Hôm kia một tờ báo có bài với tiêu đề: “Giáo viên dạy giỏi hay giáo viên diễn giỏi”. Tôi dẫn về Facebook của mình và thế là, nổ ra một cuộc tranh luận, đa phần là của các bạn đọc là giáo viên.
Cái tít “Sáng kiến kinh... ngạc” trên kia, không phải do tôi nghĩ ra, mà tới mấy thầy cô giáo cùng nhắc tới. Họ bảo, đời họ, sợ nhất là làm sáng kiến kinh nghiệm. Không làm không được, mà làm xong thì... đa phần bỏ xó. Ấy là nói số nhiệt tình, làm thật, còn lại thì cóp của nhau.
Nhưng không làm không được, bởi giáo viên muốn đạt một danh hiệu thi đua nào đó như "Lao động tiên tiến", “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở hay cấp tỉnh đều phải viết "Sáng kiến kinh nghiệm" và thế là cặm cụi viết, làm, vừa làm vừa than với nhau rằng thì là chúng ta đang làm "Sáng kiến kinh... ngạc".
Tất nhiên phải nói thế này, các cuộc thi, như thi giáo viên giỏi chẳng hạn, nó sẽ rất bổ ích nếu coi đấy là một cuộc thi đúng nghĩa, và là cuộc giao lưu trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ, chứ không đặt nặng thành tích như hiện nay. Bây giờ, vì đi thi gắn với nhiều thứ quá, nên thành ra áp lực đè nặng nhưng lại không thực chất. Các thầy cô giáo kể, để tổ chức một tiết dạy như thế, cô trò đều phải bò ra chuẩn bị, và cái hôm giảng thật ấy, nó chỉ là cuộc... diễn lại những gì đã chuẩn bị từ cả tháng trước. Cô chuẩn bị từ trang phục tư thế tới các câu hỏi, trò chuẩn bị câu trả lời, các tình huống như kịch bản.
Mà dạy giỏi nó là cả quá trình chứ đâu chỉ căn cứ vào một tiết học.
Chưa kể cái hội đồng ngồi dưới kia, có phải ai cũng nhận thức như ai đâu.
Rồi còn các mối quan hệ, các “tác động qua lại” để cuộc thi đạt kết quả.
Thì nước ta, cuộc thi nào chả thế. Ngay các hội diễn nghệ thuật ấy, cứ xong cái người ta lại la làng lên về việc huy chương phát như bươm bướm. Tới kỳ xét Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân mới biết, té ra nó liên quan rất mật thiết với nhau, nên đã đi thi, dẫu văn nghệ quần chúng, cũng phải cố có cái huy chương, ngoài thành tích riêng cho cá nhân để lấy danh hiệu, thì tập thể về cũng có cái mà báo cáo.
Thực ra, mục đích đặt ra ban đầu thì đều tốt đẹp, nhưng trải qua thời gian, nhiều cái đã lỗi thời, đã bị thực tế vượt qua, nếu chúng ta cố giữ nó sẽ trở thành sự trì trệ, sự ngăn cản cái mới.
Ngay sáng nay, tôi ngồi với mấy giáo viên, họ kể về việc ra đề, nhất là đề thi văn, đầy hài hước. Một thời thì Sông Đà rồi Vợ nhặt, Từ ấy rồi Việt Bắc... mãi sau này mở ra tí, tới Sang thu, thì đề nào cũng Sang thu. Giờ một số trường mở ra, lấy ngữ liệu là các tác phẩm đương đại, trên báo, cả trên mạng xã hội... thì cả thầy trò nhiều khi ngơ ngác, bởi lâu nay chỉ học và đọc tác phẩm trong sách giáo khoa. Giáo viên nhiều khi cũng chỉ đọc đoạn trích trong sách giáo khoa chứ không đọc hết tác phẩm. Vậy thì làm sao dám “mở”, dám “đột phá”.
Trở lại với sáng kiến kinh... ngạc. Các giáo viên cho biết, rất ít cái có thể áp dụng, còn đa phần làm chỉ để đối phó, để đủ chuẩn làm gì đấy. Vấn đề là, ai cũng biết, những người trong nghề càng biết, nhưng việc vẫn như thế.
Đang viết bài này thì một giáo viên nhắn tin cho tôi: “Cũng có 2 chiều, thi thật thì không xấu, còn tốt nữa, nhưng sự thật hiện toàn là ảo, thành tích ảo, sáng kiến ảo, ảo các kiểu, nên nó đâm ra là hình thức, là lấy lệ. Ngoài ra việc chấm thi đua bây giờ dựa vào sáng kiến kinh nghiệm, và thành tích ở các cuộc thi. Một người không thi, không đậu sáng kiến nhưng họ làm việc thật sự thì không được đánh giá cao, một người không làm gì hết, trong năm cái gì cũng ì ạch, cuối năm đậu sáng kiến, phủi sạch những cái hiển hiện trong năm, khiến cho nhiều người tâm huyết họ chán, còn những người không làm thường có mối quan hệ rất tốt bên ngoài, nên gì cũng được. Học sinh học không biết gì cũng có thể thổi từ học sinh trung bình lên giỏi. Vậy nên ngành tiêu cực và ảo nhất hiện nay chắc là ngành giáo dục, sau đó mới tới các ngành khác. Em nghĩ nếu còn xét điểm đại học theo học bạ thì ảo sẽ ngày càng nhiều. Bố mẹ nhìn điểm con cứ tưởng con giỏi chứ thực chất thì hic hic”...
Một cô khác nhắn: “Giáo viên cũng trở thành con ngáo ộp khi phụ huynh cứ lấy cô ra hù dọa mách cô khi con làm gì sai. Hay phụ huynh cũng ảo tưởng về khả năng của con và áp lực cô phải cho con tôi giỏi, nhất là phụ huynh có tí quyền. Cái quan trọng làm được bây giờ: Đừng để thành tích đè gánh lên vai giáo dục”.
Tôi thì ủng hộ ý kiến này của một cô giáo là tổ trưởng chuyên môn một trường Trung học cơ sở: “Về mặt nào đấy, việc tổ chức thi giáo viên giỏi là điều cũng cần nhìn nhận tích cực là nhằm trao đổi chuyên môn, cố gắng trong rèn luyện. Nếu là cuộc dạo chơi, học hỏi thì được, đừng lấy đó làm tiêu chí để đánh giá, xét thi đua này nọ, có khi đó sẽ là cuộc chơi rất hay”.
Nhưng lại cũng nhớ, năm nào đấy, thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Trường Marie Curie (Hà Nội), cho rằng nhiều cuộc thi cần bỏ như thi Tổng phụ trách giỏi, thi chủ nhiệm giỏi, giáo viên giỏi... vì cách thức tổ chức không thực chất, không khích lệ giáo viên sáng tạo thực sự, không tác động tích cực vào đời sống giáo dục.
Tất nhiên là đời sống giáo dục của chúng ta vẫn êm ả trôi, dẫu thi thoảng có nổi sóng, mà nhiều nhất là học sinh đánh nhau, thi thoảng thầy cô bạo hành học trò, và mới hôm qua, một học sinh ở Huế tử vong vì... đánh nhau. Cháu mới học lớp 6.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.