Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: Các biên kịch trẻ đang có khoảng trống cần lấp đầy

Lạc Thành

Là một nhà biên kịch chuyên nghiệp, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã có những ý kiến thẳng thắn về kịch bản phim điện ảnh hiện nay…

Theo bà, các cuộc thi sáng tác kịch bản phim truyện điện ảnh có cần thiết trong tình hình hiện nay không?

Rất cần thiết chứ, hiện nay phim điện ảnh Việt đang thiếu hụt rất nhiều, nền điện ảnh của mình đã “mò mẫm” đi chứ chưa có những bước đột phá. Những cuộc thi như vậy là động lực để các nhà biên kịch gửi bài dự thi, làm dồi dào thêm kho kịch bản phim truyện điện ảnh. Cuộc thi sẽ định hướng cho người viết, tạo nên một làm sóng mới, họ sẽ hiểu được là khán giả đang cần gì, không cần gì? Một cuộc thi như vậy không chỉ phục vụ cục Điện ảnh mà phục vụ cả ngành Điện ảnh VN.

Là một nhà biên kịch chuyên nghiệp, bà thấy rằng, kịch bản phim truyện điện ảnh hiện nay đang thiếu gì?

Hầu như phim điện ảnh hướng đến nhiều đối tượng nhưng lại thiếu kịch bản phim dành cho thiếu nhi. Chúng ta có làm phim thiếu nhi, nhưng ở trạng thái là làm phim thiếu nhi để giáo dục bố mẹ, nên trẻ con không xem, phụ huynh cũng không xem. Họ bảo: Tôi dạy con tôi theo cách của mình, làm sao phải học phim điện ảnh? Nhiều phim cho trẻ em làm quá đà, bố mẹ còn thấy khó chịu. Vì sao? Vì không hay, trẻ con ngoan một cách giả dối, hoặc hư một cách hỗn láo. Làm phim hay cho trẻ em là một cái khó. Phim dành cho trẻ con hay như Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, hay phim dành cho tuổi mới lớn như Mắt biếc thì rất hay, được nhiều khán giả thích và đã trở thành một hiện tượng trong thời gian dài. Chứng tỏ vì không có phim hay, chứ không sợ khán giả không quan tâm đến phim.

Biên kịch Trịnh Thanh Nhã.

Hiện nay, người ta thường nói đến xu hướng phát hành phim điện ảnh qua mạng, theo bà, đây là hiện tượng hay là xu thế?

Tôi nghĩ, đó là một hiện tượng thôi. Việc phát hành phim qua mạng là sự tất yếu nhưng nó ở trạng thái của việc tận thu. Còn người xem điện ảnh bao giờ cũng mong muốn vào rạp để xem phim trên màn hình lớn, để cảm nhận phim với những chi tiết đúng đắn. Nếu chúng ta xem phim qua điện thoại, qua mạng thì không thể cảm nhận một tia nắng nhỏ xuyên qua được, phải xem trên màn hình lớn mới có cảm xúc.

Khi đọc kịch bản của những người viết trẻ, bà thấy họ còn thiếu cái gì?

Đó là tính logic trong câu chuyện. Họ thường viết kịch bản theo con mắt chủ quan của mình mà chưa có sự liên kết trong truyện kể. Có thể do kiến thức của họ yếu nên họ có cái nhìn phiến diện. Các bạn ấy sẽ phải học hỏi, trải nghiệm thêm, có sự dẫn dắn của những người đi trước thì sẽ có những kịch bản hay.

Xin cảm ơn những chia sẻ của bà!

L.T