Tin tức Đời sống 25/3: Mắc ung thư phổi di căn não do thói quen xấu

Tin tức Đời sống 25/3: Mắc ung thư phổi di căn não do thói quen xấu

Thứ 2, 25/03/2024 12:17

Cập nhật tin tức đời sống ngày 25/3: Bàng hoàng mắc ung thư phổi di căn não, do thói quen xấu kéo dài suốt 30 năm; Kinh hãi phát hiện hai lỗ thủng lớn ở màng nhĩ...

Bàng hoàng mắc ung thư phổi di căn não, do thói quen xấu kéo dài suốt 30 năm

Bệnh viện Đa khoa Medlatec tiếp nhận thăm khám bệnh nhân N.V.K, 53 tuổi, sinh sống ở Hà Nội, khoảng 1 tháng nay xuất hiện ho khan, đặc biệt 3 ngày trước đi khám có xuất hiện cơn đau đầu, chóng mặt và tê tay cả hai bên trong khoảng 15 phút, sau cơn đau đầu bệnh nhân tỉnh táo, không đau đầu, không chóng mặt, không liệt.

Bệnh nhân cho biết, có thói quen hút thuốc lá 30 năm nay, mỗi ngày hết 1 bao thuốc lá. Trước đó, bệnh nhân chủ quan nên không có thói quen đi kiểm tra sức khỏe định kỳ, đợt này xuất hiện những dấu hiệu “lạ”, lúc này lo lắng nên quyết định đến Bệnh viện Đa khoa Medlatec kiểm tra sức khỏe tổng quát.

Ngoài ra, bệnh nhân chia sẻ thêm, về phía gia đình có bố và bác ruột bị K phổi, mẹ bị tai biến mạch máu não.

BSCKI.Phạm Sơn Tùng, chuyên khoa Hô hấp, Bệnh viện Đa khoa Medlatec tiếp nhận thăm khám bệnh nhân thấy bệnh nhân tỉnh táo, không có dấu hiệu thần kinh khu trú, không liệt, phổi thông khí rõ, không rale nhưng bệnh nhân có ngón tay dùi trống, ngoài ra không có dấu hiệu bất thường nào.

Do có tiền sử hút thuốc lá 30 năm, thường ít nhất 1 bao/ngày, ho khan kéo dài, nên bệnh nhân được chỉ định chụp phổi và CT sọ não.

Kết quả chụp cắt lớp vi tính đa dãy (MSCT) hình ảnh hướng u phổi trái, có xâm lấn phổi, màng phổi và rãnh liên thùy cùng bên. Dày tổ chức kẽ và giãn phế nang nhu mô hai phổi, hạch trung thất.

Chụp cộng hưởng từ sọ não nốt ngấm thuốc dạng viền, có phù não rộng xung quanh. Trên MRI sọ não kết luận hình ảnh khối u não vị trí vùng trán phải và vùng chẩm hai bên hướng đến tổn thương thứ phát.

Theo phân độ của Tổ chức Y tế thế giới 2021, bệnh nhân này được đánh giá ở giai đoạn 4, tức đây là giai đoạn di căn, bệnh đã di căn đến các cơ quan khác như não, gan, xương, tuyến thương thận…. Cụ thể, ở bệnh nhân K., chẩn đoán bệnh ung thư phổi di căn não.

Đồng thời, bệnh nhân tiếp tục được thực hiện sinh thiết xuyên thành ngực, chẩn đoán Carcinoma không tế bào nhỏ.

Với chẩn đoán ung thư phổi di căn não - tiền đái tháo đường, bệnh nhân được chuyển sang bệnh viện chuyên khoa điều trị ung thư.

Ung thư phổi là ung thư hay gặp nhất ở nam giới, tỷ lệ tử vong khoảng 20% trong tổng số các ung thư nói chung.

Theo số liệu thống kê, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong.

Riêng tại Việt Nam năm 2020, tỷ lệ mắc ung thư phổi xếp thứ 2 với hơn 26.000 ca mắc mới và hơn 23.000 ca tử vong do căn bệnh nguy hiểm này.

