Xử lý hàng nghìn xe vi phạm do người dân “bỏ của chạy lấy người”

Xử lý hàng nghìn xe vi phạm do người dân “bỏ của chạy lấy người”

Duong Quang Sơn

Duong Quang Sơn

Thứ 5, 30/11/2017 07:00

Nhiều người vi phạm luật bị giữ xe nhưng sau đó đã không đến làm thủ tục nhận lại xe vì mức phạt cao hơn giá trị xe.

Phòng CSGT đường bộ - đường sắt (PC67, Công an TP.HCM) cho biết, đơn vị đang tạm giữ hành chính hơn 8.500 phương tiện các loại theo quy định. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại có tới 8.000 phương tiện đã quá thời hạn tạm giữ theo quy định mà người vi phạm không đến nhận.

Theo quy định, đối với phương tiện vi phạm hành chính đã quá thời hạn tạm giữ mà không biết rõ chủ sở hữu, người quản lý, người sử dụng hợp pháp hoặc những người này không đến giải quyết để nhận lại phương tiện vi phạm hành chính thì PC67 sẽ tiến hành các thủ tục để ra quyết định tịch thu phương tiện sung vào công quỹ Nhà nước.

An ninh - Hình sự - Xử lý hàng nghìn xe vi phạm do người dân “bỏ của chạy lấy người”

Nhiều phương tiện vi phạm bị công an tạm giữ nhưng chủ nhân không đến nhận

Tại Hà Nội, đến tháng 9/2017, PC67 đã kiểm tra xử lý trên 144.000 trường hợp vi phạm về trật tự, an toàn giao thông, xử phạt hành chính trên 42 tỷ đồng, tạm giữ trên 4.600 phương tiện.

Phối hợp với đơn vị khác để xử lý

Thiếu tá Nguyễn Thái Học, Đội trưởng đội CSGT, Công an TP.Hải Dương (tỉnh Hải Dương) cho biết, trên địa bàn TP hàng năm xử lý hàng nghìn trường hợp xe vi phạm quá thời gian quy định nhưng chủ phương tiện không đến lấy. Phía CSGT phối hợp với đội Điều tra tổng hợp công an TP xử lý giải quyết. Do các phương tiện cũ nát, không giấy tờ nên nhiều người vi phạm đã bỏ không đến lấy hoặc các xe vi phạm không có giá trị, nếu đến lấy thì mức đóng phạt và phí gấp nhiều lần giá trị xe. Đến thời điểm này, phía TP còn tồn khoảng 200 xe chưa thanh lý.

Đại tá Đỗ Văn Huyền, Trưởng phòng CSGT (PC67) Công an tỉnh Bắc Giang cho biết, sau khi bị tạm giữ phương tiện, hầu hết các chủ phương tiện đã đến trụ sở CSGT để làm thủ tục nộp phạt, nhận lại phương tiện, giấy tờ. Song cũng có trường hợp “bỏ của chạy lấy người”.

Nguyên nhân là một số hành vi vi phạm phải chịu mức xử phạt khá cao. Bên cạnh đó, chủ phương tiện phải chịu mọi chi phí cho việc lưu giữ nên người vi phạm sẵn sàng từ bỏ trách nhiệm, nhất là khi giá trị phương tiện không cao.

Ví dụ, giá trị chiếc xe vi phạm chỉ khoảng hơn 1 triệu đồng, trong khi tiền nộp phạt lên tới 2 triệu đồng thì người ta sẵn sàng bỏ xe. Trong nhiều trường hợp, phương tiện thuộc diện mua đi bán lại nhiều lần, không đủ giấy tờ hợp pháp, chủ xe cũng sẵn sàng bỏ.

Hoặc cũng có những xe nghi là tài sản bất minh, trộm cắp, không có giấy tờ thì người vi phạm cũng không dám đến nộp phạt và làm thủ tục nhận lại xe… Do đó, cơ quan công an sẽ ra thông báo theo quy định, nếu người vi phạm không đến nhận lại xe thì tỉnh sẽ thành lập hội đồng thanh lý.

An ninh - Hình sự - Xử lý hàng nghìn xe vi phạm do người dân “bỏ của chạy lấy người” (Hình 2).

Đại tá Huyền, Trưởng phòng PC 67 công an Bắc Giang

“Những năm gần đây, năm nào PC67 Công an tỉnh Bắc Giang cũng rà soát, tổ chức thanh lý một đợt phương tiện giao thông vi phạm bị tạm giữ mà không có người tới nhận. Năm 2017, PC67 cũng vừa ký công văn đề nghị Giám đốc công an tỉnh giao phòng Kỹ thuật hình sự tổ chức giám định các xe, sau đó làm các thủ tục báo cáo tỉnh thành lập hội đồng thanh lý”, Đại tá Đỗ Văn Huyền chia sẻ.

Theo khảo sát của PV, tại các tỉnh thành có diện tích nhỏ, lượng người tham gia giao thông không lớn thì việc xử lý, thanh lý các phương tiện này không gặp nhiều khó khăn. Còn tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM thì việc này cũng gặp phải một số vướng mắc.

“Để có thể đấu giá và sung quỹ số phương tiện “vô chủ”, quá trình tiến hành xác minh rất mất thời gian. Mỗi trường hợp thời gian xác minh nhanh thì một tháng, lâu thì tới nửa năm. Ngoài ra, một số phương tiện chỉ có giá trị như bán sắt vụn, dù không đủ điều kiện kỹ thuật để tham gia giao thông, nhưng về luật, vẫn phải tiến hành đầy đủ các bước thủ tục...

Để giải quyết tình trạng tồn đọng của phương tiện vi phạm hành chính “vô chủ”, cần có sự tham gia tích cực của các sở, ngành, đơn vị liên quan chứ không chỉ riêng cơ quan công an. Hành lang pháp lý phải hướng tới mục tiêu “thông thoáng”, từ thành lập hội đồng bán đấu giá hoặc thanh lý đến việc định giá phải nhanh gọn, chuyên nghiệp”, một lãnh đạo PC67 công an Hà Nội chia sẻ.

3 tháng tiến hành thanh lý một lần

Đại úy Hà Tiến Dũng, Đội trưởng đội CSGT, Công an TP.Việt Trì (Phú Thọ) cho biết, công an TP thực hiện việc thanh lý xe quá hạn do người vi phạm không đến lấy theo quy định. Các phương tiện bị tạm giữ của CSGT, CSTT, của cơ quan điều tra sẽ được tập hợp, khoảng 3 đến 4 tháng sẽ tiến hành thanh lý một lần.

“Địa bàn TP.Việt Trì cũng không quá rộng, mỗi năm công an TP tiến hành thanh lý khoảng vài trăm xe theo đúng quy định của pháp luật”, Đại úy Dũng thông tin thêm.

Chí Công - Xuân Hòa

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.