Tuổi trẻ không hối tiếc của Huyền Chip

Huyền Chip hẳn là một cái tên không còn mới mẻ với số đông độc giả. Bởi lẽ cách đây hơn 4 năm, khi ra mắt tập hai của cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”, cô đã phải đón nhận cơn giông bão dư luận. Bẵng đi một thời gian, Huyền Chip trở về. Cô vừa tốt nghiệp trường đại học Stanford danh giá của Mỹ với chuyên ngành Khoa học máy tính - Trí tuệ nhân tạo. Và qua bao sóng gió, Huyền Chip trở lại với con đường viết lách. Một ngày nắng đổ của tháng 5, cô ra mắt cuốn sách “Tuổi trẻ không hối tiếc”. 

Gặp Huyền Chip, điều gây ấn tượng với tôi là một cô gái đằm thắm, dịu dàng nhưng tốc độ nói thì như “bắn súng liên thanh”. Có một điều tôi thấy thiện cảm là trong những câu từ của Huyền Chip không có sự pha tạp giữa tiếng Việt và tiếng Anh.

Gặp lại cô gái từng gây ồn ào, náo nhiệt một thời trong làng sách, tôi chỉ muốn được hiểu hơn về công việc hiện tại, dự định tương lai. Nhưng nhìn vào mắt Chip, có điều gì đó thôi thúc tôi muốn hỏi cô nhiều hơn về những ngày tháng sau lùm xùm về cuốn sách “Xách ba lô lên và đi”. Huyền Chip kể, khi bị nghi ngờ, cô đã nổi cáu theo kiểu “sao dám nghi ngờ tôi”. Sự tức giận khiến cô ăn nói cộc lốc, khiến cho nhiều người nghĩ rằng cô không tôn trọng độc giả, hay đơn giản là ghét cô vì ghét cái thái độ.

Huyền Chip giãi bày: “Khi trong một cuộc tranh luận mà có rất nhiều đối phương đang tấn công tôi rất nặng nề. Và sau đó tôi đáp trả lại thì những lời nói lúc đó có phần bị chi phối bởi cảm xúc tại thời điểm nói. Tôi có thể hiểu vì sao dư luận lại nói tôi như vậy, và bản thân cũng thừa nhận thời điểm đó bản thân có phần trẻ con và hiếu thắng. Nhưng nó chỉ là một phần của bức tranh và không đủ để nói về toàn cảnh của bức tranh đó. Cũng như những lời nói đó không đủ sức mạnh để nói lên toàn bộ con người của mình”.

Hồi ấy, Chip luôn nghĩ rằng, con người nói chuyện với nhau là phải bình đẳng. Nhưng ở Việt Nam có quan niệm kính lão đắc thọ, nói chuyện với người lớn tuổi thì phải đặt họ lên trên mình. Nhưng bản thân cô thì không suy nghĩ như vậy. “Thế nên, nhiều người lớn tuổi nói chuyện mà tôi muốn trao đổi bình đẳng như vậy thì họ không chấp nhận được”, Chip tâm sự.

Hiện tại, Chip nhận ra, cô đã hiểu ra rằng một khi đã chọn ra mắt sách, bất cứ ai cũng có quyền nghi ngờ cô. Tất cả chúng ta đều có quyền đặt câu hỏi về những thông tin mà họ nhận được, và chúng ta nên làm như thế để xác định thông tin đó là đúng hay sai. Chip nói: “Bây giờ, nếu gặp phải trường hợp đó, tôi sẽ lắng nghe người phản đối trước, chấp nhận rằng phản đối của họ là có lý, thay vì cố gắng thanh minh cho bản thân”.

So với Chip của trước đây và Chip của hiện tại, cô nói: “Tôi nghĩ bản thân tôi đã thay đổi rất nhiều. Sống trên đời là phải không ngừng thay đổi để hoàn thiện, nếu không thay đổi thì chúng ta cứ mãi giậm chân tại chỗ phải không? Giờ đây, tôi đã bớt được ‘cái tôi’ đi khá nhiều”.

