Nữ Trưởng phòng dùng bằng của chị gái: Không thể giải quyết cho nghỉ việc

Hiện nay, bà Trần Thị Ngọc Thảo - người sử dụng bằng ấp 3 của chị gái để thăng tiến lên chức Trưởng phòng Quản Trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk đã có đơn xin nghỉ việc. Tuy nhiên, cơ quan có thẩm quyền không thể giải quyết nghỉ việc một cách đơn giản như vậy. Thậm chí bà này còn phải bị buộc bồi thường cho Nhà nước về tất cả các chi phí đào tạo, bồi dưỡng thời gian qua.

img
img

Vừa qua, vụ việc hy hữu bà Trần Thị Ngọc Ái Sa, Trưởng phòng Quản Trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, sử dụng bằng cấp 3 với tên của chị gái để học tập và thăng tiến trở thành tâm điểm gây tranh cãi trong dư luận.

Bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973), Trưởng phòng Quản Trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975). Bà Thảo chưa học hết cấp 3 nhưng lấy bằng cấp 3 của người chị ruột là bà Sa (hiện là hộ lý, công tác tại Khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng) để học trung cấp, liên thông lên đại học và đã học đến thạc sĩ.

Đồng thời, bà Thảo kê khai lý lịch cán bộ công chức không trung thực (gia đình có 12 anh chị em nhưng trong sơ yếu lý lịch tự thuật chỉ khai 4 anh chị em).

Thông tin trên không khỏi làm dư luận bị “sốc” bởi bà Thảo mượn bằng cấp 3 của chị để xin làm kế toán ở Nhà khách Tỉnh ủy Đăk Lăk, rồi sau đó thăng tiến lên chức Trưởng phòng Quản Trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Không chỉ là thăng tiến chức vụ, bà thảo còn khai man lý lịch cán bộ, đảng viên. Không những vậy, nhờ hồ sơ khai man mà bà Thảo được cơ quan cử đi tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng và liên thông học lên cao học.

Hàng năm, cơ quản lý cán bộ, công chức đều tiến hành rà soát, kiểm tra bằng cấp nhưng không phát hiện trường hợp bà Thảo giả mạo hồ sơ, giấy tờ để thăng tiến. Dư luận không khỏi nghi ngờ rằng, bà Thảo đã có người “chống lưng” hoặc nâng đỡ “không trong sáng” nên mới “trèo cao, chui sâu” như vậy.

Trong vụ việc này, những người có liên quan đến vụ việc của bà Thảo phải bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; những người đã tiếp nhận, sử dụng và bổ nhiệm bà Thảo phải chịu trách nhiệm về việc thẩm định hồ sơ, giấy tờ, điều kiện, tiêu chuẩn của bà Thảo, mặt khác, tổ chức cơ sở đảng phải chịu trách nhiệm về việc thẩm tra, xác minh hồ sơ đề nghị kết nạp đảng viên cho bà Thảo.

Bà Thảo hiện nay đã có đơn xin nghỉ việc, nhưng cơ quan có thẩm quyền không thể giải quyết nghỉ việc một cách đơn giản như vậy. Bà Thảo phải bị kỷ luật đảng với hình thức cao nhất là khai trừ và kỷ luật buộc thôi việc; không những thế, tất cả các bằng cấp đào tạo, bồi dưỡng mà bà Thảo có được phải bị thu hồi, hủy bỏ, thậm chí buộc bà Thảo phải bồi thường cho Nhà nước về tất cả các chi phí đào tạo, bồi dưỡng.

Qua vụ việc trên cho thấy, các cơ quan Nhà nước phải xem xét lại quy trình thẩm định hồ sơ, bằng cấp của cán bộ, công chức; phải kiểm tra thường xuyên, không để lọt trường hợp cán bộ, công chức mượn bằng của người khác hoặc xài bằng giả để thăng tiến.

Không chỉ vụ việc bà Thảo bị phát giác nhờ vào đơn thư tố cáo mà rất nhiều cán bộ, công chức có hành vi mượn bằng của người khác hoặc xài bằng giả bị xử lý thời gian qua đều do đơn thư tố cáo của công dân. Việc kiểm tra, xác minh nội bộ đối với bằng cấp của cán bộ, công chức rất ít khi phát hiện, xử lý hoặc nếu có thì cũng chỉ xử lý nội bộ, không công khai, sợ mất uy tín của cơ quan, đơn vị.

Bà Thảo sử dụng bằng cấp 3 của chị để thăng tiến, điều này cho thấy việc tuyển dụng, quản lý cán bộ, công chức vẫn còn nhiều thiếu sót, nhất là khâu tuyển dụng đầu vào. Bà Thảo làm được thì người khác cũng làm được và có thể còn nhiều trường hợp cán bộ, công chức hiện đang xài bằng của người khác hoặc giả mạo nhưng chưa phát hiện. Vì vậy, cần thiết phải có một quy trình rà soát, kiểm tra và xác minh bằng cấp của cán bộ, công chức, nhất là các trường hợp bổ nhiệm chức vụ cao hơn trong bộ máy nhà nước hiện nay.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

img