Chia sẻ nguyên nhân dẫn tới ung thư phổi, BS Tùng cho biết, có tới 90% bệnh nhân mắc ung thư thư phổi do hút thuốc lá, 4% mắc do hút thuốc lá thụ động (hít phải khói từ người hút).

Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác. Ngoài ra, các nguyên nhân còn lại do yếu tố di truyền, môi trường làm việc có nhiều khói bụi ô nhiễm.

Chỉ sau 1 tháng xuất hiện ho khan kéo dài, đi khám phát hiện ra ngay mắc K phổi. Sau khi biết nguyên nhân hàng gây ung thư phổi là do hút thuốc lá, bệnh nhân vô cùng ân hận vì mình đi vào con đường tắt gặp “tử thần” trong suốt 30 năm qua.

Ung thư phổi diễn biến thầm lặng nên đa số người dân phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, hiệu quả điều trị thấp, gây tốn kém chi phí và kéo dài thời gian chữa trị. Vì vậy, tầm soát ung thư định kỳ giúp phát hiện sớm các bất thường, cũng như gia tăng cơ hội chữa trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh.

Theo chuyên gia hô hấp, những người nên chủ động tầm soát ung thư phổi khi có một trong các dấu hiệu bất thường như ho nhiều, ho dai dẳng có đờm, mệt mỏi, hụt hơi, sụt cân không rõ nguyên nhân… Đặc biệt, những người có tiền sử hút thuốc lá, khuyến cáo nên đi tầm soát ung thư phổi định kỳ từ sau 40 tuổi.

Khi đi tầm soát ung thư phổi, thông thường, người dân sẽ được chỉ định làm một trong các xét nghiệm và kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau: Chụp cắt lớp vi tính ngực liều thấp, hay còn gọi là chụp CT ngực liều thấp;

Chụp X quang tim phổi; Xét nghiệm tế bào đờm.

Ngoài ra, để chẩn đoán xác định, đánh giá mức độ xâm lấn tại chỗ, hoặc di căn, người bệnh sẽ được thực hiện các kỹ thuật chuyên sâu như chụp CT ngực, chụp PET/CT, nội soi phế quản, siêu âm phế quản, siêu âm nội soi phế quản, MRI (não, ngực), sinh thiết phổi.

Kinh hãi phát hiện hai lỗ thủng lớn ở màng nhĩ vì rết 'đục'

Anh N.H.P. (25 tuổi, ngụ quận 2, TP.HCM) đi du lịch cùng bạn ở Vũng Tàu và ngủ dưới sàn đất. Đang ngủ, anh P. đau tai dữ dội, nhập viện cấp cứu tại bệnh viện gần đó. Bác sĩ kiểm tra, phát hiện một con rết đang ngọ nguậy trong tai người bệnh, gắp ra con rết còn sống.

5 ngày sau khi trở về TP.HCM, anh P. cảm thấy còn đau nhức tai nhiều, ù tai, nghe kém nên đến Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám.

Kết quả nội soi bằng máy nội soi tai mũi họng Karl Storz ghi nhận anh P. có tình trạng ống tai – màng nhĩ phù nề, sung huyết, có hai lỗ thủng lớn ở màng nhĩ với kích cỡ chiếm tầm 25% màng nhĩ và một vết sẹo đọng máu.

Đời sống - Tin tức Đời sống 25/3: Mắc ung thư phổi di căn não do thói quen xấu

Hình ảnh nội soi 2 vết thủng và 1 vết sẹo đọng máu ở màng nhĩ người bệnh.

Thạc sĩ bác sĩ CKI Nguyễn Thị Hương chẩn đoán anh P. bị thủng màng nhĩ. Đây là tình trạng lớp mô mỏng ngăn cách giữa ống tai ngoài và tai giữa bị thủng khiến người bệnh ù tai, suy giảm thính lực.

