Vướng mắc khi không thể hủy bỏ hợp đồng đã công chứng

Vướng mắc khi không thể hủy bỏ hợp đồng đã công chứng

Thứ 6, 08/03/2013 | 14:28
0
Đó là trường hợp của gia đình anh Nguyễn Văn A. Bố mẹ A có chia đất cho hai anh em và hợp đồng tặng cho này được UBND xã X chứng thực vào hợp đồng theo quy định của pháp luật (thời điểm UBND xã có thẩm quyền chứng thực hợp đồng).

Nhưng sau khi Luật công chứng 2006 đã có hiệu lực thì anh em A lại muốn yêu cầu hủy bỏ hợp đồng đã chứng thực tại UBND xã trước đó. Khi gia đình A liên hệ với UBND xã X thì UBND xã từ chối việc hủy bỏ do không còn có thẩm quyền nữa và tư vấn nên liên hệ với Phòng công chứng ở địa phương. Gia đình A lại mang hồ sơ đến Phòng công chứng, tuy nhiên trưởng phòng công chứng cũng từ chối thực hiện với lý do trách nhiệm hủy bỏ thuộc về nơi chứng thực ban đầu.

Luật sư - Vướng mắc khi không thể hủy bỏ hợp đồng đã công chứng

Ảnh minh họa

Thực tế hợp đồng tặng cho của gia đinh anh A được chứng thực tại UBND xã X là thực hiện theo quy định của Nghị định cũ (NĐ75/2000/NĐ-CP) của chính phủ. Hiện nay, Luật công chứng và nghị định 79/2007/NĐ-CP đã phân biệt rõ ràng hai thủ tục công chứng và chứng thực. Theo đó, việc công chứng các hợp đồng, giao dịch theo quy định của pháp luật được chuyển giao cho các tổ chức công chứng còn UBND xã chỉ có thẩm quyền cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực sao từ bản chính hoặc chứng thực chữ ký.

Theo quy định trước đây tại Điều 44, Nghị định 75/2000/NĐ-CP về việc hủy hợp đồng theo yêu cầu của anh A thì:  đối với hợp đồng đã được công chứng, chứng thực, thì việc sửa đổi, bổ sung một phần hoặc toàn bộ hợp đồng đó cũng phải được công chứng, chứng thực và việc công chứng, chứng thực đó có thể được thực hiện tại bất kỳ cơ quan nhà nước có thẩm quyền công chứng, chứng thực nào, trừ trường hợp quy định tại Điều 23 của Nghị định này (thẩm quyền địa hạt của cơ quan công chứng, chứng thực khi công chứng, chứng thực hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản trong địa phương).Quy định trên cũng được áp dụng đối với việc huỷ bỏ hợp đồng, nếu các bên giao kết yêu cầu công chứng, chứng thực việc huỷ bỏ hợp đồng đó.

Như vậy, nếu theo Nghị định số 75/2000/NĐ-CP thì khi hủy hợp đồng, giao dịch, người yêu cầu công chứng có thể yêu cầu tại bất kỳ cơ quan công chứng, chứng thực nào mà không phụ thuộc vào việc hợp đồng trước đó được công chứng, chứng thực ở đâu.

Nhưng Luật Công chứng 2006 đã quy định lại vấn đề hủy hợp đồng như sau:

Việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thoả thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng, giao dịch đó và phải được công chứng.

Người thực hiện việc công chứng sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch phải là công chứng viên của tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng đó. Trường hợp tổ chức hành nghề công chứng đã thực hiện việc công chứng chấm dứt hoạt động hoặc giải thể thì công chứng viên thuộc tổ chức hành nghề công chứng đang lưu trữ hồ sơ công chứng thực hiện việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch.

Trở lại với trường hợp của anh A, thực tế hiện nay chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Việc từ chối hủy bỏ hợp đồng chứng thực của UBND xã là hoàn toàn không trái luật bởi lẽ từ khi Luật công chứng có hiệu lực UBND xã không còn thẩm quyền chức thực giao dịch tương tự như của anh A nữa. Trong khi đó Phòng công chứng, Văn phòng công chứng cũng không thể hủy bỏ giao dịch mà UBND xã đã chứng thực.

Đây là một trong những trường hợp thực tế mà người dân đang vấp phải và không có hướng giải quyết. Thiết nghĩ cơ quan chức năng có thẩm quyền cần xem xét và có hướng dẫn cụ thể cho người dân, đề tình trạng này không còn xảy ra nữa và người dân sẽ không gặp khó khăn khi muốn hủy bỏ hợp đồng mà mình đã ký.

Luật gia Giang Quyết

Mua nhà không công chứng, ai chịu trách nhiệm?

Thứ 6, 28/12/2012 | 00:06
Mới đây, Bộ Xây dựng đã đưa ra đề xuất sẽ có 7 loại hợp đồng giao dịch nhà ở không còn bắt buộc phải qua công chứng, chứng thực...Đề xuất này khi được đưa ra chưa hiểu nó sẽ làm đơn giản hóa thủ tục hành chính đến đâu. Nhưng thực tế nhiều người đã tỏ ra lo ngại đến những rủi ro có thể vấp phải.

Không hoạt động liên tục 3 tháng sẽ thu hồi giấy phép

Thứ 4, 20/02/2013 | 10:11
Nghị định nêu rõ văn phòng công chứng không hoạt động trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký hoạt động hoặc Văn phòng không hoạt động liên tục từ 3 tháng trở lên thì Sở Tư pháp sẽ thu hồi Giấy đăng ký hoạt động của văn phòng.

Nóng bình luận về phạt người đội mũ bảo hiểm rởm

Thứ 3, 05/03/2013 | 15:53
Nhiều bạn đọc đặt dấu hỏi liệu phạt người đi đường khi sử dụng mũ bảo hiểm không đạt tiêu chuẩn kỹ thuật vào lúc này đã hợp lý?