Thu thuế cao với túi nilon: Xin đừng thành chuyện muôn năm cũ!

Lê Liên

Việc tăng thuế, siết chặt quản lý các cơ sở sản xuất bao bì, túi nilon được cho là giảm thiểu ô nhiễm môi trường và là việc làm cấp thiết. Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc người dân cần chung tay để bảo vệ sức khỏe chính bản thân họ, cũng như cộng đồng.

Tăng thuế, siết chặt sử dụng túi nilon

Vừa qua, Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị 33/CT-TTg về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý và giảm thiểu chất thải nhựa. Để tiếp tục tăng cường hiệu quả các hoạt động quản lý, xử lý, tái sử dụng, tái chế nhựa đã qua sử dụng, giảm thiểu phát thải chất thải nhựa ra môi trường, Thủ tướng yêu cầu bộ Tài chính nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung luật Thuế bảo vệ môi trường.

Theo đó, hướng sửa đổi là mở rộng đối tượng chịu thuế và tăng mức thuế đối với túi nilon, bao bì và sản phẩm nhựa khác; nghiên cứu đề xuất đánh thuế vật liệu nhựa gốc. Đồng thời, bộ Tài chính chỉ đạo thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn các hành vi trốn thuế bảo vệ môi trường, đặc biệt là đối với túi nilon.

Cùng với đó, Chỉ thị cũng nêu rõ, bộ Tài chính phối hợp bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đề xuất chính sách tài chính nhằm thúc đẩy, khuyến khích các hoạt động tái chế chất thải và tái chế chất thải nhựa. Tuy nhiên trên thực tế, tình trạng người dân sử dụng túi nilon đang diễn ra rất phổ biến. Thậm chí, nhiều người rất thích dùng túi nilon vì tiện.

Giá bán túi nilon ngoài thị trường thấp hơn thuế gần 1 nửa.

Ghi nhận của PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, tại các chợ dân sinh, hay những cửa hàng tiện lợi quanh Hà Nội, việc sử dụng túi nilon là phổ biến.

Chị Hoàng Thị Hoa, chủ sạp rau tại chợ Dịch Vọng (Cầu Giấy) cho biết, hiện nay việc người dân dùng túi nilon để đựng nhu yếu phẩm như một thói quen. Nhiều người khi mua ít tỏi khô, hoặc vài trái ớt cũng yêu cầu phải để vào túi nilon. “Có những ngày cuối chiều, túi hết nên phải tiết kiệm bỏ chung đồ vào một túi nilon thì tôi bị khách hoạch họe. Nếu bây giờ người tiêu dùng từ bỏ được thói quen này, hạn chế dùng túi nilon, thì những người bán hàng có lẽ cũng cảm thấy vui vẻ, vì chúng tôi cũng phải bỏ tiền ra mua túi nilon đựng đồ cho khách chứ có xin được đâu. Bán vài quả ớt, khách đòi túi, cho thì tiền lãi chẳng bõ tiền mua túi nilon, mà không cho thì không được. Thế nên nếu như khách không chịu thì đành chấp nhận chứ biết làm sao, chúng tôi không thể vì một chiếc túi nilon mà bỏ cả nồi cơm của gia đình”, chị Hoa bộc bạch.

Còn chị Nguyễn Thị Huệ - chủ cửa hàng tạp hóa thuộc dạng lớn nằm trên phố Trương Công Giai (quận Cầu Giấy, Hà Nội) tâm sự - giờ bảo mọi người hạn chế dùng túi e là khó, vì túi tiện mà còn rẻ. Theo chị Huệ, những loại túi cỡ từ 5 kg, 2kg đến túi 0,5 kg đều có giá từ 27.000 - 35.000 đồng/kg. Loại túi 5kg thì được khoảng 150 - 200 cái/kg, còn loại 2 kg sẽ được 300 - 350 cái/kg. Túi nilon đỏ loại đẹp, để đựng đồ biếu có giá 35.000 - 37.000 đồng/kg.

“Bảo bỏ túi nilon để dùng các loại khác, chúng tôi chẳng biết thế nào. Nếu dùng loại khác mà đắt thì phải nâng giá hàng hóa để bù vào, khách hàng lại than thở, như thế thì cũng mệt mỏi”, chị Huệ lắc đầu.

