Trăm ngàn nỗi khổ đổ lên đầu điều dưỡng

Thanh Lam - Hải Yến

Giới chuyên môn cho rằng, ngành y tế vẫn chưa có đủ số lượng điều dưỡng tương xứng với mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân và các mục tiêu phát triển bền vững.

Nguy cơ hiện hữu

Theo công bố báo cáo về Điều dưỡng thế giới 2020, Việt Nam cần phải tạo thêm nhiều việc phù hợp cho điều dưỡng. Tỉ lệ trung bình điều dưỡng trên một vạn dân của Việt Nam là 11,4 người - chưa bằng một nửa so với tỉ lệ trung bình toàn cầu. So với Thái Lan, số lượng điều dưỡng của nước ta phải tăng gấp 2 lần, so với Malaysia thì phải thêm gấp 3 lần số điều dưỡng, hộ sinh hiện nay. WHO cho biết, để đạt mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân vào năm 2030, cả thế giới cần có thêm 9 triệu điều dưỡng và hộ sinh.

ThS Phạm Đức Mục - Chủ tịch hội Điều dưỡng Việt Nam - cũng thông tin, Việt Nam đang phấn đấu đạt chỉ tiêu 25 điều dưỡng/10.000 dân vào năm 2025. Đồng thời, cần thực hiện lộ trình cao đẳng hóa nhân lực điều dưỡng và phấn đấu đến 2025, điều dưỡng viên đạt trình độ tối thiểu cao đẳng theo khuyến cáo của WHO.

Trong thời gian chống dịch Covid-19, ngoài bác sĩ thì đội ngũ điều dưỡng, hộ sinh cũng phải căng mình chống dịch, chăm sóc bệnh nhân. Trò chuyện với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật, xen lẫn niềm hãnh diện khi nhắc đến nghề nghiệp mình theo đuổi, chị Nguyễn T. N. (điều dưỡng viên khoa Nội mạch, bệnh viện Quốc tế Thái Nguyên) trải lòng về những khó khăn trong công việc: “Nói về ngành y, được khoác lên mình chiếc áo blouse thì ai cũng thấy rất thích. Nhưng, không phải ai cũng có thể hiểu được hết những khó khăn và áp lực trong công việc nếu không phải người làm nghề.

Là một điều dưỡng viên, tôi luôn phải túc trực bên cạnh để theo dõi bệnh nhân, có những ca trực kéo dài đến 24 giờ. Mỗi sáng đến làm việc, ai nấy cũng tất bật chỉn chu trang phục để nhanh chóng vào guồng công việc, có những ngày vừa đến chưa kịp thay áo blouse thì đã phải lao vào cấp cứu cho bệnh nhân, điều trị xong lại quay sang chăm sóc, kiểm tra bệnh án, làm thủ tục cho bệnh nhân ra viện, có ngày hết giờ còn chưa xong việc”.

Công việc điều dưỡng vừa hãnh diện nhưng cũng xen lẫn niềm trăn trở.

Tự động viên chính mình, chị N. tâm sự thêm: “Có những trường hợp bệnh nhân chỉ còn 30% cơ hội sống nhưng chúng tôi vẫn cố gắng cứu chữa bằng mọi cách vì đó là trách nhiệm của chúng tôi với họ, với gia đình họ và cộng đồng. Đứng trước những ca bệnh nặng tưởng chừng không còn chút hy vọng sống nào, hay có những khi người nhà bệnh nhân có hành động và lời nói xúc phạm chúng tôi, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng kiềm chế, nhanh chóng lấy lại bình tĩnh để tiếp tục công việc. Thậm chí, có đôi lúc tôi phải nghỉ 2 tuần để dưỡng sức vì quá mệt mỏi, không có nhiều thời gian cho gia đình, khó khăn và áp lực nhiều đến mức có lúc tôi chỉ muốn bỏ việc”.

