Người họa sĩ Việt làm điên đảo quan chức quốc tế

Người họa sĩ Việt làm điên đảo quan chức quốc tế

Thứ 5, 27/12/2012 | 23:43
0
Từ vị đại sứ Cộng hòa liên bang Đức Henmuckun đến các đại sứ quán Nhật, vương quốc Bỉ, Pháp, Ba Lan…, đều tìm đến tranh Trương Minh Thảo như một sự thừa nhận tài năng.

Đam mê với những vẻ đẹp của đời thảo dã từ tuổi còn thiếu thời cho đến nay, khi đã bước vào tuổi lục tuần, ông vẫn trung thành với đam mê này. Những khán giả xem tranh vẫn thường quý mến đặt cho ông cái tên: Người đi tìm hồn hoa và cỏ dại.

Lạ & Cười - Người họa sĩ Việt làm điên đảo quan chức quốc tế

Họa sĩ Trương Thảo trong xưởng vẽ của mình

Họa sĩ tay ngang

Căn nhà nho nhỏ, xinh xinh nằm trong phố Hoàng Tích Trí (Hà Nội), đường vào xen lẫn với những bóng cây già cao lớn lừng lững vừa là nơi sáng tác, nơi ở và cũng là nơi gặp gỡ bạn bè của ông. Nhìn ông, người ta nghĩ ngay tới một ông giáo già đã quá tuổi về hưu hơn là một nghệ sĩ. Mà quả vậy, với mấy chục năm đứng trên giảng đường đại học Bách Khoa, bao thế hệ học trò đã trưởng thành dưới sự dìu dắt của ông. Hội họa, với ông là một cứu cánh để giữ cho tâm hồn được thanh lọc giữa những thị phi của chốn đô thành.

Bức lớn, bức bé chồng trận lên nhau trong căn phòng nhỏ, chen chúc trên 4 bức tường, trên sàn rồi trên kệ với muôn hình vạn trạng và màu sắc rực rỡ. Ông đưa tôi xem mấy cuốn catalo, trong đó là những bức tranh được ông chụp lại như một kỉ niệm về những đứa con tinh thần của mình.

Ngồi trong phòng, nghe nhạc và thưởng tranh, ông kể cho tôi nghe đây mới chỉ là bản sao lần thứ hai cho phòng tranh của ông. Phòng tranh thứ nhất phải kể đến căn phòng nhỏ ở cổng Đại học Bách Khoa. Giờ về hưu rồi, ông trả lại phòng tranh cho nhà trường nhưng vẫn còn lưu luyến lắm nên mới tạo dựng lại cho mình một chốn như xưa.

Sinh ra trong một gia đình nông dân xứ Nghệ, từ nhỏ Trương Minh Thảo đã có niềm đam mê lớn với hội họa, tuy nhiên với sự kì vọng của gia đình, ông đành dốc sức theo đuổi nghiệp bút nghiên. Thời gian rỗi, lại theo những bậc đàn anh trong làng để học hỏi. Cũng may, thời kì này một số nghệ sĩ tiếng tăm như Lê Văn Điều, Tạ Quang Bảo, Lê Đình Quỳ cũng tản cư và tập trung quanh vùng ông ở. Họ trở thành những người bạn, người thầy đặc biệt với Trương Thảo.

Tốt nghiệp cấp 3, ông được cử đi học ở nước ngoài với số điểm cao. Theo đuổi bộ môn hình học họa hình được xem là môn học khó thuộc bộ môn toán học cao cấp nhưng lại có nhiều điểm tương đồng với mỹ thuật khi nghiên cứu luật xa gần, bóng, phối cảnh. Cứ đi đến đâu, Trương Minh Thảo lại cắp nách theo một cuốn sổ để vẽ lại những cảnh, người đã đi qua. Được 2 năm thì cách mạng văn hóa bùng nổ, du học sinh phải trở về nước. Buộc phải học lại từ đầu, nhưng với sự kiên trì của mình, ông sớm trở thành một cán bộ giảng dạy của trường Đại học Mỏ địa chất rồi được cử làm chuyên viên biệt phái ở Đại học Bách Khoa.

