Xe đạp và ô tô – cái nào “đi ẩu” hơn?

Chúng ta thường đổ lỗi cho xe hơi là phương tiện gây ra những vấn đề giao thông. Nhưng, câu chuyện sẽ không đơn giản nằm ở phương tiện.

Thủ đô Berlin của Đức từ lâu đã được biết đến là một thành phố ưa chuộng xe đạp. Là một đô thị hiện đại, số lượng ô tô ở Berlin luôn trong tình trạng quá tải trên đường phố. Vậy nên, kêu gọi người dân chuyển sang sử dụng xe đạp để di chuyển đã từng được coi là một giải pháp đúng đắn. Không chỉ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, giảm tải luồng giao thông đông đúc, đạp xe còn được đánh giá là giúp nâng cao sức khỏe.

Thế nhưng, với người dân Berlin, xe đạp – phương tiện tưởng chừng rất vô hại - đang ngày càng trở thành cơn ác mộng trên đường phố. Kể từ đầu năm đến nay, do dịch Covid-19 bùng phát, lượng người Berlin đạp xe đi làm hay đi mua sắm đã tăng khoảng 25%. Số người đạp xe ngày càng tăng ở Berlin thời Covid-19 gây bức xúc do ý thức chấp hành luật kém và thường xuyên gây tai nạn.

Trong khung giờ cao điểm buổi sáng ở Berlin, dòng người đạp xe liên tục băng qua các con phố trung tâm, luồn lách qua dòng người, gây nguy hiểm cho người đi bộ. Giới chức thành phố đã ghi nhận số vụ vi phạm của người đi xe đạp cũng như số vụ khiếu nại từ người đi bộ tăng mạnh.

Theo số liệu thống kê ở Berlin, hơn 50% tổng số vụ tai nạn giao thông liên quan tới người đi xe đạp là do chính người đi xe gây ra. Trong đó, có 17 người đi xe đạp đã thiệt mạng vì tai nạn giao thông ở thành phố năm nay, cao hơn 11 người so với năm 2019. Tình trạng báo động này khiến giới chức thành phố có ý định đưa ra quy định đăng ký xe đạp bắt buộc để dễ bề quản lý.

Theo AFP, Berlin hiện có khoảng ba triệu xe đạp, trong khi chỉ có khoảng 1,1 triệu ô tô đăng ký. Chỉ 3% không gian trong thành phố dành cho người đi xe đạp, nhưng người đi xe đạp lại chiếm tới 18% lưu lượng giao thông. Trong thời gian tới, Berlin có thể gia tăng hình phạt đối với người đi xe đạp ý thức kém. Cảnh sát Berlin đang tăng cường triển khai các sĩ quan đạp xe tuần tra quanh thành phố để đảm bảo tình hình đi vào khuôn khổ.

Nhìn vào các đô thị lớn ở Việt Nam, chúng ta lại thấy một hình ảnh khá tương phản. Các quốc gia châu Âu ngày nay đã bão hòa xe hơi trên đường phố, người dân đã chuyển sang các loại hình di chuyển mang tính truyền thống hơn như xe đạp. Còn như ở Hà Nội hay TP. HCM, có thể thấy xe đạp đang trở thành phương tiện hiếm hoi, trong khi số lượng xe hơi tăng lên một cách nhanh chóng, ngập tràn trên các tuyến đường, và tất nhiên cũng trở thành vấn đề nan giải đối với quy hoạch và quản lý.

Ô tô đi ẩu, lấn làn của xe máy, hay đỗ tràn lan gây ách tắc đã trở thành câu chuyện thường ngày được báo chí phản ánh, người đi đường bức xúc. Mới đây, một đoạn video đăng tải cảnh xe cảnh sát giao thông ở Hà Nội phải dùng loa chấn chỉnh các ôtô chạy lấn làn xe máy khiến giao thông ùn ứ đã gây sự chú ý trên mạng xã hội.

Theo đó, đoạn đường trong video có một xe ôtô gặp sự cố buộc phải dừng ở làn xe máy khiến giao thông bị cản trở. Tuy nhiên, để nhanh chóng đi qua đoạn đường đông đúc, nhiều tài xế ôtô ngang nhiên lấn sang làn xe máy khiến dòng xe cộ đã tắc lại càng thêm hỗn loạn.

Đúng lúc này, một xe cảnh sát giao thông xuất hiện, dùng loa phóng thanh nhắc nhở ôtô quay trở lại làn của mình, giải phóng đường đi cho xe máy. "Bằng D, bằng E rồi nhưng mà không biết lái xe, vi phạm Luật Giao thông nghiêm trọng", "xe thì đẹp nhưng đi không đúng luật đâu", "xe máy đi vào làn trong, không ra làn ôtô"... Những tiếng nhắc nhở bằng loa liên tục phát ra từ xe cảnh sát giao thông có lẽ khiến các tài xế kém ý thức phải cảm thấy đỏ mặt, nên nhanh chóng trở lại đúng phần đường quy định.

Chúng ta đã nói về sự tăng trưởng quá nóng của xe hơi, chỉ trích loại phương tiện này gây tắc đường, tai nạn giao thông. Nhưng, nếu so sánh với câu chuyện Berlin ở trên, cái nhìn này có vẻ còn cực đoan và phiến diện. Ngay cả một quốc gia văn minh như Đức, người dân đi phương tiện “hiền lành” như xe đạp cũng cho thấy cách tham gia giao thông của họ cũng không được chuẩn mực.

Nên suy cho cùng, tất cả cũng vẫn nằm ở ý thức. Ô tô hay xe đạp, xe máy cũng chỉ là phương tiện mà mỗi cá nhân tham gia giao thông điều khiển trên đường. Chiếc xe di chuyển chính là phản ánh ý chí của người lái. Dù là nhấn chân ga hay nhấn bàn đạp, hai bánh hay bốn bánh thì một khi đã ẩu thì đều là có vấn đề.

Clip: Hàng chục thiếu niên đi xe đạp đập phá xe BMW giữa phố

Thứ 7, 02/01/2021 | 09:34
Sau khi xảy ra va chạm, hàng chục thiếu niên đi xe đạp đã lao vào đập phá chiếc xe BMW X5 ngay giữa phố khiến tài xế sợ hãi.