Song song với công việc điều dưỡng, chị N. còn kinh doanh online, một phần vì đam mê, nhưng quan trọng hơn là để có thêm “đồng ra, đồng vào” trang trải cho cuộc sống gia đình. “Lương tháng chỉ được từ 4 - 5 triệu đồng thì bõ bèn gì, không có thêm nghề tay trái thì kinh tế sẽ rất eo hẹp, cuộc sống càng khó khăn. Hiện tại, vợ chồng tôi chưa có con nên còn dễ sắp xếp công việc, đến sau này có con rồi thì mọi thứ sẽ thay đổi, công việc cũng khó mà chu toàn”, chị N. trăn trở.

Không chỉ có điều dưỡng N. mà còn rất nhiều điều dưỡng khác cũng có chung nỗi băn khoăn, tâm tư về nghề khi mức thu nhập không đủ sống, áp lực công việc…

Lý do không mới

Là người từng công tác nhiều năm trong ngành điều dưỡng, ThS Phạm Thị Ngọc Dung - nguyên Trưởng phòng Điều dưỡng (hiện là chuyên gia về điều dưỡng tại bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) - chia sẻ với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp Luật về những áp lực vô hình của điều dưỡng.

Nói về nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu nhân lực điều dưỡng, hộ sinh, bà Dung cho hay: “Thực chất, ở các trường đào tạo còn rất nhiều nguồn nhân lực cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, cơ hội để các bạn được làm việc trong các cơ sở y tế không nhiều, nên việc thiếu hụt nhân lực y tế không phải xuất phát từ thiếu nguồn nhân lực được đào tạo mà do nguồn nhân lực được đào tạo ra không có cơ hội được làm việc trong các cơ sở y tế.

ThS. Phạm Thị Ngọc Dung cho rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến nguồn nhân lực điều dưỡng bị thiếu hụt.

Tiếp đến, tùy từng điều kiện, tính chất công việc trong các cơ sở y tế, các bệnh viện, phòng khám thì công tác tuyển dụng cũng có sự khác nhau. Tại các bệnh viện Nhà nước, công tác tuyển dụng có quy định riêng, còn các cơ sở y tế tư nhân thì công tác tuyển dụng còn phụ thuộc vào nguồn kinh phí tự chủ của họ, lãnh đạo cơ sở sẽ phải cân nhắc kỹ càng sao cho tuyển dụng được nguồn nhân lực có chất lượng tốt nhất.

Thêm nữa, đòi hỏi về mặt chất lượng, trình độ của nguồn nhân lực điều dưỡng, hộ sinh được đào tạo ra có đáp ứng được với tình hình công việc của ngành điều dưỡng hộ sinh hiện nay hay không? Nếu không đáp ứng được yêu cầu của các cơ sở y tế thì các bạn sinh viên mới ra trường cũng không có cơ hội việc làm. Nguyên nhân nữa là liên quan đến thu nhập của khối điều dưỡng, hộ sinh chưa đáp ứng được nhu cầu cá nhân thì họ sẽ chuyển sang các ngành khác để đảm bảo cuộc sống”.

Cũng theo bà Dung, thời gian gò bó, áp lực công việc dẫn đến thiếu hụt nguồn nhân lực còn tùy thuộc vào từng cơ sở y tế, nếu cơ sở y tế quá thiếu hụt điều dưỡng, hộ sinh thì nhân viên bắt buộc phải gồng mình để làm việc. Nếu phải đi trực liên tục sẽ gây ảnh hưởng đến khung thời gian dành cho con cái, gia đình, trước áp lực đó thì có người sẽ tìm công việc khác phù hợp hơn để đảm bảo hạnh phúc gia đình.

Đưa ra giải pháp, bà Dung cho rằng: “Cần phải nghiêm ngặt ngay từ khâu đào tạo. Sau khi đào tạo thì họ phải được làm việc ở các cơ sở y tế có chất lượng, được kiểm soát, hướng dẫn và thực hành tốt”.

Năm 2030 sẽ thiếu ít nhất 40.000 điều đưỡng

“Việt Nam cần tăng cường đầu tư cho đào tạo điều dưỡng, bởi vì có nhiều khả năng đến năm 2030 nguồn nhân lực điều dưỡng tại Việt Nam sẽ thiếu khoảng 40 nghìn đến 50.000 người” - TS. Ki Dong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam.

T.L - H.Y