Một đôi tay rảnh

Quá nhiều ông bố bà mẹ ngày ngày lên mạng tìm kiếm những gì tốt nhất cho con, như việc trẻ ăn gì, học ở đâu, làm thế nào thấu hiểu tâm lý con cái…, trong khi thứ mà chúng cần nhất ở cha mẹ lại là một đôi tay không gõ phím hay cầm điện thoại, một đôi tay rảnh rang chỉ ôm ấp vuốt ve chúng, chơi với chúng…

Chứng nghiện smartphone khiến nhiều đứa trẻ bị “lạc”cha mẹ ngay trong chính ngôi nhà của mình (Tranh minh hoạ)

Đêm 21/8/2020, trong khi lực lượng công an tỉnh Bắc Ninh ra sức tìm kiếm cháu Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi) bị mất tích chiều cùng ngày tại công viên Nguyễn Văn Cừ (phường Khúc Xuyên, TP Bắc Ninh), tôi và rất nhiều ông bố bà mẹ đã dõi theo tin tức của cháu bé trên báo chí, không ngừng chia sẻ thông tin giúp gia đình cháu sớm tìm thấy con.

“Mong con bình an. Xin mọi người hãy chia sẻ thông tin… Giờ không phải là lúc lên án bố cháu bé mải xem điện thoại vì có lẽ anh ấy cũng đang hối hận lắm rồi. Điều quan trọng nhất bây giờ là giúp cháu được đoàn tụ với gia đình”, một người dùng Facebook lên tiếng.

Cuối cùng, nhờ nghiệp vụ của công an tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Tuyên Quang, sự phối hợp của người dân mà 21h30 ngày 22/8, cháu Gia Bảo đã được giải cứu thành công tại Tuyên Quang. Đối tượng bắt cóc cháu là Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, quê quán TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng) đã bị bắt giữ.

Kẻ ích kỷ, thiếu hiểu biết như Thu thì rồi đây sẽ bị pháp luật trừng trị thích đáng. Nhưng điều quan trọng là mỗi gia đình sẽ phải làm gì để bảo vệ con mình trước bao nhiêu biến cố, rủi ro ngày đêm rình rập?

Cháu Gia Bảo may mắn vì đối tượng bắt cóc nhằm mục đích nhận bừa con để được gia đình người yêu chị ta chấp nhận cho làm đám cưới, nên cháu không bị tổn thương gì. Nếu “kịch bản” của Thu thành công thì hậu quả tồi tệ nhất là cháu phải nhận một kẻ bất lương như Thu là mẹ, còn gia đình anh Nguyễn Văn Hưng (37 tuổi, bố cháu) thì lạc mất con cả đời.

Thế nhưng, nhiều ông bố bà mẹ khác thậm chí còn gánh chịu hậu quả nặng nề hơn anh Hưng, chỉ vì vài phút xao lãng con cái vì công nghệ.

Ở Thượng Hải (Trung Quốc), ngày 11/10/2019, một bà mẹ mải xem điện thoại đã khiến con gái 3 tuổi bị kẹt tay vào thang cuốn siêu thị khiến cánh tay gần như đứt lìa.

Ở Malaysia, ngày 8/4/2016, một người mẹ trẻ đứng chơi điện thoại trên thang cuốn ở trung tâm thương mại, bên cạnh 2 con gái nhỏ. Sau đó, một bé gái bị thang cuốn kéo ngã xuống lầu, người mẹ hoảng hốt chạy xuống và chứng kiến con gái bị thương nặng không qua khỏi.

Ở Singapore, ngày 12/10/2015, bé Reyhana Qailah Mohamad Shiddiq 3 tháng tuổi, qua đời vì sặc sữa do ông bố 27 tuổi vừa cho con bú bình vừa mải chơi game trên điện thoại.

Còn ở Việt Nam, năm 2008 tại xã Đạo Đức, huyện Bình Xuyên, Vĩnh Phúc từng xảy ra vụ việc ông nội đang tắm cho đứa cháu 9 tháng tuổi, thấy điện thoại reo liền vào nhà nghe. Hai phút sau ông quay ra đã thấy cháu úp mặt xuống nước, tắt thở. Thời gian gần đây thì xảy ra hàng loạt vụ trẻ em bị ngã từ lan can, rơi xuống ao cá, kẹp tay vào thang máy… khi bố mẹ vừa dùng smartphone vừa trông con.

Sự thật là, trước đây, khi smartphone chưa phổ biến, ngoài giờ làm việc hầu hết thời gian của các bậc phụ huynh đều dành để chăm con. Còn giờ đây, hình ảnh thường thấy trong mỗi gia đình vào buổi tối là bố cầm iPhone, mẹ cầm iPad, con cái tự học tự chơi. Nếu chúng tìm cách hỏi han, la hét để gây chú ý với bố mẹ thì sẽ nhận được những lời nạt nộ, yêu cầu trật tự vì bố mẹ đang… bận (!!)

Ra đường, không khó để chúng ta bắt gặp hình ảnh ông bố vừa chở con trên xe máy vừa ngó vào điện thoại hay một bà mẹ vừa dắt tay con vừa nhìn điện thoại cười khúc khích. Thử quan sát trong một quán ăn, bạn sẽ thấy 10 người đang cho con ăn thì có tới 6-7 người tranh thủ sử dụng điện thoại.

