Thay đổi cách tuyển sinh bằng sổ hộ khẩu, câu chuyện dài sẽ bắt đầu từ khi nào?

HÀ NHÂN

Từ nhiều năm qua tại Hà Nội và TP.HCM, việc được xác định là “đúng tuyến” hay “trái tuyến” có ý nghĩa rất quan trọng trong việc trẻ có được học trường công lập hay không. Với tỷ lệ người dân và trẻ tạm trú vẫn tăng qua từng năm tại các thành phố lớn, liệu có nên thay đổi cách ưu tiên này khi đã có chủ trương bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu?

Điệp khúc dân cư tạm trú tăng cao

Chuẩn bị cho năm học 2020 – 2021, thống kê của sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) TP.HCM cho thấy, số học sinh của địa phương trong năm học sắp tới dự kiến tăng thêm 54.645 học sinh. Trong đó là 48.045 học sinh trường công lập và 6.600 học sinh trường ngoài công lập.

Chia theo cấp học, khối mầm non tăng 3.668 học sinh, tiểu học tăng 8.989 học sinh. Khối trung học cơ sở tăng cao nhất với 27.950 học sinh, cấp trung học phổ thông tăng 14.038 học sinh.

Báo cáo cũng chỉ ra, số học sinh không có hộ khẩu tại TP.HCM là 377.769 học sinh. Áp lực khiến các địa phương đều siết chặt tiêu chí hộ khẩu, tránh việc tuyển sinh trái tuyến. Như tại quận 1, đối với các trường điểm, đã quy định rõ năm nhập hộ khẩu và phân tuyến đến từng khu phố.

Cụ thể, trường tiểu học Đinh Tiên Hoàng (phường Đa Kao) chỉ nhận trẻ nhập hộ khẩu năm 2014 và tháng 1/2015. Riêng trường tiểu học Lê Ngọc Hân (phường Phạm Ngũ Lão) và trường tiểu học Nguyễn Thái Học (phường Cầu Ông Lãnh) sẽ không nhận học sinh theo phân tuyến mà ưu tiên nhận học sinh có hộ khẩu tại quận 1.

Phụ huynh mang sổ hộ khẩu đến làm thủ tục nhập học lớp 1 cho con.

Công tác phân tuyến càng khó khăn hơn tại những khu vực chịu áp lực tăng dân số cơ học. Như tại quận Bình Tân, trong 9.096 trẻ sinh năm 2015 có hơn 44% thuộc diện tạm trú. Vì thế, địa phương này cũng nói rõ chủ trương, không nhận học sinh trái tuyến ngoài quận.

Bởi lẽ, chỉ riêng phường Bình Trị Đông A có 924 trẻ vào lớp 1 nhưng chỉ có 1 trường tiểu học và khả năng nhận 217 trẻ. Như vậy các trường hợp còn lại phải đi qua các trường khác học. Tương tự, phường Bình Hưng Hòa A có 321 trẻ và Bình Trị Đông B phải gửi 186 cháu tại các phường lân cận.

Còn quận Gò Vấp, ngoài phân tuyến cho trẻ có hộ khẩu, ban tuyển sinh cũng giải quyết cho trẻ có sổ tạm trú cấp trước ngày 1/4 (còn thời hạn sử dụng theo quy định) và có hộ khẩu thuộc tỉnh, thành khác TP.HCM được vào các trường.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Phó Chủ tịch UBND quận Thủ Đức cho biết: “Học sinh thuộc diện tạm trú trên địa bàn quận chiếm khoảng 48%, đa số là con em công nhân các khu chế xuất, khu công nghiệp và lao động tự do. Trung bình, mỗi lớp có 43 học sinh, những phường có nhiều KCX, KCN thì tỷ lệ này cao hơn, tức 48 học sinh/lớp”.

Cũng theo bà Thúy, do điều kiện sinh sống nên chỗ ở của một bộ phận người nhập cư không ổn định. Ban chỉ đạo tuyển sinh cấp phường phải mất thời gian để rà soát, xác minh trong việc huy động cho trẻ làm thủ tục nhập học. Một vài trường hợp đến cư trú sau khi tuyển sinh kết thúc nên các trường phải cập nhật, bất cập khi báo cáo kết quả cũng như tổ chức cơ cấu lớp.

Cùng quan điểm, ông Khưu Mạnh Hùng, Trưởng phòng GD&ĐT quận 12 trình bày, địa phương có tỷ lệ số dân tạm trú khá lớn (thuê nhà, thuê phòng ở trọ), lao động phổ thông, buôn bán hàng rong…

Trong đó nhiều trường hợp chỗ ở người dân không ổn định nên việc tổ chức thống kê rà soát lập danh sách trẻ trong độ tuổi học lớp 1 phải làm nhiều lần nhưng vẫn có phát sinh. Điều này, dẫn đến việc phải điều chỉnh kế hoạch để nhận số trẻ phát sinh, ảnh hưởng việc chuẩn bị cơ sở vật chất, giáo viên, tăng sĩ số học sinh/lớp...

