Thu hồi sổ hồng chung cư ông Thản: Đừng "úp sọt" người nghèo!

Bắc thang lên hỏi ông Trời

Mua nhà ông Thản sống (cả) đời được không?

Ông Trời hé mắt xuống trông

Ở thì cứ ở nhưng sổ hồng... hên xui (!!)

Bỗng dưng bị… “úp sọt” (?!)

Cả đời ki cóp dành dụm mua được căn chung cư giá rẻ, một ngày đẹp trời, hàng nghìn hộ dân tá hỏa khi thấy chủ đầu tư tòa nhà mình đang ở bị khởi tố. Rồi đùng một cái, họ cảm thấy như bị cả chủ đầu tư lẫn cơ quan quản lý “đánh úp”, bởi tấm sổ hồng là tài sản chính đáng cũng bị đòi lại (?!)

Chưa hết, sau vài ngày sống trong sợ hãi, họ bỗng được thở phào vì cơ quan quản lý thông báo tạm dừng việc thu hồi sổ hồng để chờ thanh tra lại. Nhưng ngay cả điều đó cũng không lấy gì đảm bảo rằng từ nay người dân lại được an cư trong chính ngôi nhà của mình.

Chuyện khó tin nhưng có thật này chính là câu chuyện của “đại gia điếu cày” – Chủ tịch tập đoàn Mường Thanh – ông Lê Thanh Thản, người vừa bị khởi tố vì tội Lừa dối khách hàng và cư dân của ông – những người đang có giấy tờ sở hữu chính đáng căn hộ tại các dự án chung cư Xa La (phường Phúc La, quận Hà Đông), dự án nhà ở CT6 Kiến Hưng (Hà Đông), dự án nhà ở CT5 xã Tân Triều (huyện Thanh Trì).

….

Cụ thể, hàng nghìn cư dân các toà nhà nói trên đang sống yên ổn thì bắt đầu nghe râm ran tin đồn ông Lê Thanh Thản sắp bị khởi tố vì xây nhà vượt tầng, xây trái công năng sử dụng, vi phạm về phòng cháy chữa cháy…

Ngày 10/7/2019, báo chí đưa tin rầm rộ về việc ông Thản bị khởi tố vì tội Lừa dối khách hàng theo Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015.

Vài ngày sau, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Hà Nội quyết định thu hồi hàng nghìn sổ hồng từng cấp cho các căn hộ chung cư tại nhiều dự án do tập đoàn Mường Thanh đầu tư xây dựng trên địa bàn và thực tế đã thu được 384 sổ. Lúc này, nhiều người dân mới “té ngửa” khi biết căn nhà mình đang ở là xây trái quy hoạch. Một số người dân khác cho biết thêm, khi cầm sổ đi thế chấp ngân hàng để vay vốn và bị ngân hàng từ chối thì họ mới biết thông tin này.

Chiều 18/7/2019, kết luận sau cuộc họp về vụ việc đang xôn xao dư luận nói trên, lãnh đạo Bộ TN&MT chỉ đạo tạm dừng việc thu hồi sổ hồng này để chờ thanh tra lại.

Quyết định của cơ quan quản lý Nhà nước tại sao lại có chuyện lạ đời như vậy?

Tôi tin là 384 hộ dân nói trên cùng hàng triệu người dân khác đang có chung câu hỏi này.

Sai phạm đến từ sự thiếu minh bạch

Việc cấp sổ hồng cho hàng nghìn căn hộ bị làm sai thì có phải chuyện “con voi chui lọt lỗ kim” hay không? Bởi những tòa nhà mọc lên sừng sững giữa Thủ đô phải cần đến vài tháng, thậm chí hàng năm chứ không thể sau một đêm mà có, để đến nỗi cơ quan quản lý không biết.

Vấn đề ở đây chính là lỗ hổng của sự thiếu minh bạch.

Nếu như quy hoạch các tòa nhà ở, chung cư được công bố rộng rãi trên website của chủ đầu tư, văn phòng quản lý đất đai và phòng địa chính các quận huyện thì chắc chắn đã không có nhiều người dân mắt nhắm mắt mở mua nhà kiểu này.

Chủ đầu tư đương nhiên là không thể minh bạch những sai phạm của chính mình, do đó khi bán nhà cho dân họ sẽ tìm cách che giấu đi thông tin rằng căn hộ họ đang bán là thuộc tòa nhà thiếu giấy phép hoặc bị hoán đổi công năng trái phép.

Thế thì, người dân chỉ còn biết trông vào sự minh bạch của cơ quan cấp giấy chứng nhận. Đến khi nhận được sổ hồng, họ có lý do để tin tưởng rằng tài sản mình đang sở hữu đã được đảm bảo bởi cơ quan thực thi pháp luật. Tiếc rằng, cơ quan này cũng đã sai.

Ông Trần Anh Dũng - Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai (Sở TN&MT Hà Nội) thừa nhận đã có sai sót trong quá trình cấp và thu hồi sổ hồng tại một số chung cư của tập đoàn Mường Thanh.

