Thông tin từ Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) cho biết, trong tháng 3, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn tăng mạnh trở lại so với tháng 2.
Cụ thể, trong tháng 3 các doanh nghiệp trong nước xuất khẩu được 314.860 tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, trị giá 142,09 triệu USD, tăng 45,1% về lượng và tăng 47,6% về trị giá so với tháng 2; tăng 14,7% về lượng và tăng 35,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Thông tin trên báo Thanh Niên, thống kê lũy kế 3 tháng đầu năm nay, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 944.930 tấn, trị giá 430,44 triệu USD, giảm 3,3% về lượng nhưng tăng 15,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Về giá xuất khẩu, trong tháng 3/2024, giá bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 451,3 USD/tấn, tăng 1,7% so với tháng 2/2024 và tăng 18,2% so với tháng 3/2023. Lũy kế 3 tháng đầu năm nay, giá xuất khẩu bình quân sắn và các sản phẩm từ sắn đạt 455,5 USD/tấn, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm 2023.
Trong khi đó, giá tinh bột sắn xuất khẩu được các nhà máy Việt Nam chào bán ở mức 535-555 USD/tấn, FOB cảng thành phố Hồ Chí Minh. Giá tinh bột sắn giao tại Móng Cái và Lạng Sơn dao động ở mức 4.000-4.180 CNY/tấn.
Giá xuất khẩu sắt lát sang thị trường Trung Quốc ở mức 275 USD/tấn, FOB Quy Nhơn; giá xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khoảng 315 USD/tấn, FOB Quy Nhơn.
Phân tích cơ cấu thị trường từ Bộ Công thương và Tổng cục Hải quan, trong tháng 3, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam, chiếm 94,24% tổng lượng sắn xuất khẩu của cả nước, đạt 299.260 tấn, trị giá 133,56 triệu USD, tăng 50,7% về lượng và tăng 55,1% về trị giá so với tháng 2/2024.
Nếu so sánh với tháng 3/2023, xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 33,2% về lượng và tăng 59,6% về trị giá.
Trong 3 tháng đầu năm, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn lớn nhất của Việt Nam. Cụ thể, Trung Quốc đã nhập khẩu 890.550 nghìn tấn sắn và các sản phẩm từ sắn, tổng trị giá trên 400 triệu USD, tăng 20,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Dân Việt, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu sắn và tinh bột sắn lớn nhất thế giới. Theo số liệu thống kê của Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 371.930 tấn sắn lát, với trị giá 99,43 triệu USD, giảm 69,1% về lượng và giảm 69,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thái Lan, Việt Nam, Lào và Campuchia là 4 thị trường cung cấp sắn lát cho Trung Quốc. Đáng chú ý, lượng sắn lát nhập khẩu của Trung Quốc từ Thái Lan và Việt Nam giảm mạnh, trong khi nhập khẩu từ Lào và Campuchia lại tăng.
Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam là thị trường cung cấp sắn lát lớn thứ hai cho Trung Quốc, với 101.340 tấn, trị giá 26,63 triệu USD, giảm 39,3% về lượng và giảm 39,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần sắn lát của Việt Nam chiếm 27,25% trong tổng lượng nhập khẩu sắn lát của Trung Quốc, cao hơn so với mức 13,87% của 2 tháng đầu năm 2023.
Đối với mặt hàng tinh bột sắn, trong 2 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc nhập khẩu 584.540 tấn tinh bột sắn, trị giá 309,26 triệu USD, giảm 11,5% về lượng, nhưng tăng 3,2% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan, Việt Nam, Lào, Campuchia và Indonesia.
Trong đó, Việt Nam vượt Thái Lan trở thành thị trường lớn nhất cung cấp tinh bột sắn cho Trung Quốc trong 2 tháng đầu năm 2024, với 267.930 tấn, trị giá 137,94 triệu USD, giảm 6,1% về lượng, nhưng tăng 10,6% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Thị phần tinh bột sắn của Việt Nam chiếm 45,84% trong tổng lượng tinh bột sắn nhập khẩu của Trung Quốc, cao hơn so với mức 43,19% của 2 tháng đầu năm 2023.
Mặc dù nhu cầu từ thị trường Trung Quốc vẫn lớn nhưng theo Hiệp hội Sắn Việt Nam, hiện nhiều nhà máy đã nghỉ sản xuất do nguồn nguyên liệu về không đều. Dự báo, mùa hè năm 2024 đến sớm hơn năm 2023, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ sắn cho ngành thực phẩm chế biến trực tiếp từ sắn đang có tín hiệu giảm dần khi thời tiết nắng nóng ngay từ đầu tháng 4/2024.
Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn tổ chức thu mua sắn lát nhập kho với số lượng ít do dự báo năm 2024 đầu ra sắn lát tiêu thụ giảm (ước tính giảm trên 10% so với năm 2023). Do đó, một số doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này có định hướng khai thác mặt hàng nông sản khác đảm bảo chỉ tiêu kinh doanh cho doanh nghiệp.
Minh Hoa (t/h)