Anh P. được điều trị nội khoa theo đơn thuốc của bác sĩ và tái khám để theo dõi tình trạng bệnh. Tái khám một tuần sau đó, bác sĩ Hương ghi nhận vết thủng ở màng nhĩ anh P. dần hồi phục được 40% so với ban đầu, ống tai và màng nhĩ giảm viêm, giảm phù nề, triệu chứng ù tai, nghe kém cũng cải thiện.

Anh P. được chỉ định tiếp tục tái khám sau hai tuần để theo dõi mức độ lành thương. Vết thủng nếu được chăm sóc, điều trị tốt có thể tự lành lại sau vài tuần. Nếu sau 3-6 tháng lỗ thủng màng nhĩ không lành có thể tiến hành vá lại màng nhĩ để cải thiện sức nghe, triệu chứng ù tai hay viêm tai giữa sau này.

Theo bác sĩ Hương, trường hợp rết cắn nhiều chỗ trên màng nhĩ gây thủng như người bệnh này khá hiếm gặp, thường chỉ gây trầy xước ống tai – màng nhĩ hoặc viêm tai.

"Thủng màng nhĩ đột ngột sẽ gây giảm thính lực, ù tai rất khó chịu. Trong một số trường hợp tình trạng chấn thương nặng, gây phá hủy chuỗi xương con dẫn truyền trong tai, chấn thương tai trong, bệnh nhân có thể nghe kém nhiều thậm chí điếc hoàn toàn.

Nếu lỗ thủng lớn, tai bị viêm, điều trị không tốt thì màng nhĩ có thể không lành, người bệnh phải phẫu thuật vá màng nhĩ và phục hồi dẫn truyền chuỗi xương con để cải thiện triệu chứng.

Đặc biệt, các loại động vật chân khớp như rết, mang theo nhiều nọc độc, bụi bẩn, vi khuẩn, vi trùng ở trong đất ô nhiễm nên khi chui vào màng nhĩ càng khiến tai đau nhức nhiều và có nguy nhiễm trùng cao.

Tình trạng này để lâu sẽ dẫn đến viêm tai giữa, nhiễm trùng lan rộng vào các tổ chức ở não gây viêm màng não, áp xe não, liệt mặt, thậm chí tử vong", bác sĩ Hương khuyến cáo.

Bác sĩ Hương hướng dẫn cách xử trí ban đầu khi rết chui vào tai: để người bệnh nằm nghiêng hoặc nghiêng đầu về phía tai mà rết chui vào, ra chỗ nhiều ánh sáng, người trợ giúp dùng oxy già hoặc nước muối sinh lý ấm nhỏ ngập tai để khiến rết tự chui ra ngoài hoặc chết vì ngạt, rồi khéo léo gắp ra ngoài hoặc đưa người bệnh đến bệnh viện để bác sĩ gắp ra. Sau khi rết được lấy ra ngoài thì cần vệ sinh tai sạch sẽ, nhỏ thuốc đều đặn để phòng ngừa viêm nhiễm.

Trường hợp rết chui vào tai người bệnh đau dữ dội cần được đưa đến bệnh viện càng nhanh càng tốt để bác sĩ lấy côn trùng ra và xử lý những tổn thương.

Lưu ý, không sử dụng các dụng cụ, tăm bông để ngoáy, móc tai; không sử dụng các phương pháp như: hơ lá, xông hơi tai; không nên quá lo lắng, hốt hoảng… vì sẽ làm con rết kích động, chạy sâu vào bên trong tai. Nếu rết chui sâu vào tai sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm: nhiễm trùng, thủng màng nhĩ, viêm tai giữa…

Những nơi ẩm thấp, nhiều đồ đạc là nơi trú ngụ ưa thích của rết… Vì vậy, bác sĩ Hương khuyến cáo nên ngủ giường, hạn chế ngủ ở sàn đất hoặc ở những nơi ẩm thấp; nên dọn dẹp nhà cửa thường xuyên; xịt thuốc diệt côn trùng; không để thức ăn vung vãi trên giường, nệm; nên đến cơ sở y tế ngay khi có dấu hiệu nghi ngờ có vật lạ vào tai.

