Tại buổi hội thảo về công tác chuẩn bị đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 theo Chương trình GDPT 2018 diễn ra chiều ngày 11/3, ngay sau khi nghe Bộ GD&ĐT thông tin về phương hướng xây dựng đề thi đã có nhiều ý kiến đóng góp từ các địa phương, trường đại học.
Yếu tố ổn định, công bằng phải được quan tâm khi ra đề
Đồng tình với những báo cáo mà Bộ GD&ĐT đưa ra, bà Hà Thị Khánh Vân – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lạng Sơn nêu quan điểm: “Mặc dù địa phương đã triển khai xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, có những buổi sinh hoạt chuyên môn nhưng hoàn toàn mới chỉ mang tính chủ quan”.
Bà Hà cho biết không phủ định tính ưu việt của các dạng thức câu hỏi của đề thi mới nhưng để chuẩn bị ngân hàng đề, xây dựng câu hỏi ôn tập chuẩn theo yêu cầu đưa ra lại không đơn giản, đặc biệt là đối với các giáo viên ở các tỉnh miền núi phía Bắc.
“Cần có những bước chuyển tiếp phù hợp từ Chương trình cũ sang Chương trình mới, phương thức mới. Với cái mới cần có sự thay đổi bước đệm, tránh sự tác động vào kết quả của kỳ thi”, bà Vân kiến nghị.
Đại diện Sở GD&ĐT Lạng Sơn cũng mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục bồi dưỡng công tác xây dựng thư viện đề, đặc biệt có đề minh hoạ công bố sớm qua các năm, hướng dẫn công tác kiểm tra đánh giá với những môn mới, lần đầu tiên thi tốt nghiệp như Tin học, Công nghệ,…
Còn đối với trường đại học cũng cần sớm công bố phương án tuyển thi cho năm 2025 để học sinh chuẩn bị, bởi hầu hết các em sẽ có định hướng ôn tập, chọn tổ hợp môn ngay từ lớp 10.
Cũng tại hội thảo, Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Trị Lê Thị Thu Hương cho rằng đề thi phải bảo đảm tính trung thực, khách quan, hiệu quả, chính xác và sự công bằng giữa tất cả thí sinh.
“Nội dung đề thi theo Chương trình GDPT 2018 có nhiều điểm mới và dù một chương trình nhưng sử dụng nhiều bộ sách giáo khoa khác nhau, khi làm đề thi cần có sự thống nhất trong diễn đạt tránh học sinh nhầm lẫn, đảm bảo hiệu quả khi ra đề”, bà Hương đưa ra kiến nghị.
Đồng thời, đại diện Sở GD&ĐT Quảng trị mong muốn cấu trúc đề thi theo hướng đánh giá năng lực như mục tiêu của chương trình mới, cấu trúc phải ổn định nhiều năm để các trường ổn định dạy học ôn tập cho các em.
Ngoài ra, đối với kỳ thi tốt nghiệp THPT cần được Bộ GD&ĐT tiếp tục định hướng tổ chức, từ đây giúp các trường đại học tin tưởng sử dụng kết quả để xét tuyển nhằm giảm áp lực và chi phí cho xã hội.
Cũng tham gia đề xuất ý kiến gửi tới ngành giáo dục, đại diện các trường đại học khối Y dược – một trong những ngành học có điểm chuẩn xét tuyển cao nhất trong các khối ngành rất quan tâm đến sự phân hoá trong các bài thi.
"Điểm thi tốt nghiệp là một trong những kênh tuyển sinh hiệu quả đối với các trường đại học. Tuy nhiên, các trường Y dược đòi hỏi chất lượng đầu vào tối thiểu, có yêu cầu khắt khe riêng nên các trường chúng tôi mong muốn đề thi phải có sự phân loại cao học sinh, câu hỏi có tính ứng dụng cao để từ đó tìm được những thí sinh đáp ứng được chương trình học tập”, GS.TS. Trần Diệp Tuấn - Chủ tịch Hội đồng trường Y dược Tp.HCM phát biểu.
Đề thi đảm bảo yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT
Trước những đề xuất được nêu, ông Nguyễn Ngọc Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết các câu hỏi thi phải được xây dựng đảm bảo mục tiêu đã được nêu.
Đối với vấn đề có nhiều bộ sách giáo khoa như hiện nay, ông Hà trả lời: “Mặc dù học sinh học các sách khác nhau nhưng đối với Chương trình GDPT 2018 sẽ tập trung và yêu cầu cần đạt của học sinh, đây cũng là nội dung có tính quy định pháp luật, là cơ sở thầy cô ôn tập, giảng dạy”.
Đề thi sẽ phải đảm bảo có tính phân hoá, phân loại, phục vụ tốt cho tuyển sinh là nội dung được chú trọng và đến nay bước đầu có tín hiệu tốt thông qua kết quả thử nghiệm.
Đánh giá thêm về chất lượng của đề thi, phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng cũng cho rằng một bài thi có tính tin cậy còn phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố như coi thi, chấm thi và tất cả các khâu liên quan.
Và dù có đề tốt, phần mềm đánh giá tốt nhưng quan trọng nhất là con người tham gia từ công tác chỉ đạo đến công tác chuyên môn cũng phải được đảm bảo hướng tới học thật, thi thật, từ đó mới đem lại chất lượng tốt nhất.
Trước đó, Bộ GD&ĐT đã thành lập Hội đồng xây dựng cấu trúc định dạng đề thi phục vụ kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Theo đó, Hội đồng đã xây dựng cấu trúc định dạng đề thi của 17 môn học, gồm: Ngữ Văn, Toán, Ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Nga, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hàn, tiếng Nhật, tiếng Trung), Hoá học, Vật lý, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ (Công nghệ Công nghiệp và Công nghệ Nông nghiệp).
Đề minh họa theo cấu trúc định dạng mới đã được thử nghiệm tại các tỉnh/thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Ninh Bình, Gia Lai, Thái Nguyên với khoảng gần 5.000 học sinh.
Kết quả thử nghiệm cấu trúc định dạng đề thi đã được tiến hành phân tích theo lý thuyết khảo thí cổ điển và hiện đại theo khuyến nghị của Viện Khảo thí Giáo dục Hoa kỳ (ETS) tại đợt tập huấn toàn quốc cho hơn 3500 cán bộ, giảng viên, giáo viên thuộc 63 Sở GD&ĐT và 12 cơ sở giáo dục đại học từ 11-17/12/2023.