Huyền Chip kể: “Từ những năm tháng cấp ba, tôi luôn muốn đi du học. Và đại học Stanford là giấc mơ của tôi. Lần đầu tiên, tôi nộp đơn vào Stanford nhưng đã bị từ chối. Tôi quyết định đi du lịch nhưng đi đây đi đó một thời gian tôi lại quên bẵng đi cái điều mà tôi luôn ấp ủ đó. Rồi trải qua ngần ấy chuyện ồn ào, tôi nhận ra là bản thân cần phải học hỏi rất nhiều điều hơn nữa và cái tôi cần là một môi trường để ngày nào cũng được học. Đó là lý do tôi quyết định đi du học”.

Và lần thứ 2 nộp đơn, giữa tháng 10 đến cuối tháng 12/2013, cô chuẩn bị bộ hồ sơ du học. Cuối tháng 3/2014, Huyền Chip nhận tin trúng tuyển đại học Stanford.

“Tôi nghĩ cái tôi cần là học và tôi muốn được học hỏi thêm nhiều điều. Còn những áp lực từ dư luận ngày đó, tôi nhận ra rằng những điều dư luận nói ngày đó là do họ không đồng tình với cách suy nghĩ của tôi và đó là điều tôi phải chấp nhận, bởi vì tôi không thể khiến người khác sống theo cách của mình, suy nghĩ theo cách tôi nghĩ được”, Huyền chia sẻ.

4 năm học tại ngôi trường danh giá Stanford, kỷ niệm khiến Huyền Chip ấn tượng sâu đậm nhất là khi cô khởi tạo và dạy một khóa học khi còn đang học năm thứ 3. “Khi đó tôi cũng khá là lo sợ bởi tôi mới chỉ là sinh viên năm 3 thôi, trong khi đó những học viên của tôi hầu hết là thạc sĩ và tiến sĩ, những người có học vị cao hơn mình.

Thời điểm đó, tôi nhận được sự ủng hộ từ rất nhiều người để tiếp tục hoàn thiện giáo trình tôi biên soạn và giảng dạy cho khóa học. Nhờ nhận được sự ủng hộ của những người xung quanh nên tôi đã thành công. Đó là kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi, nó khiến tôi lo lắng nhiều nhất nhưng cũng là một kỷ niệm khiến tôi vui nhất và nhớ mãi”.

4 năm ở trời Tây đối với Chip không chỉ có niềm vui mà còn rất nhiều cung bậc cảm xúc. Chip giãi bày trong cuốn sách “Tuổi trẻ không hối tiếc” rằng: “Ngày còn nhỏ, sinh sống ở một ngôi làng chưa ai từng đi ra nước ngoài, tôi đã từng nghĩ rằng du học là một điều gì đó vi diệu lắm”. Thế rồi, những năm tháng học tập, sinh sống ở nước ngoài Chip mới nhận ra: “Đời du học không như là mơ”. Từ việc giao du với bạn bè, nơi ở, ăn uống, sinh hoạt, cả thời tiết … tất cả mọi thứ đều không dễ dàng.

Đặc biệt, với mỗi người con khi xa quê, lúc ốm đau lại là lúc khiến con người ta yếu đuối, nhớ nhà nhiều nhất và chỉ chực muốn khóc. Và với Chip, chuyện đó cũng không ngoại lệ. Cô kể: “Có lần tôi ốm, đói muốn chết mà không nấu ăn được, cũng không thể gọi đồ ăn về nhà vì tôi yếu đến mức không đi mấy tầng cầu thang xuống nhà mở cửa cho người giao hàng. Tôi không muốn gọi bạn bè vì bên này, ai cũng bận rộn và không ai muốn trở thành gánh nặng cho người khác.

Muốn gặp bạn bè thường phải nhắn tin hẹn trước cả mấy ngày chứ đâu phải muốn gặp là gặp. Thế là tôi nằm trên giường, uống một đống thuốc giảm đau rồi cố ngủ lấy lại sức. Lúc đấy tôi tủi thân lắm, cứ ước giá mà ở Việt Nam thì thế nào cũng có người đến nấu cháo cho mình”.