Bộ Y tế khuyến cáo vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người

Bộ Y tế vừa thông tin về trường hợp mắc cúm A(H5N1) tại tỉnh Khánh Hòa, đồng thời, đưa ra các khuyến cáo phòng bệnh đối với cộng đồng.

Bộ Y tế cho biết bệnh nhân nam, 21 tuổi, cư trú tại thôn Tân Ninh, xã Ninh Trung, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa. Ngày 11/3/2024, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng sốt, ho và tự điều trị nhưng các triệu chứng không thuyên giảm.

Từ ngày 16 - 17/3, bệnh nhân đến khám và điều trị tại Trung tâm Y tế Ninh Hòa, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Khánh Hòa điều trị với chẩn đoán viêm phổi.

Ngày 19/3, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Khánh Hòa đã lấy mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân để xét nghiệm. Theo kết quả xét nghiệm ngày 20/3, bệnh nhân dương tính với cúm A/H5, và kết quả khẳng định của Viện Pasteur Nha Trang ngày 22/3 xác định bệnh nhân dương tính với cúm A(H5N1). Do bệnh tình diễn tiến nặng, bệnh nhân đã tử vong vào ngày 23/3.

Theo kết quả điều tra dịch tễ, vào dịp trước và sau Tết Nguyên đán 2024, bệnh nhân có đi bẫy chim hoang dã ở gần khu vực sinh sống. Xung quanh khu vực gia đình bệnh nhân sinh sống không có hiện tượng gia cầm ốm, chết. Các trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân được lập danh sách và theo dõi sức khỏe hàng ngày. Đến nay, chưa phát hiện thêm trường hợp mắc mới.

Theo Bộ Y tế, đây là trường hợp mắc cúm A(H5N1) thứ 2 kể từ năm 2014, sau nhiều năm không ghi nhận trường hợp mắc bệnh trên người tại Việt Nam.

Trước đó, vào tháng 10/2022, tại Phú Thọ đã ghi nhận 1 trường hợp mắc cúm A(H5N1) trên người. Tích lũy từ 2003 đến nay, cả nước ghi nhận 128 người nhiễm cúm A(H5N1), trong đó có 65 người tử vong (chiếm 50,8%).

Trên thế giới, từ cuối năm 2023 đến nay, ghi nhận nhiều đợt bùng phát cúm gia cầm trên động vật ở tất cả các khu vực, chủ yếu là do chủng virus cúm A(H5N1). Tại Campuchia tiếp tục ghi nhận các ca bệnh cúm A(H5N1) trên người từ cuối năm 2023.

Trong nước, theo thông tin từ Cục Thú y - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, dịch cúm gia cầm vẫn được ghi nhận rải rác trên đàn gia cầm ở nhiều địa phương trên cả nước.

Từ đầu năm 2024 đến nay, ghi nhận 6 ổ dịch cúm gia cầm tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Bắc Ninh, Ninh Bình, Khánh Hòa, Bà Rịa - Vũng Tàu, Long An và Tiền Giang.

Bên cạnh đó, thời điểm này đang là giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường, là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh phát triển. Bộ Y tế nhận định, trong thời gian tới vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm cúm gia cầm sang người.

Bệnh cúm gia cầm trên người hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vaccine phòng bệnh. Hiện tại chưa có bằng chứng cho thấy cúm A(H5N1) lây từ người sang người, virus A(H5N1) là chủng cúm độc lực cao, người bị nhiễm thường diễn tiến nặng và tử vong với tỷ lệ cao (xấp xỉ 50%).

Vì thế, để chủ động phòng, chống dịch cúm A(H5N1) lây từ gia cầm sang người, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp dự phòng, như không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn.

Không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc.

Khi phát hiện gia cầm ốm, chết tuyệt đối không được giết mổ và sử dụng, mà phải thông báo ngay cho chính quyền địa phương và đơn vị thú y trên địa bàn.

Bên cạnh đó, cần hạn chế tiếp xúc, giết mổ, ăn các loại động vật hoang dã, đặc biệt là chim. Khi có biểu hiện cúm như sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

T.M (tổng hợp)

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.