Mũ “bảo hiểm” lưỡi trai – Vì thời trang sẵn sàng đổi… mạng

Đỗ Tuấn

Theo nghiên cứu, mũ bảo hiểm đạt chuẩn có thể làm giảm tỉ lệ tử vong 40 - 42% và giảm tỉ lệ thương tật nặng lên tới 69% khi xảy ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, nhiều người vẫn chọn sử dụng những chiếc mũ nhựa hình lưỡi trai mỏng mảnh.

Nhan nhản vỉa hè, tràn trề trên mạng

Đỗ xịch xe máy sát vỉa hè phố Lê Duẩn (Q. Đống Đa, Hà Nội), đôi nam nữ với tay chọn một cặp mũ bảo hiểm có hình lưỡi trai đang được bày bán la liệt trên tấm ni-lông trải dọc vỉa hè. Không cần hỏi giá, cậu thanh niên chọn một chiếc màu hồng đội lên đầu cho bạn gái rồi lấy cho mình một chiếc màu xanh dương bóng bẩy. Chỉ có 80 nghìn đồng cho hai chiếc mũ, họ nhanh chóng trả tiền, vứt lại sọt rác gần đó cặp mũ cũ có hình dáng tương tự.

Chia sẻ với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, cậu thanh niên tên là Nguyễn Quốc Anh cho biết, loại mũ này vừa nhẹ vừa rẻ lại phong phú về màu sắc, họa tiết nên cậu vẫn thường dùng, sau vài tháng trông cũ cũ thì vứt đi mua cái mới. Khi được hỏi vì sao không chọn mua mũ bảo hiểm của những hãng uy tín, Quốc Anh nói: “Hầu hết giới trẻ bây giờ đều sử dụng loại mũ này, tôi cũng dùng vì công an cũng không xử phạt khi đội loại mũ này khi điều khiển mô tô, xe máy”.

Các điểm bán mũ bảo hiểm “3 không”: không nhãn mác, không nguồn gốc xuất xứ, không tem kiểm định chất lượng.

Khi được hỏi về mức đội an toàn của loại mũ đang sử dụng, Quốc Anh nói: “Nhìn thấy mỏng mỏng, chắc là không đảm bảo an toàn rồi, nhưng đi loanh quanh trong thành phố chắc không sao. Khi nào đi xa hơn, tôi sẽ đội mũ “xịn” mua tại cửa hàng chuyên bán mũ bảo hiểm”.

Còn chị Lê Diễm Quỳnh (ở Thanh Xuân, Hà Nội) – một người thường xuyên mua mũ bảo hiểm trên Internet - thì chia sẻ: “Biết loại mũ lưỡi trai nhiều màu sắc được bán đầy trên mạng là hàng trôi nổi không đảm bảo an toàn nhưng là phụ nữ, tôi vẫn dùng vì nó nhẹ đầu, trông không quá nặng nề như các loại mũ bảo hiểm khác nên không bị xẹp tóc nếu đội cả quãng đường dài”.

Anh Quốc Anh, chị Diễm Quỳnh và rất nhiều người đang sử dụng loại mũ này, khi được hỏi, đều xác nhận chưa từng bị cảnh sát giao thông (CSGT) xử phạt vì lỗi mũ bảo hiểm không đạt chuẩn. Thậm chí có người nói, đi vài cây số trong nội thành, đội mũ chủ yếu để đối phó CSGT là chính.

Nhan nhản những chiếc mũ lưỡi trai được giao bán trên Shopee, sendo, tiki…

Theo tìm hiểu của PV, loại mũ “lưỡi trai” này được bày bán tràn lan trên vỉa hè Hà Nội và nhan nhản trên mạng, với mức giá 30 – 90 nghìn đồng/chiếc. Với giá bán quá rẻ như vậy, không có gì khó hiểu khi chúng chỉ có duy nhất một miếng mút mỏng bên trong mũ, không có phần lõi xốp để bảo vệ phần đầu cho người dùng trước những tác động va đập.

Không có thuật ngữ "mũ bảo hiểm lưỡi trai"

Vừa qua, ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia (UBATGTQG) và quỹ Phòng chống thương vong Châu Á (AIP) công bố kết quả nghiên cứu về chất lượng mũ bảo hiểm do Quỹ này phối hợp với trường đại học Y tế công cộng khảo sát.

Theo đó, trong số 540 mũ bảo hiểm (đang được sử dụng của người lớn và trẻ em) được thu thập ngẫu nhiên tại TP. HCM và tỉnh Thái Nguyên, có tới 25,9% số mũ là mũ dạng “lưỡi trai”.

