Cuối năm 2022, các phim chiếu tại rạp nhận được sự quan tâm của khán giả nhất là phim lịch sử Huyền sử vua Đinh. Tuy nhiên, chỉ sau 10 ngày công chiếu, phim này chính thức rời khỏi rạp với doanh thu rất thấp là 42 triệu đồng.
Bộ phim Huyền sử vua Đinh của đạo diễn Anthony Võ khai thác chủ đề lịch sử, kể lại câu chuyện Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước. Mức đầu tư hạn hẹp, đạo diễn non tay và kịch bản sơ sài khiến bộ phim trở thành thảm họa điện ảnh trong năm 2022.
Thất bại của Huyền sử vua Đinh là chuyện có thể biết trước vì khi ra rạp không được khán giả đón nhận, kịch bản phim được chê là yếu và không có sự đầu tư. Thậm chí hầu kỳ của phim không được quan tâm mắc nhiều lỗi sơ đẳng như lọt nhiều chi tiết hiện đại vào khung cảnh như cột điện, bóng đèn, căn nhà cấp 4 thời mới vào phim.
Không chỉ Huyền sử vua Đinh, nhiều năm qua, các phim lịch sử ở Việt Nam chưa có sự đôt phá. Nhiều phim đầu tư lên đến hơn 20 chục tỷ nhưng vẫn "ngậm ngùi" bị lỗ và chịu cảnh chê bai.
Năm 2018, phim Thiên mệnh anh hùng của Victor Vũ ra mắt. Bộ phim lấy cảm hứng từ tiểu thuyết võ hiệp Bức huyết thư của nhà văn Bùi Anh Tấn và dựa trên bối cảnh thời Hậu Lê.
Thiên mệnh anh hùng xoay quanh vụ thảm án Lệ Chi Viên khiến Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc, được đan xen giữa các nhân vật hư cấu và các nhân vật trong lịch sử. Bộ phim có mức đầu tư 25 tỷ tuy nhiên khán giả đến rạp xem không nhiều.
Hai phim Khát vọng Thăng Long và Long thành cầm giả ca được khen ngợi, nhưng không có khán giả. Hay bộ phim Sống cùng lịch sử do Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất, với mức đầu tư vài chục tỷ đồng hoàn toàn vắng bóng khán giả khi ra rạp.
Năm 2010, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long do công ty cổ phần truyền thông Trường Thành sản xuất với chi phí đầu tư trên 100 tỷ đồng phải hoãn phát sóng vì bị chỉ trích gay gắt bởi bối cảnh, phục trang và hình tượng các nhân vật trong phim mang đậm màu sắc lịch sử Trung Quốc. Hiện tại, bộ phim Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long thuộc bản quyền phát sóng của VTV vẫn chưa có kế hoạch được lên sóng.
Vậy vì lý do gì mà các bộ phim lịch sử lại kén người xem như vậy?
Chia sẻ với Người Đưa Tin, đạo diễn Trần Vũ Thuỷ cho hay, có 2 hướng để làm dòng phim lịch sử: Đó là phim của các đơn vị, công ty tư nhân đầu tư để ra rạp và phim làm từ đơn đặt hàng của nhà nước. Phim lịch sử thường rất kén khán giả để xem, khả năng thu hồi doanh thu rất khó.
"Khán giả xem phim tại rạp thường là khán giả rất trẻ, để họ bỏ tiền mua vé, phải là những phim rất hay, nếu những phim về đề tài lịch sử không có sự hấp dẫn thì không có người mua vé. Nếu đứng trước một kịch bản phim lịch sử và kịch bản phim trẻ trung hơn, các đạo diễn sẽ nhận phim có kịch bản trẻ hơn như các phim thể loại tâm lý, tình cảm, hài", đạo diễn Trần Vũ Thuỷ chia sẻ.