Nhiều người trong chúng ta than phiền về việc con cái nghiện smartphone mà quên mất nhìn lại bản thân mình. Điều đáng nói, không chỉ dùng điện thoại để làm việc, phần lớn thời gian lẽ ra nên dành cho con cái thì chúng ta lại chơi game, xem bóng đá, tán gẫu với bạn bè, canh đồ giảm giá…

Chúng ta cũng thường dành nhiều thời gian lên mạng để tìm hiểu xem nên cho con ăn gì thì đủ chất, khi nào cần tiêm vắc – xin, học trường nào tốt, làm sao để làm bạn với con… nhưng lại quên đi rằng làm thế nào để phát triển khả năng giao tiếp của con cũng không kém phần quan trọng. Mà muốn giao tiếp với con, chúng ta thật sự cần một đôi tay rảnh. Không bấm phím. Không cầm điện thoại.

Từ 20 năm trước, giới chuyên gia giáo dục ở Mỹ đã đưa ra thuật ngữ "chú ý liên tục phân tán" để nói về tình trạng các ông bố bà mẹ không dành hoàn toàn sự chú ý cho con cái trong thời gian dài do mải dùng smartphone. Họ cũng khuyến cáo rằng, bố mẹ mẹ xao lãng con vì smartphone không chỉ gây nguy hiểm cho thể chất đứa trẻ mà còn ảnh hưởng đến nhận thức của chúng.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngôn ngữ là yếu tố dự báo tốt nhất về thành tích học tập, và rằng những đứa trẻ có kỹ năng ngôn ngữ tốt là đứa trẻ có được sự kết nối liên tục và giao tiếp nhiều với bố mẹ.

Một số nhà khoa học cũng đã nghiên cứu các trại mồ côi ở Romania và kết luận, việc bị bỏ rơi thời gian dài khiến trẻ gặp các vấn đề về xã hội, cảm xúc và nhận thức ngay cả khi trưởng thành. Bên cạnh đó, khối lượng chất xám trong não bộ cũng bị suy giảm.

Thỉnh thoảng bận rộn, thỉnh thoảng vô tâm thì không phải vấn đề, thậm chí còn hữu ích bởi nó giúp trẻ rèn luyện khả năng chịu đựng và độc lập. Thế nhưng, sự vô tâm kéo dài do người lớn phụ thuộc vào smartphone khiến đứa trẻ tin rằng chúng không đáng chú ý bằng chiếc điện thoại, và chúng bị “lạc” mất cha mẹ ngay chính trong ngôi nhà của mình.

Tôi từng đọc một câu chuyện cảm động, có cậu bé hỏi bố rằng một ngày làm việc của bố được trả bao nhiêu tiền. Sau đó, cậu chăm chỉ làm việc nhà cho ông bà, bố mẹ, khi kiếm được đủ số tiền đó, cậu đưa cho bố và hỏi liệu con có thể mua một ngày làm việc của bố được không, bố có thể cất máy tính, điện thoại để đưa con đi chơi được không.

Tôi cũng từng rơi nước mắt khi đọc câu chuyện một cô bé học sinh cấp 1 có người mẹ bị mất vì tai nạn giao thông, có người bố bận rộn thường xuyên đón con muộn nhất trường. Các bậc phụ huynh khác ngày nào cũng thấy cô bé tha thẩn chờ trong sân trường liền ngỏ ý đưa em về nhà nhưng em luôn từ chối và bảo “Mẹ cháu sắp đến đón rồi”. Không ai biết em đã mất mẹ.

Cho đến một ngày, người bố có cuộc họp muộn đến nỗi quên cả giờ đón con. Khi sực nhớ ra con, ông bố lao đến tìm và chết lặng khi thấy cô bé dùng phấn vẽ một hình ảnh người mẹ trên sân trường rồi nằm trong “khuôn hình” mẹ đó ngủ ngon lành. Mắt em còn ướt nhưng miệng lại nhoẻn cười.

Trong cuộc sống bộn bề lo toan, người lớn chúng ta có quá nhiều vấn đề phải quan tâm, nhưng đừng quên trẻ nhỏ chỉ có một mối quan tâm duy nhất là chính chúng ta. Bởi vậy, hãy buông điện thoại xuống. Dành cho con món quà vô giá là đôi bàn tay rảnh của mình.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Khởi tố, tạm giam kẻ bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh

Thứ 3, 25/08/2020 | 10:35
Sau khi giải cứu thành công bé trai 2 tuổi, Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối tượng bắt cóc cháu bé.

Lật tẩy âm mưu của người đàn bà bắt cóc bé trai 2 tuổi ở Bắc Ninh

Chủ nhật, 23/08/2020 | 07:54
Sau hơn 24h nỗ lực, tích cực điều tra, đêm ngày 22/8, Công an tỉnh Bắc Ninh chủ trì phối hợp các Cục nghiệp vụ Bộ Công an, Công an tỉnh Tuyên Quang đã bắt giữ đối tượng và giải cứu cháu bé bị bắt cóc tại Công viên Nguyễn Văn Cừ, phường Đại Phúc, TP.Bắc Ninh.

Nóng: Bé trai 2 tuổi mất tích được tìm thấy ở Tuyên Quang

Thứ 7, 22/08/2020 | 22:33
Sau nhiều giờ nỗ lực tìm kiếm, Công an TP.Bắc Ninh đã tìm thấy bé trai mất tích tại công viên.