Điều đáng nói, chỉ có 10,1% trong tổng số 540 mũ mang vào thử nghiệm đạt tiêu chuẩn đối với thử nghiệm va đập theo quy trình thử nghiệm quy định tại QCVN2: 2008/BKHCN (quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy); 89,9% còn lại là không đạt tiêu chuẩn an toàn.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG - nhận định, kết quả nghiên cứu đã phản ánh một phần thực trạng sử dụng mũ bảo hiểm chưa đạt chuẩn chất lượng của người tham gia giao thông hiện nay, mặc dù số lượng mẫu khảo sát còn hạn chế.

“Điều này đặt ra những câu hỏi lớn đối với hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý chất lượng mũ bảo hiểm, vốn là loại sản phẩm có liên quan trực tiếp đến sức khỏe, sinh mạng của nhân dân hiện nay”, ông Hùng nói.

Chiếc mũ bảo hiểm “rởm” vỡ nát sau tai nạn, người phụ nữ đầu loang máu choáng váng trên cầu Vĩnh Tuy.

“Tôi đề nghị phải bỏ ngay cụm từ "mũ bảo hiểm lưỡi trai" trong báo cáo. Không có thuật ngữ nào là "mũ bảo hiểm lưỡi trai" cả. Trong số người ngã xuống đường thì đa số bị chấn thương đầu, trong khi đó nghiên cứu cho thấy, nếu đội mũ đạt chuẩn thì có thể giảm chấn thương sọ não rất nhiều nếu có va chạm. Tôi cho rằng cần siết chặt vấn đề quản lý chất lượng mũ bảo hiểm hiện nay”, người phụ trách UBATGTQG chia sẻ thêm.

Liên quan đến vấn đề mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn, một lãnh đạo phòng Cảnh sát giao thông TP. Hà Nội cho biết, “Tôi chứng kiến đã có nhiều trường hợp tai nạn giao thông xảy ra, người tham gia giao thông bị chấn thương nặng vùng đầu do sử dụng loại mũ lưỡi trai quá mỏng, dễ vỡ. Những trường hợp đó, mũ chẳng những không bảo vệ được đầu mà còn cắm ngược trở lại phần đầu và dẫn đến tử vong hoặc tổn thương não”, vị lãnh đạo thông tin. Tuy nhiên, vị này cũng cho hay, CSGT nhiều khi lúng túng khi xử phạt những trường hợp này vì chỉ đạo của cấp trên thiếu nhất quán, trong khi người đội mũ không đạt chuẩn thì quá nhiều.

Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, chuyên gia giao thông - TS Nguyễn Hữu Đức - cho biết: “Bộ Khoa học và Công nghệ đã có quy định về tiêu chuẩn của mũ bảo hiểm cho người tham gia giao thông, còn những loại mũ “lưỡi trai” thì không coi là mũ bảo hiểm xe máy. Mũ “bảo hiểm lưỡi trai” thực chất không đảm bảo an toàn vì được sản xuất với chất lượng kém, không thể bảo vệ được phần đầu khi tai nạn giao thông xảy ra. Mặc dù loại mũ này rất dễ vỡ, nhưng nhiều người vẫn sử dụng một cách chống đối, chủ yếu để tránh bị cảnh sát giao thông phạt”.

Theo vị chuyên gia, để có thể loại bỏ được thói quen sử dụng mặt hàng này là rất khó. Trước đó, có nhiều dự kiến và có thời điểm UBATGTQG quyết định bỏ loại mũ này, nhưng sau một thời gian vấn đề lắng xuống, bộ Công an thì nói không nhận được kế hoạch nên kế hoạch lại không thành công.

“Để có thể giải quyết dứt điểm vấn đề này, chúng ta vẫn phải tuyên truyền cho người dân hiểu, kèm theo đó phải có chế tài nhất định đối với những trường hợp không chấp hành”, ông Đức nói.

Mất an toàn cho người tiêu dùng

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ThS.BS Phạm Như Quỳnh - Phó khoa khám bệnh, bệnh viện Đa khoa Hà Nội - cho biết: “Tác hại nghiêm trọng và dễ nhận thấy nhất của loại mũ bảo hiểm kém chất lượng chính là mất an toàn cho người sử dụng, nếu xảy ra tai nạn thì có nguy cơ cao bị chấn thương sọ não. Ngoài ra, do được làm từ nhựa tái chế, với giá rẻ loại mũ này dễ gây tác hại khôn lường cho sức khỏe người tiêu dùng như: Gây nấm ngứa da đầu, ảnh hưởng thần kinh, não bộ, hay bị đau đầu... Lời khuyên của tôi là người tham gia giao thông cần đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn có thể chịu nhiệt, độ va đập, độ nén tốt nhất”.