Giá túi phổ biến ở chợ theo chia sẻ của chị Huệ là thế, còn theo tìm hiểu của phóng viên, ở các siêu thị lớn, giá túi nilon được đẩy lên cao hơn, ví dụ như túi đựng rác sẽ có giá từ 40.000 - 100.000 đồng/kg. Với túi nilon bọc thực phẩm sẽ có giá 80.000 - 140.000 đồng/kg.

Người dân đồng hành bảo vệ chính mình

Theo GS. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng bộ Tài nguyên và Môi trường, vấn đề hạn chế túi nilon không phải là câu chuyện mới và khi người ta muốn hạn chế sử dụng nó thì sẽ tăng thuế sản xuất cao hơn. Việc tăng thuế sản xuất túi nilon là một giải pháp tích cực. Tuy nhiên, cơ quan thẩm quyền cần quyết liệt hạn chế sử dụng và tiến tới cấm sử dụng như các nước họ từng làm, như thế sẽ hiệu quả hơn.

“Còn giải pháp tăng thuế hiện nay, mặc dù hay nhưng vẫn còn nhược điểm. Bởi giá túi nilon vẫn rất rẻ, dù tăng thuế thì mọi người vẫn không thể bỏ được thói quen sử dụng. Giả sử giá bán túi nilon có tăng gấp 3 lần thì người ta vẫn sẵn sàng dùng vì giá quá rẻ và tiện. Về cơ bản, chúng ta chưa thay đổi được thói quen của người dân”, ông Võ nhận định.

Vẫn theo GS Đặng Hùng Võ, chúng ta nên bắt đầu từ việc nhỏ, đơn giản, như trước mắt là khuyến khích người dân hạn chế dần, sau đó sẽ cấm và đưa vào luật, như vậy mới thành công. “Nhưng quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức của người dân và trách nhiệm cộng đồng. Cùng với đó, các cơ quan có thẩm quyền cần nghiên cứu một lộ trình nhất định, thật cụ thể”, GS Võ nhấn mạnh.

GS. Đặng Hùng Võ.

Đồng quan điểm, PGS.TS. Trương Mạnh Tiến - Chủ tịch Trung ương hội Kinh tế Môi trường Việt Nam (VIASEE) - cho hay, đây là vấn đề nan giải, kéo dài trong nhiều thập kỷ qua.“Muốn thực hiện được thì chúng ta phải song song thực hiện 2 việc, vừa cấm sử dụng túi nilon, vừa tuyên truyền nâng cao ý thức người dân. Việc hạn chế túi nilon hay rác thải nhựa là đang bảo vệ chính bản thân mỗi người dân, bảo vệ sức khỏe, quyền lợi của họ”, ông Tiến cho hay.

Áp dụng càng sớm càng tốt

Ông Bùi Văn Xuyền - Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình - nêu quan điểm: “Tăng thuế túi nilon đồng nghĩa với việc giá thành các sản phẩm cũng tăng theo. Như vậy người dân sẽ lựa chọn những sản phẩm khác bằng giá nhưng an toàn với sức khỏe, thân thiện với môi trường.

Hơn nữa, tăng thuế, tăng giá thành túi nilon còn góp phần ổn định ngân sách Nhà nước. Những năm trước, theo các báo cáo tài chính được công bố thì thuế cho mặt hàng bao bì, túi nilon là rất thấp”.

Ông Xuyền phân tích, với vấn đề đặt ra là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, không giám sát được đầu vào của sản phẩm túi nilon thì cần đề cao trách nhiệm của cơ quan chức năng hơn nữa. “Góp gió thành bão”, người dân cần chung tay trong việc nói không với túi nilon. “Do chưa đánh thuế rất mạnh vào sản phẩm túi nilon nên việc hạn chế tiến tới bỏ dùng túi nilon còn nhiều vướng mắc. Nếu chúng ta siết chặt khâu quản lý, đánh thuế mạnh thì chắc chắn thành công. Chúng ta cần khuyến khích và triển khai sớm để cả cộng đồng cùng hưởng lợi chung”, ông Xuyền nhấn mạnh.

“Giám sát chặt chẽ doanh thu của cơ sở sản xuất kinh doanh túi nilon, nhất là các hộ thuế khoán, chắc chắn giá túi nilon phải bán cao gấp ít nhất 3 - 4 lần hiện nay. Vì ngoài thuế bảo vệ môi trường 50.000 đồng/kg, 1 kg túi nilon còn bao gồm thuế giá trị gia tăng, chi phí nguyên liệu, máy móc, nhân công, mặt bằng, điện, nước, vận chuyển, vốn...”, bà Bùi Thị An – Viện trưởng viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển cộng đồng .

