Những vụ án đau lòng do nghĩ bị bỏ bùa, trấn yểm: Cái giá phải trả vì u mê và giải mã khoa học

Mai Hằng

Sống trong thời đại công nghệ 4.0, nhưng thời gian qua có không ít những vụ án đau lòng xuất phát từ suy nghĩ bị “trấn yểm, bùa chú như: Giết bạn nhậu vì mê tín cho rằng cái chết của cha liên quan đến bùa chú; Giết hàng xóm chỉ vì nghi ngờ bỏ bùa mình…. Vậy đâu là lời giải cho sự “u mê” của không ít kẻ “mông muội” giữa thế kỷ của khoa học kỹ thuật này?

Những cái chết đến từ sự hoang tưởng

Những câu chuyện thương tâm, những cái chết không đáng có mà nguyên cớ chỉ vì mê tín dị đoan vẫn ám ảnh người dân trong suốt thời gian vừa qua.

Như tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã đăng tải, Công an Quảng Ngãi công bố kết quả điều tra bước đầu về vụ án giết người ở huyện vùng cao Ba Tơ. Theo hồ sơ, khoảng 18h ngày 2/7, Phạm Văn Soi (32 tuổi), Phạm Văn Cua (34 tuổi), Phạm Văn Nghề (35 tuổi) và Phạm Văn L. (55 tuổi, cùng ngụ huyện Ba Tơ) cùng nhau uống rượu. Trong lúc ăn nhậu, Soi cho rằng ông L. bỏ bùa khiến cha của ông ta chết. Bực tức, ông L. đấm vào mặt ông Soi rồi bỏ đi.

Công an xác định khi đó Nghề và Cua đuổi theo đánh ông L. còn Soi chạy vào nhà lấy cây rựa chém liên tiếp khiến nạn nhân tử vong tại chỗ. Sau khi gây ra vụ án mạng, Nghề và Cua bỏ về nhà. Còn Soi kéo thi thể ông L. ra thả ở sông Liên. Sáng 4/7, người dân địa phương phát hiện thi thể ông L. nên trình báo cơ quan chức năng. Công an Quảng Ngãi đã tạm giữ hình sự Soi, Nghề và Cua để điều tra làm rõ.

Nghi phạm Phạm Văn Soi tại cơ quan Công an

Cũng theo thông tin từ CA tỉnh Sơn La cho biết, trưa 1/7, Công an huyện Thuận Châu, các phòng nghiệp vụ Công an tỉnh Sơn La phối hợp cùng các lực lượng chức năng đã bắt giữ đối tượng Lò Văn Niên (SN 1984, trú tại bản Trọ Phẳng, xã Chiềng Pha, huyện Thuận Châu) - nghi phạm gây ra vụ án giết người trước đó. Nói về lý do xuống tay sát hại hàng xóm, Niên cho rằng nghi ngờ anh N. bỏ bùa mình và có mối quan hệ bất chính với người thân của y. Bởi vậy, Niên đã lên kế hoạch giết hại anh N. từ 2 ngày trước đó.

Trước đó hẳn dư luận vẫn còn chưa hết kinh sợ trước thảm án thầy cúng nghi bị bỏ bùa đã truy sát cả gia đình hàng xóm khiến 4 người thương vong tại Nam Định năm 2019. Được biết vì nghi do bị bỏ bùa, nên sáng sớm ngày 4/3/2019, thầy cúng đã vác dao sang đập cửa rồi truy sát cả gia đình hàng xóm sau đó chạy thẳng về nhà, khóa cửa rồi dùng dao tự tử...

Bùa chú, trấn yểm không phải “thế lực siêu nhiên”

Liên quan đến vấn đề khiến dư luận xã hội đang quan tâm, lo lắng này TS Vũ Thế Khanh - Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học công nghệ tin học ứng dụng UIA cho rằng những vụ việc đau lòng liên tiếp xảy ra là do nhận thức nông cạn của mỗi cá nhân về tín ngưỡng, và niềm tin mê muội vào “thế lực siêu nhiên”.

Mặt khác, họ đang đánh đồng giữa tín ngưỡng, quan niệm dân gian với mê tín dị đoan nên sa vào các hành vi có xu hướng tiêu cực. Họ u mê tin rằng mình bị “bỏ bùa, trấn yểm” nên “mạng đổi mạng”. Họ không ý thức rằng việc làm này trái quy định pháp luật và cực kỳ nguy hiểm.

TS Vũ Thế Khanh.