Những lý giải việc thay tem dán bằng chữ đúc trên mũ bảo hiểm

Đúc nổi cụm từ “Mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy” là đề xuất của ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG - nhằm giúp người dân phân biệt được chính xác đâu là mũ bảo hiểm đạt chuẩn.

Ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG: "Tem kiểm định có chữ nhỏ, dễ bị bong mờ được dán phía trong mũ bảo hiểm".

Ông Hùng lý giải: Hiện nay quy chuẩn quốc gia về mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy quy định, đối với loại mũ đạt chuẩn sẽ có dán tem kiểm định. Trên tem thể hiện dòng chữ “Mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy” và thông tin về nhà sản xuất. Tuy nhiên, tem có kích thước nhỏ, độ bền không cao, có thể bị bong mờ. Bởi vậy, tôi đã đề xuất thay vì dán tem, chúng ta có thể đúc nổi dòng chữ “Mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy” và thông tin nhà sản xuất.

Nếu đơn vị sản xuất loại mũ thời trang, mũ lưỡi trai, không phải là mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy cũng đúc dòng chữ như vậy thì lực lượng chức năng làm nhiệm vụ chống hàng giả, gian lận thương mại sẽ vào cuộc xử lý ngay. Thông tin đầy đủ của nhà sản xuất được đúc nổi trên mũ cũng giúp người dùng đòi bồi thường, cơ quan quản lý xử lý trách nhiệm đối với nhà sản xuất nếu xảy ra tai nạn có liên quan đến chất lượng mũ bảo hiểm.

Thế còn đề xuất loại bỏ thuật ngữ "mũ bảo hiểm lưỡi trai" của UBATGTQG mới đây thì sao, thưa ông?

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy của bộ Khoa học và Công nghệ quy định mũ bảo hiểm phải đủ 3 bộ phận: Vỏ mũ, đệm hấp thụ xung động bên trong vỏ mũ (đệm bảo vệ) và quai đeo. Ngoài ra, thiết bị này cũng cần phải đạt hàng loạt chỉ tiêu khác liên quan đến kích thước, chất liệu và các chỉ số thử nghiệm đảm bảo an toàn đối với người dùng.

Trong khi đó, các loại mũ dạng lưỡi trai đó chỉ có lớp nhựa, không có lớp đệm xốp bảo vệ chống xung động. Vì vậy, các mũ dạng này không phải mũ bảo hiểm cho người đi môtô, xe máy.

Hiện nay, quy định pháp luật đã rõ ràng, nhưng khi cơ quan chức năng đi khảo sát, những người bán mũ lưỡi trai thì cho rằng đây không phải mũ dành cho người đi mô tô xe máy, người tham gia giao thông bị xử lý vì sử dụng loại mũ không đạt tiêu chuẩn thì lại tranh cãi với lực lượng chức năng rằng mũ lưỡi trai là mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy. Việc bỏ thuật ngữ “mũ bảo hiểm lưỡi trai” giúp loại bỏ những tranh cãi nói trên.

Một số ý kiến cho rằng để phân biệt giữa mũ bảo hiểm đúng quy định và mũ giả rất phức tạp, ông đánh giá sao về điều này?

Thực tế, phải phân định rõ giữa mũ bảo hiểm giả và mũ không phải mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.

Loại mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy thì ai cũng có thể phân biệt được, còn mũ giả đòi hỏi phải có sự tham gia của cơ quan chức năng có chuyên môn.

Mũ bảo hiểm giả, kém chất lượng và mũ không phải mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy là 2 đối tượng hoàn toàn khác. Vì vậy, trước tiên, tôi mong người dân hãy tìm mua đúng mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy. Trong những mũ này đều có tem kiểm định và có các bộ phận cơ bản như vỏ mũ, quai đeo và đặc biệt là lớp xốp có chức năng hấp thụ xung động.

Còn mũ lưỡi trai – loại được bán nhiều ở vỉa hè, phía trong không có lớp xốp mà người đội chủ yếu để đối phó - thì không được xếp vào loại mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy.

Theo ông, việc loại bỏ mũ “lưỡi trai” và các loại mũ kém chất lượng có khó không?

Về nguyên tắc, quy định đã có, vấn đề này nếu quyết tâm thì vẫn làm được, có điều là hiện nay việc quyết tâm của đơn vị phòng chống gian lận thương mại cũng chưa được triển khai mạnh mẽ. Một vấn đề nữa, để xứ lý dứt điểm tình trạng này, lực lượng CSGT còn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý những vi phạm trên đường. Do đó, hiện UBATGTQG chỉ mới đề xuất là đúc nổi chữ “Mũ bảo hiểm dành cho người đi mô tô, xe máy”.

Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!

Đ.T