Nhìn núi rác ùn ứ chất đống mà Trà Vinh đang phải xử lý ngẫm ra mới thấy, rõ ràng chúng ta đang mắc bệnh, căn bệnh “nan y” về ý thức.
Ông Nguyễn Trung Hoàng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh ký văn bản gửi UBND TP.Cần Thơ và các tỉnh Hậu Giang, Vĩnh Long về việc hỗ trợ tuyến đường vận chuyển rác thải sinh hoạt từ tỉnh Trà Vinh đến TP.Cần Thơ để xử lý. Theo văn bản này, tỉnh Trà Vinh đang triển khai thực hiện dự án xử lý ô nhiễm môi trường bãi rác TP.Trà Vinh, thực hiện đốt 120.000 tấn rác; công ty TNHH Kỹ thuật Công nghiệp năng lượng môi trường Việt Nam (Vina Encorp) là đơn vị trúng thầu thực hiện hợp đồng đốt rác.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai đã gặp khó khăn, chưa đảm bảo theo tiến độ hợp đồng. Để đẩy nhanh tiến độ dự án, và sớm đưa bãi rác TP.Trà Vinh ra khỏi danh mục cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, UBND tỉnh Trà Vinh đã thống nhất cho Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại và Đầu tư IDV hỗ trợ cho Vina Encorp bốc dỡ 30.000 tấn rác từ bãi rác TP.Trà Vinh vận chuyển đến Nhà máy xử lý rác thải EB TP.Cần Thơ (xã Trường Xuân, huyện Thới Lai, TP.Cần Thơ). Tuy nhiên, UBND TP từ chối đề nghị của Trà Vinh.
Từ chối là chuyện thường! Bản thân Cần Thơ còn chưa thể xử lý hết rác tại địa phương nên “không nhận rác từ địa phương khác”. Mấy ai sẵn lòng giúp xử lý rác cho người khác, khi bản thân cũng đang trong cuộc chiến. Thực tế, các bãi rác ùn ứ chưa thể xử lý, bị người dân phản đối là chuyện không chỉ là Trà Vinh mà tồn tại ở nhiều nơi.
Đây rõ ràng là căn bệnh nội tại gây hệ lụy nguy hiểm trong nhiều năm. Với căn bệnh ấy, ta cần một ê-kíp bác sĩ giỏi, hoạt động đồng bộ, chuyển động nhịp nhàng ở các khớp nối. Nói vậy thì dễ nhưng con đường đi đến cái đích khỏi bệnh hẳn còn xa. Xa thì có đi không? Chắc chắn phải đi, vì đi rồi sẽ đến. Hành trình vạn dặm luôn bắt đầu bằng một bước chân.
Nói một cách trung thực, rác thải không chỉ là vấn đề của riêng Việt Nam. Trên khắp hành tinh, rác là vấn nạn khiến các nhà quản lý đau đầu nhiều thập kỷ qua. Hành tinh xanh của chúng ta giờ đây đang dần xám lại vì rác xuất hiện từ lục địa đến đại dương. Các chiến dịch được triển khai rầm rộ, những phong trào đầu tranh hăng hái diễn ra khắp các châu lục, các nhà môi trường hoạt động bền bỉ trong nhiều thập kỷ qua, nhưng rác thải về đâu, xử lý thế nào vẫn còn treo ở đó.
Có lẽ với những thứ rắc rối, phức tạp hay những vấn đề được coi là vấn nạn hãy quay lại nguồn. Rác bắt đầu từ con người, vậy hãy quay về chính cái gốc ấy. Hãy bắt đầu sửa từ ý thức.
Nhắc đến chuyện xanh sạch đẹp, chẳng thể không nhắc đến Singapore. Một đất nước nhỏ bé với diện tích 719km2, chỉ nhỉnh hơn một chút so với huyện Cần Giờ của TP. HCM (diện tích 704,22km2). Đất nước ấy nổi tiếng khắp thế giới về môi trường. Tất cả đều có lý do.
Những ngày này, một người đàn ông 62 tuổi tại Singapore nhận được sự quan tâm của người dân tại nhiều nước châu Á khi câu chuyện về ông được đăng tải. Bất kể ngày đêm, chỉ cần có thời gian rảnh, người đàn ông họ Chen ở Singapore lại đứng quan sát từ cửa sổ căn nhà đối diện bãi đậu xe ngoài trời ở khu Tampines. Ông cầm sẵn máy ảnh, ghi lại hình ảnh của bất kỳ người nào có hành động vi phạm quy định.
Mỗi tháng, ông Chen báo cáo 70-80 trường hợp vi phạm cho cơ quan Môi trường Quốc gia (NEA). Ông cho biết, NEA đã phát cho mình một biểu mẫu để ghi danh sách những trường hợp sai phạm thu thập được.
Bản thân ông không ít lần gặp rắc rối khi hết mình với môi trường. Ông từng bị cảnh sát kiểm tra khi bị báo cáo là kẻ biến thái, có hành vi đáng ngờ với việc cầm máy quay đứng bên cửa sổ. Ông cũng bị những người tố cáo đến tận nhà để dằn mặt,… Nhưng, ông chẳng màng đến những rắc rối nhỏ nhỏ ấy. Ông muốn cống hiến cho điều lớn lao hơn, ý thức bảo vệ môi trường.
Với ý thức từ nguồn cao như vậy, Singapore sạch đẹp nức tiếng cũng là điều dễ hiểu. Mọi thứ đều bắt đầu bằng ý thức. Ý thức thúc đẩy hành động. Và, khi ý thức song hành cùng hành động, chúng ta sẽ đến được đích.
“Hành động mà không có tầm nhìn sẽ chỉ là qua ngày đoạn tháng, tầm nhìn không có hành động chỉ là mơ mộng hão huyền, nhưng tầm nhìn đi cùng hành động thì có thể thay đổi thế giới”. Đó là kim chỉ nam giúp Nelson Mandela trở thành huyền thoại của cuộc đấu tranh phân biệt chủng tộc và là Tổng thống da màu đầu tiên của Nam Phi.