Thấy đằng cổng C1 của trường vẫn còn một căn nhà nhỏ trước kia làm nhà bảo vệ giờ để không, ông mới đề nghị nhà trường cho ra đấy ở vừa tiện cho việc đi lại, giảng dạy vừa làm một thành viên danh dự bảo vệ trường. Từ một khu đất cỏ mọc um tùm, hoang dại, ông lại phải chăm chút, cải thiện biến thành một không gian thơ mộng.

Cứ có thời gian, ông lại dành hết cho cây cọ vẽ. Ông thích sức sống tiềm tàng và sự hồn nhiên của cỏ, không phô trương, giản dị, yên bình và lắng đọng. Nhiều lần, đi làm về nhìn thấy một cụm hoa xuyến chi, hoa cúc dại, hoa trinh nữ gài ở cửa nhà mình, ông thấy vui vui vì biết có những người đang động viên mình vẽ.

Lạ & Cười - Người họa sĩ Việt làm điên đảo quan chức quốc tế (Hình 2).

Một bức hoa dại của họa sĩ Trương Thảo

Quan chức quốc tế cũng "mê mẩn"

Ban đầu các thầy cô và sinh viên trong trường còn thấy lạ, nhưng dần dần mọi người lại thích lui tới với xưởng của ông nhiều hơn vì đẹp, lạ và thú vị. Khi có người hỏi xin tranh, ông cũng chẳng nề hà, toan tính. Không có tiền mua sơn dầu, ông tập trung bằng màu nước, màu dầu và cả phấn màu. Là tay ngang, không có thầy có thợ, mình ông lại phải mầy mò nghiên cứu từ tỉ lệ pha chế, kĩ thuật vẽ thế nào để màu ăn chắc, không bay, tranh vẽ không bị cong.

Tranh của ông dần trở thành món quà đặc biệt với bạn bè và khách khứa, kể cả khách của trường. Tiếng thơm bay xa, ngày càng có nhiều đoàn khách quốc tế tìm đến với tranh của ông. Từ đại sứ Cộng hòa liên bang Đức Hen-muc-kun (về sau là Thủ tướng đầu tiên nước Đức thống nhất), tới các đại sứ quán Nhật, vương quốc Bỉ, Pháp, Ba Lan, chủ tịch đầu tiên của hội Chữ thập đỏ quốc tế chi nhánh ở Việt Nam là ông Ma-ni-lanh, rồi các bạn bè trong giới nghệ sĩ và học thuật cũng tìm đến với ông như một sự công nhận: Chu Thúy Quỳnh, Trần Hoàn, Phú Quang,… Nghệ thuật đã phá bỏ những rào cản về ngôn ngữ và khoảng cách địa lý, giúp con người gần nhau hơn.

Xem tranh của ông, dù gam nóng, ấm hay gam lạnh đều thấy chan chứa tình. Cái tình mộc mạc như chính hồn cây cỏ dại. Đôi khi, sự sắc nét bị đánh nhòa đi để lại một khoảng mênh mông cho người xem tự cảm. Nghệ thuật với ông không bao giờ là một chiều, và quan trọng hơn, đừng bao giờ để người ta công nhận mình là họa sĩ rồi mới vẽ.

Ngoài những triển lãm ở trong nước, tranh của ông cũng đã hiện diện trong nhiều bộ sưu tập mỹ thuật ở nước ngoài như Mỹ, Ca-na-đa, Anh, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Hàn Quốc. Được giới hội họa trong và ngoài nước công nhận, đó là niềm vui lớn nhất mà người họa sĩ tay ngang này chưa từng ngờ trước đó.

Đỗ Huệ