Bao giờ hết bất cập?

Cuối tháng Năm vừa qua, Quốc hội đã có nhiều thảo luận về dự án luật Cư trú sửa đổi. Theo đó, bộ Công an đề xuất bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú trong quản lý và thực hiện bằng mã số định danh cá nhân cập nhật trên cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú chạy trên internet.

Từ đó, nhiều người dân cũng mong chờ quy định mới có thể thay đổi việc tuyển học sinh vào trường công lập theo hộ khẩu đang áp dụng nhiều năm nay. Trường hợp như anh Nguyễn Thanh Quang (kế toán, ngụ TP.HCM) không phải là hiếm.

Đang cư trú tại chung cư Lý Thường Kiệt và có sổ hộ khẩu tại phường 7, quận 11 nhưng anh Quang chuẩn bị bán căn hộ đang ở để chuyển về phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức.

“Thời gian ngắn nên không đủ để chuyển hộ khẩu, gia đình tôi gặp trục trặc khi cho con vào học lớp 1 trường tiểu học công lập gần nhà mới. Nếu cho con đi học theo hộ khẩu cũ thì quá thiếu thực tế. Nhưng khi trình bày với trường học và phòng GD&ĐT tại khu vực nhà mới thì không được giải quyết do trái với quy định”, anh Quang chia sẻ.

Hay như chị Lê Thị Thanh Loan (29 tuổi, hộ khẩu tại tỉnh Bình Phước và đang tạm trú, làm công nhân tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) cũng cho hay: “Vì các trường công lập gần nhà đã tuyển đủ, tôi đứng giữa hai lựa chọn. Cho con học trường công lập thì phải đưa đón rất xa, còn không là phải học trường dân lập”.

Sức ép tăng dân số khiến ngành giáo dục TP.HCM gặp thử thách bố trí chỗ học, xây dựng trường lớp và đội ngũ giáo viên.

Ghi nhận của PV, ông Nguyễn Văn Ngai, nguyên Phó Giám đốc sở GD&ĐT TP.HCM nhận định, việc các trường công lập tuyển sinh theo tuyến dựa trên sổ hộ khẩu trong nhiều năm nay chủ yếu để áp dụng cho lớp 1.

“Thực tế, mỗi năm đều có nhiều người dân từ nơi khác đến TP.HCM để sinh sống và lao động, dẫn đến số trẻ theo diện tạm trú cũng tăng cao. Tình trạng này không chỉ riêng năm nay mà đã có từ nhiều năm qua. Vì thế, lãnh đạo Thành phố luôn quan tâm, xây dựng trường lớp mới, mở rộng khả năng bố trí cho trẻ đến tuổi đi học. Đây là nỗ lực của chính quyền, đặc biệt là năm học mới sắp đến, địa phương phải thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, đáp ứng 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày với tỷ lệ không quá 35 học sinh/lớp”, ông Ngai đánh giá.

Bằng kinh nghiệm quản lý, ông Ngai lý giải: “Quy định không nhận trẻ cư trú trái tuyến là để tránh xáo trộn giữa các địa phương. Còn trong từng quận huyện có thể xê dịch, linh hoạt tùy theo tình hình cụ thể. Như các năm trước, học sinh có hộ khẩu được ưu tiên để xét trước. Còn diện KT3 (tạm trú có thời hạn) cũng được xem xét nhận vào học, dù có chậm hơn. Chứ nếu không cho đi học mà để các cháu quay về địa phương cũ là sẽ mất một năm, chuyện đó không nên vì thiếu tính nhân văn”.

Nói về bất cập của hình thức này, ông Ngai từng biết về một số trường hợp “chạy” hộ khẩu để đưa trẻ vào trường điểm. Thậm chí có gia đình đăng ký cho 5 - 7 em vào lớp 1 nhưng không phải con của họ, chỉ nhập hộ khẩu để hợp thức hóa. Sau vài năm, các trường đã có kinh nghiệm để hạn chế “chiêu trò” này.

“Bỏ sổ hộ khẩu là chủ trương đúng đắn, người dân đang mong chờ. Khi được áp dụng, việc tuyển sinh ít nhiều có thể thay đổi. Chắc chắn sẽ có những bất cập lúc ban đầu, cần nghiên cứu thêm cho phù hợp thực tế. Nhưng quan trọng nhất vẫn phải đảm bảo trẻ đến tuổi đi học phải được vào lớp 1, ngoại trừ các gia đình có điều kiện gửi con vào trường quốc tế, trường ngoài công lập”, ông Ngai đúc kết.

H.N