Tại buổi gặp mặt, ông Đặng Hà Việt – Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Việt Nam, cũng là Trưởng đoàn thể thao Việt Nam cho biết tính đến ngày 12/5, đoàn thể thao Việt Nam đã giành được 71 huy chương vàng, tạm thời xếp đầu bảng tổng sắp huy chương. Đoàn Việt Nam còn phá 4 kỷ lục SEA Games ở môn bơi và môn lặn. Trong đó kình ngư Phạm Thanh Bảo phá 2 kỷ lục ở cự ly 100m và 200m bơi ếch.
Dự báo về khả năng đoạt huy chương trong những ngày thi đấu còn lại, Trưởng đoàn thể thao Việt Nam nhận định, chúng ta có thể sẽ giành thêm khoảng 30-40 HCV. Trong đó, dự kiến nhóm môn Olympic sẽ giành thêm 19 HCV, nhóm môn Asiad và SEA Games sẽ giành 15 HCV.
Tại SEA Games 32, một số môn thế mạnh của Việt Nam như điền kinh, bơi lội hay Vovinam,… đã kết thúc nhưng chưa hoàn thành được chỉ tiêu đề ra trước đại hội. Về việc này, Trưởng đoàn Đặng Hà Việt cùng hai Phó đoàn là ông Hoàng Quốc Vinh và ông Ngô Ích Quân cho biết:
“So với chỉ tiêu huy chương đã đoạt được tại SEA Games 31 thì các môn này chưa hoàn thành chỉ tiêu huy chương nhưng đó là kỳ SEA Games, chúng ta gặp khá nhiều thuận lợi do Việt Nam sớm khống chế đại dịch Covid-19 nên có sự chuẩn bị về lực lượng tốt hơn các nước.
Bên cạnh đó do lịch thi đấu năm nay được điều chỉnh liên tục nên VĐV của chúng ta bị mất vàng ở khá nhiều nội dung như ở môn Bơi, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng phải tranh chung kết liên tiếp 2 nội dung bơi bướm 200m nam và 400m bơi tự do nam với quãng nghỉ chỉ tầm 10 phút. Khi thi đấu, Hoàng chỉ kịp lên khỏi đường bơi rồi lại vội vàng xuống bơi tiếp nên không thể đủ thể lực đoạt HCV ở 2 nội dung quá sát nhau. Bên cạnh đó các VĐV Việt Nam cũng phải đối mặt với các VĐV nhập tịch của các nước nên chúng ta cũng hụt mất số lượng huy chương đáng kể trong những ngày thi đấu vừa qua.”
“Đoàn thể thao Việt Nam đã có những tính toán riêng về chuyên môn để phù hợp với chiến lược phát triển lâu dài. SEA Games là một nhiệm vụ quan trọng nhưng phía trước là Asiad, Olympic, đó là những đấu trường khốc liệt hơn rất nhiều và phải tập trung tối đa”, đại diện đoàn thể thao Việt Nam cho hay.
Khi được truyền thông đặt câu hỏi là tìm cách nào để các vận động viên được nâng cao thu nhập. Ông Đặng Hà Việt cho biết đây là việc rất quan trọng. Một VĐV tài năng thì tố chất đặc biệt, thông minh và trí tuệ. Họ có nhiều chọn lựa nghề nghiệp và các ngành khác để lo cho đời sống. Nếu ngành thể thao không mang lại đảm bảo cuộc sống ổn định thì càng ngày càng khó tuyển chọn người đi theo lĩnh vực này.
Trước câu hỏi về việc hụt mất huy chương vào tay các VĐV nhập tịch của nước bạn và chủ trương của chúng ta là gì, ông Đặng Hà Việt nhấn mạnh quan điểm của Đảng, Nhà nước và ngành Thể thao là sẽ không nhập tịch các VĐV không có dòng máu Việt Nam. Các VĐV là Việt Kiều nếu muốn về cống hiến cho quê hương thì sẽ được chào đón và tạo điều kiện. Như trường hợp của chị em Trương Thảo My và Trương Thảo Vy ở môn bóng rổ có cha là người Việt Nam. Các VĐV Việt kiều cũng là một trong những nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển của thể thao Việt Nam.
Nguyễn Bằng (từ Phnom Penh)