Ngẫm về chữ Hiếu

Tư Viễn

Người bố mang tiếng ác giết con. Nhưng chính trận đòn của ông bố ấy đã khiến đứa con trai tỉnh ngộ, quay trở lại làm người lương thiện.

Người làm cha, làm mẹ nào cũng đều hy sinh tất thảy để cho con cái một tương lai tốt đẹp. Thành ra cơ sự “hỗ dữ ăn thịt con” như trong vụ án của ông Nguyễn Văn Đức (SN 1953, cụm 5, xã Hồng Hà, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội) bị TAND TP.Hà Nội đưa ra xét xử về tội Giết người theo khoản 2 Điều 123 BLHS khiến nhiều người không khỏi suy ngẫm.

Thay vì oán trách bị cáo, nhiều người không khỏi trăn trở về đạo lý làm con của người trong cuộc.

Người cha già đau khổ vì mang án giết con.

Ông Nguyễn Văn Đức là một người nông dân chân chất, hiền lành, vợ chồng ông Đức sinh được 4 đứa con, nhưng dường như ông bà luôn dành sự quan tâm, lo toan cho người con trai Nguyễn Văn T. (SN 1979) nhiều hơn cả.

Anh T. được bố mẹ lo lấy vợ, xây cất nhà cửa đàng hoàng nhưng anh này vẫn giữ bản tính chơi bời, lười lao động.

Chính ông Đức là người chạy vạy, vay mượn được gần 400 triệu đồng mua xe ô tô cho T. đi học lái taxi. Nhưng với bản tính ham mê cờ bạc, T. nhiều lần cắm xe để cho bố và vợ phải đi chuộc.

Không chỉ chơi bời, rượu chè, T. còn ngoại tình, đã thế về nhà lại gây sự, chửi mắng, đánh đập vợ không thương tiếc. Những lần như thế, vợ chồng ông Đức lại tất tả sang can ngăn, khuyên bảo, nhưng T. luôn bỏ ngoài tai, thậm chí còn chửi bới, hành hung cả bố mẹ.

Vào một buổi chiều định mệnh, trong một phút thiếu bình tĩnh, lại vớ được cây gậy đinh ba bằng kim loại, cứ thế người cha già trút cơn giận giữ lên đứa con bất hiếu. Chỉ đến khi thấy con ngã vật ra đất, ông Đức mới như sực tỉnh mà dừng tay lại.

Được người thân đưa đi cấp cứu kịp thời, anh T. may mắn không chết nhưng bị tổn hại 99% sức khỏe. Ông Đức phải chịu sự trừng phạt của pháp luật đó là bản án tù dài.

Đổi lại, sau trận đòn “thập tử nhất sinh” của bố, tỉnh dậy trong vòng tay của gia đình, được chính tay người vợ mình từng hắt hủi tận tình chăm sóc, người mẹ già tần tảo trước giờ bị mình mắng chửi, đánh đập nay tất tả ngược xuôi vay mượn tiền để cứu chữa, anh T. lại càng thêm ân hận vì mình mà người cha cả một đời tần tảo lo toan, hiền lành vướng vòng lao lý, gia đình rơi vào bi kịch. Việc duy nhất anh T. làm được lúc này chính là gửi đơn từ xin cơ quan chức năng xem xét, xin miễn trách nhiệm hình sự cho bố mình.

Phía sau vụ án là tấn bi kịch, nỗi đau nhân tình. Những ai dự tòa thấy tiếc thay giá trị đạo đức, nhất là chữ Hiếu, đang bị xói mòn bởi chủ nghĩa thực dụng, nhất là trong giới trẻ, không thiếu những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, sống chỉ biết mình, không nghĩ đến cha mẹ, thậm chí còn giết cả cha mẹ. Trong vụ án trên, người con tên T. có những hành xử trái đạo đức, thuần phong mỹ tục, khiến cha già uất ức, một phút nóng giận không kìm chế được bản thân, đến nỗi phải mang tiếng giết con.

Có lẽ những người con như anh T. đã quên mất lời răn phải thờ mẹ, kính cha để làm tròn chữ Hiếu. Trong xã hội chữ Hiếu dần phai nhạt, giới trẻ cần nghiêm túc nhìn nhận lại bản thân.

• Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

T.V