“Tôi cho rằng những người đã nghĩ mình bị bỏ bùa họ gần như mắc bệnh hoang tưởng, luôn cho rằng ai đó đang hại mình nên cuộc sống mới bấp bênh và khổ sở như vậy. Sự hoang tưởng dẫn đến những điều tai hại hơn đối với chính cuộc sống của họ. Hơn nữa, do những người hành nghề mê tín dị đoan trên địa bàn đã đứng sau để xúi giục, tung tin và luôn gieo vào đầu họ về sức mạnh của bùa chú, trấn yểm nên họ càng hoang mang, quẫn bách.

Nếu muốn hóa giải phải đi tìm thầy bùa, từ đây, sự hoang tưởng càng lớn hơn dẫn đến những cái chết thương tâm đối với người dân và tạo ra một thị trường cực kỳ nguy hại cho những người giải bùa chú tác oai, tác quái”, TS Vũ Thế Khanh phân tích.

Theo TS Vũ Thế Khanh, trong cuộc sống mỗi người cần có một niềm tin, nhưng niềm tin ấy phải được xây dựng trên cơ sở của nhận thức đúng đắn và tư duy khoa học, để hướng tới giá trị tốt đẹp và hoàn mỹ nhất. Vì thế, ngay từ khi chưa kịp bùng phát mê tín dị đoan, chúng ta cần có sự can thiệp của cơ quan chức năng để không gây ra những hệ lụy khôn lường từ bùa chú, trấn yểm

Với những người hoang tưởng và nghĩ rằng bùa chú là một thế lực “siêu nhiên”, cần phải được ngăn chặn và loại bỏ ngay những suy nghĩ đó. Mỗi người dân phải tự nâng cao nhận thức, tránh rơi vào tình trạng u mê tín ngưỡng mà lầm đường lạc lối.

Xử lý hình sự, bài học nhãn tiền

Cùng trao đổi về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hùng (công ty Luật CHDLAW, đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: “Việc sử dụng bùa chú, trấn yểm chính là đang hoạt động mê tín dị đoan. Đây là những việc làm trái thuần phong mỹ tục, hơn nữa việc làm này bản thân pháp luật Việt Nam đã cấm từ rất lâu và không thừa nhận những biểu hiện về mặt tín ngưỡng, cổ xúy cho hành nghề mê tín dị đoan. Nếu như ai đó có hành vi được xem mà trấn yểm hay bỏ bùa, khi bị phát hiện có thể xem xét xử lý theo Điều 320, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017”. Luật sư Hùng nói thêm, trước hết cơ quan chức năng cần vạch trần thủ đoạn lừa dối để xử lý nghiêm minh các hành vi lợi dụng mê tín dị đoan, trục lợi làm ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, an toàn xã hội. Cơ quan chức năng cần có một chế tài hoàn chỉnh với sức răn đe thật mạnh hơn nữa để xử lý triệt để lấy đó làm bài học cảnh cáo và răn đe kẻ khác.

Lý giải việc dễ lầm đường lạc lối mê muội tin vào bói toán, bùa chú

Trước những vụ án đau lòng do kẻ u mê, mê tín gây ra, cho rằng bị bỏ bùa, trấn yểm một cách hoang đường, PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phạm Ngọc Trung (Nhà nghiên cứu văn hóa – Nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền) để giải mã vấn đề.

Thời gian qua có không ít vụ án mạng đau lòng xảy ra có liên quan đến suy nghĩ cho rằng bản thân bị bỏ bùa, hay bị trấn yểm... là một nhà nghiên cứu, ông nghĩ gì về vấn đề này?

Quan niệm mê tín dị đoan trong đời sống người dân vẫn đang đan xen với văn minh hiện đại, sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Hơn nữa lâu nay tín ngưỡng dân gian vẫn tiềm ẩn suy nghĩ về ma, quỷ và cõi dương và âm như có một sợi dây liên kết. Chính vì thế khi gặp biến cố trong cuộc sống, nhiều người có thói quen tìm tới thế giới tâm linh để kêu cầu, tìm đến các thầy bói để mong được hóa giải, nhất là ở vùng núi, dân tộc khi họ vẫn mang nặng tư tưởng phong tục tập quán lạc hậu.

Mặt khác, hiện nay không ít người hay “truyền tai” những quan niệm sai lầm, phản khoa học nên đã kích động con người hướng tới sự u mê hơn trước, điều này rất nguy hại cho xã hội, dẫn đến những án mạng giết người ngớ ngẩn, cuồng bạo.

