô thị thì khác hẳn. Ngay từ trước năm 1945, trong “Sống mòn”, một tác phẩm hư cấu chứ không phải một nghiên cứu khoa học, Nam Cao vô tình đã có một phân tích xuất sắc về vấn đề này: “Chúng tính ngay đến chuyện vợ chồng. Mô thú thật không có tiền để cưới. Thì Hà cũng chẳng cần gì sự ấy. Nó cũng nghèo. Mẹ con vốn phiêu bạt đến chỗ này kiếm ăn. Con đi làm ở sở ương cây, mỗi tháng sáu đồng. Mẹ đi xe cát, được mỗi ngày vài ba hào chỉ. Ở đây không còn phải như ở nhà quê. Chẳng còn ai biết nguồn gốc chúng ra sao. Chúng không còn sợ mang tiếng với ai. Ai đếm xỉa gì đến chúng?”.

Hơn nửa thế kỷ sau, bằng vào những trải nghiệm và chiêm nghiệm cá nhân, nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân sẽ xác nhận lần nữa cái ưu thắng của việc “ở thành phố” so với “ở nhà quê” mà Nam Cao từng đề cập: “Bảo vệ tự do cá nhân và bí mật riêng tư thì không gian đô thị tỏ ra tốt hơn không gian làng xã, và ngay giữa các đô thị thì đô thị lớn tốt hơn đô thị nhỏ” (Bài “Mênh mông chật chội, chật chội mênh mông”, in trong sách “Mênh mông chật chội”, 2009).

Cho nên có thể nói vui: kẻ phạm tội có muốn trốn thì chớ dại về nông thôn, sự lạ mặt của hắn đủ gây nghi ngờ ngay lập tức. Hãy trốn ở thành phố, trầm mình vào cái chốn người đông đặc chẳng ai quan tâm đến ai ấy, có khi lại là sống.

Tuy nhiên, mặt khác, chúng ta cũng vẫn luôn chứng kiến một hướng đối nghịch với sự nhập cư và niềm hân hoan đô thị. “Em ơi đô thành giờ đây anh sống không quen/ Đưa nhau lên tàu về quê ta sống vui hơn...”, nhạc miền Nam Việt Nam trước năm 1975 đã có những tiếng reo vui đòi về quê như thế này, dù người soạn lời ca khúc không nói rõ rằng “không quen” là không quen cái gì ở thành phố và tại sao lại không quen?

Nói chung, theo sự đọc và thiển ý của tôi, để có thể phát biểu đầy đủ về nỗi sầu, sự chán ghét, niềm thất vọng với đời sống đô thị của con người Việt Nam hiện đại và đương đại, phải chờ đến tập tiểu luận và tản văn “Có một kẻ rời bỏ thành phố” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, đương kim chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Tập tiểu luận và tản văn này in lần đầu cách đây trên dưới mười năm, trong đó phơi bày bằng hết các căn bệnh đô thị, bệnh trên thân xác đô thị và bệnh trong đời sống tinh thần của mỗi con người đô thị. Các căn bệnh ấy có thể chữa khỏi hay không, tác giả không nói, mà ông chỉ lẳng lặng... rời bỏ thành phố.

Còn tôi thì cứ lẩn thẩn nghĩ và tự hỏi: trời đất này mà rời bỏ thành phố thì còn biết đi đâu, khi rốt cuộc, đâu đâu cũng thấy toàn những làng đã hóa phố?

Hoài Nam

Những chuyện trên đường chỉ còn trong ký ức

Thứ 2, 26/02/2024 | 07:00
Hôm trước viết bài về hai con đèo đang được/ bị cải tạo cho mất chất đèo, chỉ còn dốc, tôi nhắc đến cục căn.