Ông Trần Vũ Thuỷ chia sẻ thêm: "Việc xây dựng kịch bản phim cũng phải chỉn chu, người viết kịch bản phải am hiểu lịch sử. Cả ê-kíp từ biên kịch, đạo diễn đều phải hiểu từ thời kỳ lịch sử đó, có nhiều vốn sống. Làm ra một bộ phim lịch sử mà đạt được điểm tuyệt đối rất khó, không chỉ khâu sản xuất mà hậu kỳ cũng phải rất chú trọng. Để phim thành công cần một quá trình dài, cần nhiều người tâm huyết chung sức".
Đạo diễn phim Cậu Vàng cho biết thêm, khi làm phim lịch sử, kinh phí đầu tư rất tốn kém, từ việc chọn bối cảnh, phục trang đều phải chuẩn và đúng tinh thần của lịch sử nếu không sẽ bị "ném đá".
"Hiện nay, nhiều làng quê đã "thành phố hoá" nên khá hiện đại. Để tìm bối cảnh lịch sử để quay rất khó, thậm chí có những đoàn phim phải tạo dựng lại bối cảnh từ a-z nên kinh phí rất tốn kém. Về trang phục cũng thế, phải đúng với phục trang thời kỳ nhân vật sống.
Khi tôi làm phim Cậu Vàng, tôi đã phải trồng một vườn cải gần sông Lô, rất mất công, mất sức nhưng vẫn cố gắng để làm cho đúng với tinh thần của phim", ông Trần Vũ Thuỷ cho hay.
Nhà sản xuất Minh Tuấn cũng nói lên thực trạng, nhiều năm qua, các phim về đề tài lịch sử vấp phải nhiều tranh cãi về bối cảnh, trang phục nên đó cũng là lý do mà nhiều đạo diễn "sợ" khi chọn phim lịch sử.
"Làm phim lịch sử không những phải yêu lịch sử mà việc đầu tư toàn diện, kinh phí tốn kém là rào cản để không nhiều người làm phim đề tài này. Hơn nữa, đội ngũ tư vấn về bối cảnh, trang phục cũng phải chuyên nghiệp. Nhiều đạo diễn đã cố gắng rất sức nên khi bị "ném đá", họ buồn khi phim gọi là thảm hoạ", NXS Minh Tuấn thẳng thắn.
Nhà sản xuất Thái Phạm thì thẳng thắn: "Có lẽ, ở Việt Nam, chỉ nên làm phim về tâm lý, hài, gia đình... thì khán giả đón nhận nhưng nếu làm phim lịch sử thì phải mất một thời gian nữa thì mới thành công được. Không phải là do chúng ta không có đạo diễn giỏi mà vì kịch bản phim lịch sử còn yếu, chưa có những kịch bản có tầm. Phim hay thì tỉ lệ kịch bản thành công lên đến 50%".
Khán giả có quyền đón nhận theo cách của họ
Đạo diễn Anthony Võ nói về phim Huyền sử vua Đinh: "Khán giả có quyền đón nhận theo cách của họ. Với kinh phí nhận được, tôi đã cố gắng hoàn thiện. Khi xem phim, khán giả sẽ cảm nhận đây là tác phẩm rất Việt Nam. Tôi rất sợ khi làm phim lịch sử Việt Nam mà người xem thấy phảng phất bóng dáng một tác phẩm của Trung Quốc, Hàn Quốc. Về tạo hình, tất cả bộ giáp trong phim đều là chân thật, không bóng bẩy".
Theo đạo diễn Anthony Võ, khi lựa chọn đề tài lịch sử để khai thác, ê kíp mong muốn thế hệ trẻ tự hào về anh hùng hào kiệt nước nhà là điều đáng trân trọng. Tuy nhiên, chỉ gửi gắm thông điệp qua lịch sử là chưa đủ, muốn nhận được ủng hộ từ công chúng cần có sự đầu tư chỉn chu, nghiêm túc từ xây dựng kịch bản, tạo hình, kinh phí và diễn xuất để tương xứng với tác phẩm điện ảnh.