Trong xã hội hiện đại, dù khoa học phát triển nhưng vẫn không ít người có niềm tin mù quáng vào chuyện bùa chú, trấn yểm hại người, ông có bình luận gì?

Chúng ta thấy rằng dù khoa học phát triển nhưng không phát triển đều và bình đẳng với tất cả các nhóm dân cư. Những người ở đô thị hoặc nơi dân trí cao họ tiếp thu văn minh, tiếp cận được cái tốt, cái tiến bộ, cái đúng đắn nhiều hơn.

Còn một số nơi, nhất là đồng bào dân tộc miền núi, vùng sâu vùng xa, heo hút, vùng có hạn hán, đói kém, lũ lụt, sạt lở... làm cho cuộc sống của họ có vô vàn những khó khăn, họ túng quẫn, bí bách, có lúc u mê, tất cả những chuyện đó là một phần nguyên nhân dẫn đến ứng xử sai lầm. Họ tin rằng, bùa chú là một niềm tin, bùa chú sẽ giải quyết được mọi vấn đề mà họ đang hướng tới hay cầu mong.

Một niềm tin tâm linh mù quáng sẽ đẩy họ đến những hành động sai lầm và và dẫn đến hàng loạt các án mạng đau đớn vì suy nghĩ tiêu cực. Việc bài trừ mê tín dị đoan luôn và đang được các cấp quan tâm rất sát sao. Tuy nhiên, để loại bỏ thói quen tìm đến thế giới tâm linh kêu cầu là bài toán khó, song khó cũng phải làm bằng được.

PGS.TS Phạm Ngọc Trung (Nhà nghiên cứu văn hóa – Nguyên trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, học viện Báo chí và Tuyên truyền)

Thời gian gần đây, thầy bùa, thầy bói nổi lên như “nấm”, đặc biệt là trên mạng xã hội cũng có cả những “thầy bói online”... phải chăng đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những án mạng đau lòng đến từ câu chuyện mê tín?

Như chúng ta đều nhận thấy, thầy bùa, thầy bói đang lợi dụng niềm tin mù quáng của một số người kém hiểu biết để kiếm ăn, trục lợi. Bản thân tôi tìm hiểu và nghiên cứu, có những người đi bán rau, bán thịt ngoài chợ sau khi học được vài mánh khóe về là thành... thầy bói. Có những người trong tù ra, học được vài bài cũng mở phủ xem bói.

Thậm chí người trên đà thất nghiệp nhưng được người nọ, người kia mách cho vài chiêu làm bùa sau đó được tung hô như một người có sức mạnh “siêu nhiên. Trong khi đó môi trường này hiện nay quá béo bở và rất dễ lừa đảo. Dân trí thấp có niềm tin mùa quáng đã tạo đà để các “thầy” dễ dàng hoạt động và sai khiến người dân.

Tôi cho rằng, đây là cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng và lĩnh vực hành chính tổ chức. Các tổ dân phố, xã phường khi thấy người nào hành nghề bói toán, làm bùa chú cần có biện pháp xử lý, nhắc nhở, nếu vi phạm đến mức cần xử lý hình sự thì xử lý hình sự.

Không ít người đôi khi bỗng có những sợ hãi mơ hồ, gây ám ảnh, theo ông nếu ai đó “tự kỷ ám thị” nghĩ mình bị bỏ bùa, họ nên làm gì?

Nếu một người bình thường sẽ không ai chạy theo những mơ hồ hay sự ảo tưởng. Phần lớn những người này là người trầm cảm, tinh thần yếu, khủng hoảng tinh thần, khủng hoảng niềm tin nên mới dễ sa đà, mê muội vào bói toán, bùa chú. Họ tự tưởng tượng ra điều mà người thường không thể tự tưởng tượng nổi. Từ đó họ dẫn đến cách ứng xử không giống ai.

Nếu như họ vững vàng đứng trước biến động của xã hội hoặc bất kỳ điều gì xảy ra trong cuộc sống họ nhìn nhận mọi vấn đề thông minh thì suy nghĩ sẽ không lệch lạc. Nhưng nếu tinh thần yếu, gặp hoạn nạn lại đổ cho hàng xóm, hay người quen, hay ai đó bỏ bùa thì cần phải có những “phương thuốc” đặc biệt từ tinh thần và ý chí.

Bản thân họ phải biết phân định đúng sai, nên hay không nên tin theo những điều mang màu sắc mê tín dị đoan. Cần nói cho gia đình, người thân biết những điều và mình đang suy nghĩ để tìm cách giải quyết vấn đề.

Xin cảm ơn ông về những chia sẻ!

M.H