Theo ông Dũng, đa số các trường hợp cấp sổ sai sót này diễn ra khoảng năm 2014 - 2015. Nhưng phải đến năm 2018, qua rà soát, Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội mới phát hiện và lại phải đến tháng 1/2019, đơn vị này mới có quyết định thu hồi.

Nếu như sai phạm này của Văn phòng Quản lý đất đai cũng được công bố rộng rãi, công khai như việc các doanh nghiệp bị bêu tên vì nợ thuế, nợ tiền sử dụng đất thì có phải là minh bạch biết mấy hay không?

Sự thiếu minh bạch còn thể hiện ở chỗ - như chính ông Dũng thừa nhận trên báo chí rằng - có thiếu sót khi chưa gửi đến tận tay người dân quyết định thu hồi sổ hồng. Thực tế họ mới gửi đến 3 nơi là hệ thống tư pháp, các ngân hàng và chủ đầu tư.

Đến đây tôi tự hỏi nếu mọi trách nhiệm của người dân đối với cơ quan quản lý cũng được thực hiện theo kiểu được chăng hay chớ như vậy thì có được không? Người dân cũng nộp các khoản thuế, phí qua đường bưu điện hoặc qua một đơn vị trung gian mà không quan tâm nó đến nơi hay không thì sẽ thế nào?

Và, bao nhiêu dự án dịch vụ công điện tử ngốn bao tiền của rốt cuộc đem lại điều gì khi mà việc trao đổi một thông báo giữa cơ quan quản lý với người dân lại có kết quả như vậy?

Đừng để người nghèo gánh chịu!

Đến giờ, sai phạm của ai thì đã rõ: Chủ đầu tư vi phạm quy hoạch được cấp phép, cơ quan quản lý buông lỏng quản lý nên để lọt sai phạm. Thế thì, hai cái sai này không nên được giải quyết bằng cái sai tiếp theo là đổ mọi trách nhiệm lên đầu người dân.

Trong trường hợp này, Sở TN&MT Hà Nội và tập đoàn Mường Thanh nên làm việc với nhau để giải quyết dứt điểm sai phạm, tháo gỡ vướng mắc cho người dân.

Đối với Sở TN&MT Hà Nội, quan hệ với hàng nghìn hộ dân nói trên là quan hệ người dân với chính quyền, khi người dân thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thì phải được giải quyết đủ quyền lợi. Cơ quan này có thể yêu cầu chủ đầu tư thực hiện các nghĩa vụ theo hướng điều chỉnh quy hoạch, chuyển đổi công năng, nộp thêm thuế và khi đủ điều kiện sẽ cấp lại sổ hồng hoặc khôi phục giá trị sổ đã thu hồi.

Đối với tập đoàn Mường Thanh, quan hệ với các hộ dân này là quan hệ giữa nhà cung cấp với khách hàng, quan hệ thuận mua vừa bán, tiền và hàng trao đổi với nhau. Khi xảy ra sự cố, hai bên phải hoàn trả cho nhau những gì đã nhận hoặc là chủ đầu tư đổi cho khách hàng căn hộ khác có giá trị tương đương và hợp pháp.

Đến đây, tôi bỗng muốn cảm thán cho câu chuyện người dân đã trả tiền cho cả chủ đầu tư lẫn hệ thống dịch vụ công mà cuối cùng lại suýt bị tước đoạt quyền sở hữu tài sản của chính mình. Thơ rằng:

Bắc thang lên hỏi ông Trời

Mua nhà ông Thản sống (cả) đời được không?

Ông Trời hé mắt xuống trông

Ở thì cứ ở nhưng sổ hồng... hên xui (!!)

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Khách hàng của ông Lê Thanh Thản bị thu hồi sổ hồng có quyền khởi kiện, đòi Mường Thanh đền bù thiệt hại

Thứ 7, 20/07/2019 | 06:00
Khi sở TN&MT Hà Nội ra quyết định thu hồi sổ hồng của hàng trăm hộ dân thuộc chung cư Mường Thanh, ngay sau đó, bộ TN&MT đã yêu cầu dừng việc thu hồi này. Theo luật sư phân tích, thu hồi sổ hồng đã cấp tức là Sở thừa nhận có sai phạm, người dân có thể khởi kiện vụ án tranh chấp dân sự để yêu cầu chủ đầu tư bồi thường.

Thu hồi hàng nghìn sổ hồng tại nhiều dự án của đại gia Lê Thanh Thản

Thứ 4, 17/07/2019 | 16:57
Sở TN&MT Hà Nội quyết định thu hồi hàng ngàn giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở (sổ hồng) đã cấp cho các hộ dân tại một số dự án có sai phạm của tập đoàn Mường Thanh.

Ông Lê Thanh Thản có còn… thanh thản?

Thứ 3, 16/07/2019 | 07:00
Ăn vận giản dị, tóc muối tiêu, hút thuốc lào xòng xọc… vốn đã trở thành hình ảnh quen thuộc của vị đại gia xứ Nghệ ở tuổi “cổ lai hy” - người có công biến giấc mơ nhà ở giá rẻ của nhiều người thành sự thật. Song, thật đáng tiếc, đến một ngày người ta không khỏi xót xa khi nghe tin ông bị khởi tố.