Thắc mắc thị dân

Thứ 7, 24/02/2024 | 07:00
Cách đây vài năm, nhà văn Nguyễn Việt Hà từng xuất bản một tác phẩm tiểu thuyết có cái tên mang tính chất thông báo rất rõ ràng: “Thị dân tiểu thuyết”.
Cùng tác giả

Năm năm trong một sử người tuyệt đẹp

Thứ 4, 03/04/2024 | 09:41
Với tác phẩm “Từ Việt Bắc về Hà Nội”, những chỗ mờ hoặc sự thiếu khuyết đã được nhà văn giải quyết theo cách riêng của văn chương.

Nhân ngày Sách và văn hóa đọc Việt Nam

Chủ nhật, 31/03/2024 | 07:00
Phải thừa nhận một thực tế rằng trong đa số trường hợp, tổ chức ra mắt sách thường chính là người bỏ tiền để in cuốn sách.

Thấy gì từ các phim chiếu Tết năm 2024?

Thứ 5, 21/03/2024 | 07:00
Phim tư nhân, phim nhà nước, phim Tết “chính danh” và phim Tết không “chính danh”, đủ cả. Thế nhưng kết quả ra rạp của mỗi phim lại mỗi khác.

“Tuyệt không dấu vết”, một sự chơi của viết

Thứ 2, 18/03/2024 | 07:00
Tác phẩm “Tuyệt không dấu vết” của Nguyễn Việt Hà, tôi đã viết trong một tiểu luận có tính cách tổng kết tiểu thuyết của năm: “Cuốn tiểu thuyết này khiến tôi, với tư cách một độc giả, được hưởng thụ cái cảm giác đầy hứng khởi của sự đọc.

Tại sao thơ?

Chủ nhật, 10/03/2024 | 10:11
Có thể là vì tâm hồn người Việt Nam chúng ta thiên về lãng mạn trữ tình, rất hợp với thơ (nên mới có sự kiện là số lượng người làm thơ luôn cao vọt chăng?).
Cùng chuyên mục

Có bao giờ bạn nghĩ: Nhiều kiến thức cũng là hạnh phúc?

Thứ 7, 27/04/2024 | 07:00
Quả thật, tôi không dám nghĩ, nếu mình bị tai nạn như người tài xế kia, thì cuộc đời sẽ đi về đâu? Đúng là sinh nghề tử nghiệp. Mấy ai chọn lựa được số mệnh của mình.

Chuyện bảo tồn văn hóa và du lịch

Thứ 6, 26/04/2024 | 07:00
Thay vì nhà nước bỏ tiền ra để “giữ gìn, phát huy bản sắc” thì doanh nghiệp làm và người dân được thể hiện chính mình.

Có về đây sống được không?...

Thứ 5, 25/04/2024 | 07:00
Trong kỳ nghỉ Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương vừa rồi, tôi có cùng vợ về quê. Vợ tôi là người Nùng, quê Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng. Một huyện giáp biên giới Trung Quốc, nơi có Thác Bản Giốc nổi tiếng.

Dr Thanh, nhắc lại và nhớ

Thứ 4, 24/04/2024 | 07:00
Trong chúng ta chắc chả ai là không biết, không nghe, ít nhất một lần, cái tên Dr Thanh.

Ta có nên hoài niệm về quá khứ?...

Thứ 3, 23/04/2024 | 07:00
Dù biết rằng, quá khứ là cái đã qua, ta không nên mãi hoài niệm về nó. Nhưng cuộc sống có đôi khi, ta phải hoài niệm về quá khứ, ta mới gặp được người thân của mình.
     
Nổi bật trong ngày

Chuyện bảo tồn văn hóa và du lịch

Thứ 6, 26/04/2024 | 07:00
Thay vì nhà nước bỏ tiền ra để “giữ gìn, phát huy bản sắc” thì doanh nghiệp làm và người dân được thể hiện chính mình.

Có bao giờ bạn nghĩ: Nhiều kiến thức cũng là hạnh phúc?

Thứ 7, 27/04/2024 | 07:00
Quả thật, tôi không dám nghĩ, nếu mình bị tai nạn như người tài xế kia, thì cuộc đời sẽ đi về đâu? Đúng là sinh nghề tử nghiệp. Mấy ai chọn lựa được số mệnh của mình.