Trong các cuộc trò chuyện đầu tiên giữa các Đại sứ EU vào tuần trước, đại diện của Hungary đã bày tỏ sự dè dặt đáng kể và cảnh giác trước đề xuất trừng phạt mới nhất của Ủy ban châu Âu (EC) nhắm vào Nga, trang Politico dẫn nguồn thạo tin cho biết.
Đặc phái viên hàng đầu của Hungary cho biết nước ông sẽ ngăn chặn mọi hình thức trừng phạt có thể làm tăng chi phí năng lượng ở châu Âu.
“Chúng tôi sẽ phân tích gói trừng phạt này nhưng không ủng hộ bất kỳ điều gì có thể có tác động tiêu cực đến thị trường khí đốt của EU”, vị quan chức Hungary cho biết trong cuộc họp của các nhà ngoại giao hôm 8/5, theo 2 nhà ngoại giao hiểu biết về các cuộc thảo luận.
Các lệnh trừng phạt mới nhất, nếu được thông qua, sẽ cấm các nước EU tái xuất khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga – động thái có khả năng khiến Moscow mất đi lợi nhuận đáng kể. Nhưng chúng sẽ không ngăn cản việc EU mua khí đốt Nga hoặc ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích kinh doanh của Hungary.
Tuy nhiên, Hungary vẫn phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Nga và từ lâu đã phản đối các lệnh trừng phạt năng lượng tiếp theo đối với Moscow. Trong khi đó, để bất kỳ biện pháp nào được thông qua, nó cần nhận được sự ủng hộ nhất trí từ tất cả 27 quốc gia thành viên EU.
Dù EU thay đổi chiến lược…
Theo trang bne IntelliNews, Nga đã kiếm được rất nhiều tiền từ các chuyến hàng LNG tới châu Âu. Vào năm 2022, chi tiêu của EU cho khí đốt và LNG của Nga đã tăng hơn gấp đôi do khủng hoảng giá cả, đạt 16,1 tỷ Euro. Chỉ riêng khoản thanh toán cho nhập khẩu LNG đã tăng gấp 3 lần lên 6,2 tỷ Euro.
Những con số đặt ra câu hỏi về việc các nước ngoài châu Âu phải trả bao nhiêu cho LNG của Nga được vận chuyển qua các cảng của châu Âu như Zeebrugge ở Bỉ và Montoir-de-Bretagne ở Pháp, trang tin tức có trụ sở tại Đức đưa tin hôm 10/5.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã đề xuất các biện pháp trừng phạt LNG Nga vào tuần trước, đánh dấu nỗ lực đầu tiên nhằm vào ngành khí đốt siêu lợi nhuận của Moscow bằng các biện pháp trừng phạt.
Sự thúc đẩy này là một sự thay đổi đáng kể trong chiến lược của EU. Trước đó, Brussels vẫn lảng tránh việc trừng phạt loại khí siêu lạnh này vì một số quốc gia thành viên cần nó để tiếp tục các hoạt động của mình.
Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ là những trung tâm nhập khẩu LNG lớn nhất của Nga, phần lớn sau đó được tái xuất khẩu sang các nước khác, trong đó có Đức và Italy.
Theo những người có mặt trong cuộc thảo luận của các Đại sứ EU hồi tuần trước, đại diện các nước Pháp, Đức, Italy và Tây Ban Nha đã yêu cầu thêm thông tin kỹ thuật về các biện pháp trong cuộc đàm phán ban đầu.
Cả Berlin và Rome gần đây đều tỏ ý tạm thời ủng hộ các biện pháp trừng phạt LNG. Nhưng Hungary là nước do dự nhất.
“Khi nói đến năng lượng, họ lo lắng”, một nhà ngoại giao EU nói với Politico hôm 13/5. “Họ lo ngại điều đó sẽ gây bất ổn cho thị trường, thậm chí là gián tiếp”.
…Hungary vẫn là nước do dự nhất
Ông Tom Marzec-Manser, người đứng đầu bộ phận phân tích khí đốt tại công ty tình báo ICIS, cho biết thị trường LNG của châu Âu đã ổn định hơn nhiều so với thời điểm Nga bắt đầu mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, giúp Brussels có thể thoải mái hơn trong việc áp đặt các hạn chế.
“Chúng tôi nhận thấy thị trường LNG toàn cầu sẽ trong tình trạng cung nhiều hơn cầu rõ rệt kể từ năm 2026, nghĩa là có nhiều khoảng trống hơn, và chúng tôi có thể thấy giá trở nên rẻ hơn trên toàn cầu”, vị chuyên gia nói.
Tuy nhiên, ông Marzec-Manser cảnh báo rằng trong khi thị trường năng lượng ở các nước Trung Âu như Hungary đã ổn định trong những tháng gần đây, bất kỳ thay đổi nào về nguồn cung đều có thể khiến giá cả đối với người tiêu dùng “rất, rất biến động”.
Không giống như các nước EU khác, Hungary đã từ chối “cai nghiện” khí đốt Nga. Nước này thậm chí còn đạt được các thỏa thuận mới với gã khổng lồ năng lượng quốc doanh Gazprom của Nga để tăng nguồn cung trong thời điểm nhu cầu cao điểm. Các quan chức Ukraine đã nhiều lần kêu gọi Budapest chấm dứt sự phụ thuộc vào Điện Kremlin.
Tuần trước, khi đề xuất trừng phạt mới nhất – gói thứ 14 của EU – bắt đầu được lưu hành, Hungary đã nhắc lại sự phản đối của mình đối với việc nhắm mục tiêu vào ngành năng lượng của Nga.
“Hungary coi tất cả các biện pháp trừng phạt ảnh hưởng đến ngành năng lượng là có hại, vì chúng hạn chế đáng kể khả năng cạnh tranh của châu Âu và dẫn đến tăng giá cũng như rủi ro về nguồn cung”, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hungary Máté Paczolay nói với tờ HVG – tuần báo kinh tế và chính trị hàng đầu của quốc gia Trung Âu.
Ngoại trưởng Hungary Péter Szijjártó đã đưa ra nhận xét tương tự ở Moscow vào năm ngoái, nhấn mạnh rằng an ninh năng lượng của Hungary “đòi hỏi việc vận chuyển khí đốt, dầu và nhiên liệu hạt nhân không bị gián đoạn”.
“Để đáp ứng 3 điều kiện này, hợp tác năng lượng Hungary-Nga phải không bị gián đoạn. Nó không liên quan gì đến chính trị”, nhà ngoại giao hàng đầu của Hungary bổ sung.
Minh Đức (Theo Politico EU, bne IntelliNews)