Chip chia sẻ: “Tôi kể những mặt không hào nhoáng lắm của việc du học không phải để doạ mọi người đừng đi du học, mà để mọi người hiểu rõ hơn điều gì chờ đợi ở phía bên kia biên giới, tránh những tiếc nuối gây ra bởi sự thiếu thông tin.

Trải nghiệm du học mỗi người mỗi khác, mỗi nơi mỗi khác, mỗi trường mỗi khác. Có khi hai người Việt học cùng trường với nhau nhưng có trải nghiệm hoàn toàn khác nhau. Du học cũng như sống ở bất cứ đâu, trải nghiệm phụ thuộc rất nhiều vào con người bạn tương tác. Nếu bạn có được những người bạn tốt thì ở Bắc Cực có khi cũng vui”.

Rời quê nhà Nam Định, đi xa đất nước Việt Nam đến một mảnh đất hoàn toàn xa lạ, bỏ lại “giông bão” về lùm xùm ra mắt sách, gia đình đã gánh cho Huyền Chip những trận “cuồng phong”. Chip kể: “Thời điểm đó, tôi không ở Việt Nam nhiều, tôi không phải nghe những lời đàm tiếu. Nhưng bố mẹ tôi ở quê nhà, họ thay tôi đối mặt với những lời đàm tiếu đặc biệt là từ những người tung ra tin đồn không hay về tôi. Còn những người ở trong khu tôi ở, họ sống với tôi từ bé nên họ hiểu tôi là người như thế nào. Vậy nên họ cũng dành cho tôi những lời ủng hộ.

Điều khiến Huyền có thể vững tâm bước qua “giông bão” đi đến một bầu trời khác ấy chính là bố mẹ. “Khi chuyện xảy ra, bố mẹ không trách tôi bởi bản thân tôi cũng đã phải chịu nhiều ảnh hưởng từ dư luận. Bố mẹ không trút giận lên tôi. Thậm chí, họ còn không muốn tôi biết về lời đàm tiếu. Họ không muốn để tôi phải lo lắng hơn. Sau khi mọi chuyện đã qua, bố mẹ nhắc lại thì tôi mới biết. Bố mẹ là nguồn động lực lớn nhất của tôi”, Huyền Chip trải lòng.

Chính nguồn động lực lớn lao đó đã giúp cô theo đuổi đam mê của mình. Chip tâm sự: “Tôi là người có nhiều đam mê, không chỉ riêng viết lách mà còn đam mê cả công nghệ. Vì thế, tôi cố gắng làm cả hai đam mê đó, tích cực nghiên cứu chuyên ngành khoa học máy tính và khi có thời gian tôi lại viết lách”.

Không chỉ có công nghệ và viết lách, Huyền Chip còn thích chu du đây đó. “Tôi thích đi, tôi đi không đơn thuần chỉ để thỏa mãn tính tò mò hay để được giải trí, mà nó còn giúp cho tôi biết rất nhiều điều về thế giới. Khi tôi đi nhiều như vậy tôi hiểu được thế giới hơn, và cũng hiểu chính tôi hơn”, Huyền Chip tâm sự. 

Kết thúc chương trình chuyên ngành Khoa học máy tính - Trí tuệ nhân tạo tại trường đại học Stanford, Huyền Chip đã có chuyến thăm những thành phố của Mỹ và bắt tay vào dự định mới của mình. “Tôi sẽ thực hiện một cuốn sách về khoa học kỹ thuật bằng tiếng Anh với một nhà xuất bản của Mỹ, và dự kiến ra mắt vào khoảng đầu năm 2019. Tôi cũng đang có dự định làm một cuốn sách về những con người làm trong ngành trí tuệ nhân tạo”.

Và khi hỏi về cuốn sách “Tuổi trẻ không hối tiếc” Huyền Chip nói: “Thông điệp mà tôi muốn gửi đến là sự độc lập, không chỉ độc lập về tài chính mà còn độc lập trong suy nghĩ khi đưa ra quyết định của chính bản thân tôi chứ không phải quyết định của người khác áp đặt lên mình”.