Soi giới tính gà - nghề lạ kiếm tiền triệu mỗi ngày

Nguyễn Thảo - Hương Trà

Soi lỗ huyệt gà, hay được gọi là “soi giới tính gà” là một nghề đem lại thu nhập cao, trung bình từ 1-3 triệu đồng/ngày. “Hái ra tiền” là thế, nhưng số người kiếm sống bằng nghề này chỉ “đếm trên đầu ngón tay”…

Lạ lùng nghề “soi giới tính gà”

Tìm đến thôn Lưu Xá (xã Đức Giang, Hoài Đức, Hà Nội) vào một ngày nắng giữa tháng Bảy để gặp chị Đặng Thị Mến - người có thâm niên trong nghề “soi giới tính gà”. Trong lò ấp chừng 50m2, tiếng quạt, tiếng máy ấp trứng ù ù xen lẫn những tiếng kêu chíp chíp của những chú gà mới nở. Góc làm việc của chị Mến đặt trong góc với cây đèn bàn sáng lóa và chiếc lọ nhựa dùng để đựng phân gà. Xung quanh, hàng chục khay chứa gà con xếp gọn gàng.

Vào nghề từ năm 2009, nhưng phải mất hai năm, chị Mến mới thực sự thạo nghề. Gia đình có sẵn lò ấp, nên chị Mến càng có cơ hội thực hành ngay với chính “gà nhà”. Từ đó tay nghề của chị cũng được xem là có tiếng trong vùng.

Soi lỗ huyệt gà, hay được gọi là “soi giới tính gà” là một nghề đem lại thu nhập cao.

Bắt đầu công việc của mình, chị Mến cầm từng con gà lên, những ngón tay của chị cứ nhẹ nhàng rồi thoăn thoắt phân loại từng con. Tay trái bóp phân, tay phải ấn nhẹ vào hậu môn để lỗ huyệt lòi ra, mắt chăm chú nhìn. Toàn bộ thao tác chỉ trong 2 giây, chị Mến đã xác định được con nào là gà trống, con nào là gà mái. Mọi thao tác gần như không có quãng nghỉ.

Nghề soi gà

Khi xác định được gà trên tay là mái, chị lập tức thả sang làn đựng bên phải, còn nếu là trống thì thả sang bên trái rồi tay còn lại tiếp tục bốc gà soi dưới ánh đèn. “Nếu là gà trống thì hậu môn sẽ có một nốt nhỏ như kim lòi ra, còn gà mái thì không, đây là kinh nghiệm tôi tự đúc kết sau nhiều năm đi làm”, chị Mến cho hay.

Theo chia sẻ, tốc độ soi gà của chị đạt đến mức 1.000 con/ tiếng, hôm nào nhanh thì có thể lên tới 1.200 con. “Đấy là nhanh thì như vậy, người nào chậm thì một tiếng cũng được cỡ 800 đến 900 con”, chị Mến nói.

Theo chị Mến, thời gian “soi gà” chuẩn nhất là khi gà con nở và được đưa vào lồng ấp được vài tiếng. Tuy nhiên trong thực tế, gà con khi vừa ra khỏi lồng ấp thường sẽ phải soi luôn vì nếu không sẽ không kịp tiến độ công việc và đảm bảo những đợt gà sau vẫn duy trì được “độ chuẩn” của giới tính.

Toàn bộ thao tác chỉ trong 2 giây, chị Mến đã xác định được con nào là gà trống, con nào là gà mái.

“Nói về nghề này, không ai dám thừa nhận mình đúng 100%, sai số ít nhiều là không tránh khỏi. Mình chọn cách làm cẩn thận hơn, nếu trường hợp con gà nào khó đoán, cũng chẳng dám đoán bừa”, vừa nói, chị Mến vừa chỉ tay vào lỗ huyệt gà rồi soi dưới ánh đèn.

Bên ngoài là cái nắng 35 độ, bên trong lò ấp nhiệt độ còn cao hơn vì không thể lắp điều hòa, chỉ có một chiếc quạt công nghiệp. Nóng lại thêm mùi khó chịu, ngồi liên lục từ 10 - 15 tiếng một ngày sẽ rất mệt. Công việc nghe có vẻ nhàn, nhưng kỳ thực nếu không kiên nhẫn, tỉ mẩn và sức khỏe tốt thì khó mà theo nghề lâu dài được. Vậy nên để giữ sức khỏe, chị Mến thường làm 2-3 ngày rồi nghỉ 1 ngày để lấy sức.

