Xử lý những người Trung Quốc không giấy tờ, không hộ chiếu ở Đà Nẵng, Quảng Nam thế nào?

Huy Cường

Lực lượng chức năng TP.Đà Nẵng và Quảng Nam vừa phát hiện 45 người Trung Quốc không có giấy tờ tùy thân lẫn hộ chiếu. Vậy những đối tượng này sẽ bị xử lý như thế nào?

Hàng loạt người Trung Quốc không có giấy tờ, hộ chiếu

Sáng 21/7, trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, bác sĩ Phạm Hồng Nam, Giám đốc trung tâm Y tế quận Sơn Trà cho biết, đơn vị đang phối hợp lực lượng chức năng tổ chức cách ly, giám sát, theo dõi sức khỏe 24 người Trung Quốc trên địa bàn.

Trước đó, ngày 18/7, lực lượng chức năng phát hiện 24 người Trung Quốc xuất hiện ở TP.Đà Nẵng. Trước diễn biến phức tạp của covid-19, nhóm người Trung Quốc được cơ quan chức năng đưa về cách ly tập trung, theo dõi sức khỏe tại 1 khách sạn trên đường Loseby.

Đại diện Công an quận Sơn Trà cho hay, đơn vị đang phối hợp các đơn vị liên quan, làm rõ nhóm người này đến từ đâu, có tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch hay không.

Tất cả 24 người này đã được trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.Đà Nẵng (CDC) lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Hiện, sức khoẻ của những người này đều ổn định.

Trong khi đó, bà Trần Thị Thanh Tâm, Chủ tịch UBND quận Sơn Trà thông tin, nhóm người này nhập cảnh vào TP.Đà Nẵng từ 17/7. Sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã đưa tất cả đi cách ly.

Trước đó, tại tỉnh Quảng Nam, cơ quan chức năng cũng phát hiện 21 người Trung Quốc lưu trú bất hợp pháp. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Điện Dương, thị xã Điện Bàn cho biết, nhóm 21 người Trung Quốc được phát hiện lưu trú tại H.M Beach Villa. Họ vào đây lưu trú từ ngày 14/7. Sau 5 ngày, cơ quan chức năng mới phát hiện, đưa vào khu cách ly. Theo điều tra ban đầu, họ từ Trung Quốc vào Việt Nam bằng con đường tiểu ngạch, trái phép.

Hiện, cơ quan chức năng đã xác định 4 người đến từ tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc và 17 người còn lại chưa rõ tỉnh, thành cụ thể. Tất cả đang được cách ly tập trung tại trung tâm Phòng chống dịch covid-19 đóng tại Trung đoàn 885, xã Tam Phú, TP.Tam Kỳ.

Khi phát hiện nhóm người Trung Quốc, cơ quan chức năng đã lập biên bản, xử lý chủ H.M Beach Villa về hành vi tiếp nhận người nước ngoài nhưng không khai báo lưu trú theo quy định.

Ông Nguyễn Xuân Hà, Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn xác nhận với PV, công an địa phương đã lập biên bản đối với chủ cơ sở lưu trú và đang củng cố hồ sơ xử phạt với mức cao nhất vì có hành vi chứa chấp người tạm trú không có giấy tờ tùy thân, đặc biệt là người nước ngoài. “Quan điểm của chúng tôi là xử lý mạnh, triệt để”, ông Hà nói.

Một vị lãnh đạo khác của UBND thị xã Điện Bàn cho hay, đến nay vẫn chưa biết vì sao nhóm người này đến được địa bàn vì họ không có bất kỳ giấy tờ, hộ chiếu nào. Để ngăn chặn những trường hợp tương tự, địa phương đã đề nghị lực lượng công an tăng cường công tác, kiểm tra, xử lý về hộ tịch, hộ khẩu, tạm trú, tạm vắng trên địa bàn.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Hai, Giám đốc sở Y tế tỉnh Quảng Nam cho biết: “Ngay khi tiếp nhận thông tin từ phía công an, ngành y tế đã vào cuộc. Công tác tổ chức cách ly được diễn ra nhanh chóng. Đây là sự việc được dư luận nên sở làm gấp rút. Trong đó đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn y tế, tổ chức cách ly.

Đến nay nhận được kết quả 21 mẫu đều âm tính nên thông báo rộng rãi cho người dân an tâm. Việc còn lại các cơ quan chức năng khác sẽ làm rõ họ đi lại, ăn ở ra sao trong thời gian qua. Ngành y tế cũng sẽ tiếp tục nắm thông tin cụ thể để tăng cường công tác giám sát”.

Xử lý thế nào?

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV, luật sư Phạm Ngọc Hải, đoàn Luật sư TP.Đà Nẵng cho biết, đối với nhóm người Trung Quốc nếu xác định là nhập cảnh trái phép vào Việt Nam thì có thể xử phạt vi phạm hành chính theo khoản 5 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Ngoài ra, nhóm người này còn có thể bị áp dụng hình thức xử phạt trục xuất khỏi Việt Nam.

Nghiêm trọng hơn, nếu những người này đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn tiếp tục vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 347 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội Vi phạm quy định về xuất cảnh, nhập cảnh; tội Ở lại Việt Nam trái phép với mức phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo luật sư Hải, đối với cơ sở kinh doanh lưu trú chứa chấp người nước ngoài ở lại Việt Nam trái phép thì có thể bị xử phạt hành chính theo khoản 5 Điều 17 Nghị định 167/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 50 triệu đồng.

“Những chế tài xử phạt liên quan đến hành vi nhập cảnh trái phép hiện hành tuy đã được quy định rõ ràng nhưng chỉ dừng lại ở xử phạt hành chính và nếu tái phạm mới truy cứu trách nhiệm hình sự nên vẫn chưa đủ sức răn đe”, vị luật sư nói.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đang là vùng có dịch bệnh covid-19, các đối tượng hoàn toàn nhận thức được rằng việc nhập cảnh trái phép không thông qua kiểm tra y tế, cách ly y tế bắt buộc sẽ tiềm ẩn nguy cơ rất lớn dẫn đến lây lan dịch bệnh cho cộng đồng.

Do đó, riêng đối với những trường hợp cố tình nhập cảnh trái phép từ vùng có dịch bệnh vào Việt Nam phải được xem là trường hợp đặc biệt nguy hiểm. Cần đề xuất, xem xét đối với các đối tượng vi phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội Làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người với mức phạt tiền từ 50 triệu đồng đồng đến 200 triệu đồng hoặc hình phạt tù từ 1 năm đến 10 năm tùy mức độ nghiêm trọng của hành vi. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20 triệu đồng đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 năm đến 5 năm.

“Hành vi nêu trên của các đối tượng là vô cùng nguy hiểm trong bối cảnh dịch bệnh covid đang diễn biến hết sức phức tạp ở các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Đối với các trường hợp vi phạm điển hình nêu trên cần được các cơ quan chức năng xử lý mạnh để làm gương, từ đó góp phần vào công cuộc phòng, chống dịch bệnh covid-19 ở Việt Nam nói riêng và trên toàn thế giới nói chung”, luật sư Hải nhận định.

Huy Cường