Cần quy rõ trách nhiệm đến từng địa phương

PGS. TS Bùi Thị An - nguyên Đại biểu Quốc hội, Viện trưởng viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng nhận định, trước hết lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền phải đi đầu trong việc không dùng đồ nhựa, không sử dụng bao bì túi nilon. Đặc biệt cần giao trách nhiệm giám sát các cơ sở sản xuất bao bì túi nilon xuống các địa phương để việc thực hiện thu thuế hiệu quả.

Bà Bùi Thị An.

PV: Vấn đề thu thuế cao bao bì túi nilon không hề mới, tuy nhiên việc đánh thuế chỉ mới thấy trên giấy tờ, còn thực tế thì vẫn chưa hiệu quả. Vậy theo bà nguyên nhân do đâu?

Bà Bùi Thị An: Theo tôi, nhiều năm nay việc thực hiện đánh thuế các cơ sở sản xuất túi nilon còn đang hạn chế, lỏng lẻo.

Theo tôi được biết, mức thuế kịch kim đối với bao bì túi nilon về thuế bảo vệ môi trường là 50.000 đồng/kg trong khi giá bán ra thị trường chỉ 20.000 đến 30.000 đồng/kg, rõ ràng là có vấn đề. Giá bán túi nilon thấp hơn giá thuế thì chắc chắn có vấn đề hoặc túi đó là sản xuất lậu, chưa được kê khai thuế.

PV: Vậy theo bà, lỗi này thuộc về đơn vị quản lý nào?

Bà Bùi Thị An: Để xảy ra tình trạng này, trước hết trách nhiệm thuộc về các cơ quan quản lý, cụ thể là quản lý thị trường và các cơ cơ quan thuế. Các cơ quan thuế cần căn cứ vào kê khai của người kê khai nộp thuế để quản lý. Cơ quan thuế cần phải nhận trách nhiệm và giám sát chặt chẽ doanh thu sản xuất kinh doanh túi nilon để không thất thoát thuế.

PV: Ngoài các đơn vị trên, nhiều người còn cho rằng, việc giám sát để đánh thuế các cơ sở sản xuất túi nilon là khó bởi quy mô nhỏ và khó kiểm soát đầu vào nguyên liệu sản phẩm. Vậy phải chăng các địa phương cũng cần chung sức trong vấn đề này?

Bà Bùi Thị An: Ngoài trách nhiệm của các cơ quan thuế, vì là cơ quan ngành dọc thì song song đó là có sự phối hợp, nói đúng hơn là giao trách nhiệm trực tiếp xuống các cơ sở, các cơ quan chi cục Thuế, các địa phương như xã, phường giám sát, thực hiện.

Yêu cầu rà soát lại trên cả nước xem có bao nhiêu xưởng sản xuất, dù to hay nhỏ cũng cần được thống kê. Xem ai cấp đăng ký, ai quản lý những vấn đề này.

Cần phải thắt chặn từ đầu, từ nơi sản xuất túi nilon. Ai nhập hàng, chỗ nhập hàng và sản xuất đồ ra sao, cơ quan quản lý phải kiểm soát được.

Nói chung để kiểm soát và ngăn chặn được việc này cần bài toán lâu dài và quyết liệt. Và quan trọng là phải quản lý chặt chẽ. Nếu để sai sót thì người đứng đầu cơ quan đó phải chịu trách nhiệm.

PV: Ngoài biện pháp giao trách nhiệm cho các địa phương, bà còn đề xuất biện pháp nào hữu hiệu hay không?

Bà Bùi Thị An: Phân chia rõ trách nhiệm từng cấp là một chuyện, nhưng nếu tính chuyện lâu dài chúng ta nên hướng đến việc hạn chế cấp giấy đăng ký kinh doanh cho các cơ sở sản xuất túi nilon, hạn chế việc nhập khẩu nhựa tái chế. Cuối cùng là cấm hẳn thì sẽ hiệu quả.

Ngoài ra còn cần tuyên truyền những tác hại lâu dài, sự độc hại khi sử dụng túi nilon đến từng người dân. Đặc biệt muốn làm được điều đó thì các cơ quan Nhà nước phải gương mẫu đi trước, không dùng đồ nhựa ngay trong cơ quan và gia đình, thì có hiệu ứng mạnh mẽ.

PV: Cảm ơn bà!

L.L