“Thời tiết lạnh hay nóng ảnh hưởng không nhỏ đến thời gian gà nở. Theo đó, vào mùa đông, để gà nở thì cần 21 ngày còn vào mùa hè chỉ cần 20 ngày. Chất lượng gà nở vào mùa đông cũng cao hơn khoảng 70-80%, còn mùa hè chỉ đạt 50-60%. Nghề này thất thường, có ngày làm nhiều, ngày làm ít, khi nào vào vụ thì làm triền miên. Trước kia thời gian vào vụ là khoảng tháng Bảy nhưng giờ thì quanh năm vì lúc nào người ta cũng có nhu cầu. Ở trên Ba Vì có khách mới đặt, ngày mai phải đến vì họ đã sắp lịch trước. Với cả đấy là khách quen nên phải cố gắng sắp xếp công việc để làm, mình phải giữ mối cho sau này ”, chị Mến nói.

Thu nhập cao nhưng khan hiếm lao động

Việc kiếm người chứ không phải người kiếm việc. Cái tiếng soi gà chuẩn của chị Mến được người ta truyền tai nhau, từ trong xã rồi sang cả những khu vực khác. Tốt nghiệp cấp 3 rồi đi học nghề làm cô nuôi dạy trẻ, chị Mến chưa từng nghĩ mình sẽ theo nghề này lâu tới thế. Lấy chồng đã được 15 năm cũng là từng ấy thời gian chị làm nghề. Tiếng lành đồn xa, người trẻ tuổi hay lớn tuổi cũng tìm đến chị Mến để học nghề, nhưng chẳng mấy ai theo được nghề vì quá nhọc nhằn, vất vả.

Để nhập môn cái nghề tưởng chừng như đơn giản này, ai muốn học sẽ phải theo một khóa dạy phân loại gà với chi phí 50 - 60 triệu đồng. Nhưng không phải ai học xong cũng có thể làm nghề thành thạo. Để có thể phân loại gà chuyên nghiệp và trở nên “có giá” với các lò ấp khác đòi hỏi người làm phải có một nỗ lực đáng kể trong lao động.

Để có thể phân loại gà chuyên nghiệp và trở nên “có giá” với các lò ấp khác đòi hỏi người làm phải có một nỗ lực đáng kể trong lao động.

“Nhiều người tìm đến học nghề vì đọc được trên mạng xã hội nghề này thu nhập cao lắm. Nhưng học phí đầu vào khá cao. Lúc tôi học nghề đã mất khoảng 30 triệu đồng, bây giờ chi phí có thể dao động nhiều hơn, khoảng 50 - 60 triệu đồng. Nghề này khó và đặc thù riêng biệt, cũng phải kiên trì mấy năm mới có thể thạo nghề. Đặc biệt, nếu người nào nhà không có sẵn lò ấp thì rất khó trong quá trình lên tay.

Các trang trại bây giờ họ cũng “tinh” lắm, đến làm phải cao tay, làm chuẩn, có tiếng thì người ta mới thuê. Mọi người nghe thấy thế thì cũng nản lòng, chứ nghề này không thể làm vài tháng ra rồi kiếm được tiền triệu ngay được. Những người quyết tâm theo học nghề, tôi sẵn sàng chỉ bảo tận tình nhưng chẳng mấy ai theo được vì vất vả”, chị Mến trải lòng.

Nghề soi lỗ huyệt gà có thu nhập cao nhưng lại khan hiếm người làm.

Nói về thu nhập, chị Mến cho hay, tháng thu nhập cao nhất gần 40 triệu đồng. Một con soi được chị lấy giá 250 đồng, một ngày cũng soi được hơn 1 vạn con. Nhưng cái nghề lại khan hiếm, ít người trụ được với nghề vì chẳng mấy ai ngồi một chỗ cả ngày, lại trong không gian đông đặc mùi hôi hám, bụi bặm từ lông gà. Nhất là mùa hè, mồ hôi cứ thế chảy thành dòng, cả công nghỉ ngơi ăn uống cũng phải mất 15 giờ đồng hồ.

“Hồi mới theo nghề, tôi chỉ nghĩ mong kiếm được tiền bỉm sữa cho con, không ngờ được nhờ nó mà giúp mình có của ăn của để”, chị Mến bộc bạch.

Trao đổi với PV tạp chí ĐS&PL, ông Phan Văn Sơn - Chánh Văn phòng xã Đức Giang (Hoài Đức, Hà Nội) cho biết: “Chính quyền địa phương khuyến khích phát triển kinh tế bằng mô hình soi gà. Tuy nhiên, ở thôn Lưu Xá chỉ có mình hộ chị Đặng Thị Mến là làm lâu đời, còn gần đây mới xuất hiện thêm các hộ khác nhưng cũng không nhiều. Chị Mến chính là tấm gương trong việc làm kinh tế giỏi tại địa phương”.

N.T - H.T