Nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT tán thành phương án xét công nhận tốt nghiệp THPT

Thủy Tiên - Nguyễn Thảo

Nhiều người lo lắng sẽ bất công nếu không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT khi xét tuyển đại học. Không đồng tình với quan niệm đó, nhiều nhà giáo cho rằng, không cần thiết phải tổ chức kỳ thi trong bối cảnh nhiều nguy cơ, mà nên để các trường đại học “thích nghi” và tự chủ tuyển sinh.

Ưu tiên hàng đầu là an toàn cho thí sinh

Trước những băn khoăn của dư luận đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay, GS.TS Trần Hồng Quân - nguyên Bộ trưởng bộ GD&ĐT - bày tỏ quan điểm: “Tôi hoàn toàn tán thành phương án xét công nhận tốt nghiệp THPT, không tổ chức kỳ thi năm nay. Bởi, nói gì đi nữa, bảo đảm sự an toàn cho học sinh vẫn phải là ưu tiên hàng đầu. Và tôi cũng hoàn toàn không yên tâm trong khâu tổ chức thi.

Cần hết sức lưu ý, tình trạng lây lan của dịch Covid-19 hiện nay đang có nhiều ca mắc trong cộng đồng, thậm chí, chưa xác định được nguồn lây rõ ràng nên làm sao biết được nơi nào an toàn, nơi nào không. Cho dù có tổ chức thi kiểu gì chăng nữa, cũng không tránh khỏi việc tập trung đông người.

Trong tình hình này, chúng ta chưa xác định được hết các nguồn lây, nên dư luận không tránh khỏi lo lắng… Việc này sẽ ảnh hưởng đến tâm lý thí sinh”.

Bên cạnh đó, ông cũng đánh giá về phương án rà soát, phân loại thí sinh: “Bộ GD&ĐT dự kiến chia thí sinh dự thi thành 4 nhóm gồm F0, F1, F2 và các thí sinh khác; trong đó, thí sinh F0 được xem xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Tuy nhiên, thí sinh F1, F2 thi riêng phải kéo theo cả một bộ máy như coi thi, giám sát, thanh tra, bảo vệ, phục vụ rất cồng kềnh. Sau kỳ thi, ngần ấy người đó lại phải cách ly 14 ngày. Việc riêng cùng việc chung đều bị ảnh hưởng. Tôi cho rằng việc chia làm nhóm thí sinh là không khả thi!”.

Đề cập đến đề xuất tổ chức thi 2 đợt của bộ GD&ĐT, nguyên Bộ trưởng bày tỏ: “Làm sao chúng ta có thể lường trước thời điểm nào có thể khống chế hoàn toàn dược dịch bệnh? Phải xác định trước là cuộc chiến này rất khó khăn, dù chúng ta đã có kinh nghiệm. Hơn nữa, nếu chia kỳ thi thành 2 đợt, những thí sinh ở vùng dịch, những thí sinh thuộc nhóm nguy cơ cao cũng vẫn chịu thiệt thòi. Giai đoạn này, những thí sinh ấy cũng áp lực, chỉ cảm thấy lo lắng về sức khỏe của mình, chứ cũng đâu có ôn thi được. Trong hoàn cảnh này, bảo đảm an toàn sức khỏe vẫn là ưu tiên số 1.

Với những gì đang diễn ra trên thực tế, theo tôi, tốt nhất nên hủy kỳ thi và xét công nhận tốt nghiệp. Trong trường hợp đó, các trường đại học sẽ “thích nghi”, tự chủ tuyển sinh với những phương án riêng. Hoàn cảnh năm nay rất đặc biệt, nên giải pháp cũng cần phải đặc biệt! Hãy chọn một giải pháp an toàn bậc nhất mà cũng thống nhất trong cả nước”.

Chủ động dự phòng phương án tuyển sinh đại học

Nhà giáo ưu tú Trần Luyến - Phó Chủ tịch hội Khuyến học Việt Nam – phân tích: “Kỳ thi này cũng chỉ dùng để xét tốt nghiệp, còn các trường đại học “top đầu” thì gần như đã có phương án tuyển sinh riêng rồi, trường đại học nào có nhu cầu thì sẽ tổ chức thêm kỳ thi riêng để lựa chọn sinh viên đảm bảo chất lượng đầu vào...”.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ThS. Phạm Doãn Nguyên - Giám đốc trung tâm Tư vấn tuyển sinh (trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.Hồ Chí Minh) cho biết: “Ngay từ khi mới bắt đầu xuất hiện dịch Covid-19, trường đã chuẩn bị dự phòng các kịch bản tuyển sinh khác nhau. Với tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 như hiện nay, nếu bộ GD&ĐT không tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT, hoặc có tổ chức mà kết quả kỳ thi chịu ảnh hưởng nào đó về chất lượng thì cũng không ảnh hưởng nhiều đến kế hoạch tuyển sinh các trường đại học nói chung và trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.Hồ Chí Minh nói riêng.

Trường sẽ có những điều chỉnh chỉ tiêu đối với các phương thức tuyển sinh phù hợp, bảo đảm chất lượng đầu vào. Trong đó, tăng cường sử dụng phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học bạ THPT với điểm trung bình 5 học kỳ từ 30 điểm trở lên và điểm tổ hợp 3 môn từ 18 điểm trở lên; đồng thời, xem xét tính phù hợp của kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT (nếu có) để xét tuyển vào các ngành của trường đang đào tạo”.

GS.TS Nguyễn Vũ Quốc Huy - Hiệu trưởng trường đại học Y Dược (đại học Huế) - cũng thông tin: “Hiện nay, ban Chỉ đạo và hội đồng tuyển sinh đại học Huế đang tính toán nhiều phương án tuyển sinh khác nhau, tùy theo điều kiện của kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đại học Huế cũng đã đề ra một số phương án dự phòng xét tuyển cho các trường đại học thành viên, tuy nhiên, cũng không phải là tối ưu.

Tất nhiên, trong tình huống bất khả kháng, hội đồng tuyển sinh cũng sẽ phải xem xét đến những phương án b, phương án c…, còn bây giờ, các phương án vẫn còn đang nằm trên giấy. Phải chờ sau khi có quyết định chính thức về kỳ thi tốt nghiệp THPT thì các trường đại học thành viên mới được thông báo phương án tuyển sinh chính thức”.

Nên dừng kỳ thi

Nhà nghiên cứu Nguyễn Quốc Vương - nguyên giảng viên trường đại học Sư phạm Hà Nội, tác giả của hơn 50 đầu sách về giáo dục - đặt vấn đề: “Trước tình hình dịch bệnh đang rất nguy hiểm như hiện nay, quan điểm của tôi là nên dừng kỳ thi. Nếu vẫn cố tổ chức kỳ thi, thì câu hỏi đặt ra là chúng ta lựa chọn sự an toàn cho thí sinh hay chọn hoàn thành công việc của người lớn? Việc tuyển sinh vào các trường đại học, cao đẳng thì chỉ các trường “top trên” cần có một bước sàng lọc thí sinh riêng và việc này cũng không quá khó. Bên cạnh đó, phần lớn các trường đại học, cao đẳng hiện nay đã tuyển sinh khá đại trà nên không nhất thiết phải dựa vào kết quả từ kỳ thi tốt THPT. Hơn nữa, tâm lý của các em trong kỳ thi năm nay rất hoang mang và lo lắng, dịch Covid-19 vừa lắng xuống được một thời gian, giờ lại bùng phát trở lại, thí sinh rất khó để có thể tập trung hoàn thành bài thi của mình”.

T.T-N.T