1001 kiểu doanh nghiệp cản trở, xúc phạm nhà báo, phóng viên

Nghề báo là một trong những nghề đã và đang chiến đấu cho hành trình dài đi tìm công lý và sự thật. Những người làm báo đang miệt mài từng ngày đóng góp cho xã hội bằng sự nhiệt huyết không biết mệt mỏi. Trong hành trình đi tìm công lý ấy, không ít phóng viên, nhà báo đang phải “cô đơn” chống chọi trước việc bị cản trở tác nghiệp, thậm chí là bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm…

Thẻ nhà báo Đỗ Chang bị lan truyền trên mạng xã hội cùng lời lẽ xúc phạm

Từ trước tới nay, người ta nghĩ rằng việc gây áp lực với phóng viên, nhà báo khi tác nghiệp chỉ có thể dừng lại ở việc dùng vũ lực xâm hại trực tiếp đến an toàn tính mạng, sức khoẻ của người làm báo. Thế nhưng thực tế xảy ra hiện nay lại khá đa dạng, với muôn vàn chiêu trò khác nhau. Thậm chí nhiều doanh nghiệp còn ngang nhiên tung hình ảnh phóng viên, thẻ nhà báo lên mạng xã hội cùng những lời lẽ vu khống, xúc phạm phóng viên, nhà báo và toà soạn.

Họ coi đó là công cụ để “tấn công tâm lý”, đáp trả việc nhà báo, phóng viên đang bóc trần sự thật. Bởi lẽ, đối với nhà báo, phóng viên, sự bôi nhọ, xúc phạm về danh dự nhân phẩm đôi khi còn đau đớn hơn sự tra tấn về thể xác.

Đơn cử như vụ việc mới đây khi anh Vũ Quang Linh, phóng viên Báo Đời sống & Pháp luật đã gửi đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng về hành vi của ông Trần Nhật Minh, chủ tài khoản Facebook Tran Nhat Minh, đồng thời là admin của group “Diễn đàn Nhà báo và Chính sách”.

Theo đó, phóng viên Quang Linh đã tố cáo việc ông Trần Nhật Minh lợi dụng mạng xã hội đăng thông tin sai sự thật, vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của cá nhân và xâm hại uy tín, hình ảnh của cơ quan anh đang công tác. Tuy nhiên đến nay đã nhiều tháng trôi qua, vẫn chưa có phản hồi từ phía cơ quan chức năng.

Gần đây nhất, là trường hợp của nhóm phóng viên báo Đời sống & Pháp luật khi thực hiện tuyến bài điều tra những sai phạm về quy trình đi xuất khẩu lao động.

Nhóm phóng viên bao gồm Đỗ Thị Chang, Đặng Ngọc Thuỷ, Nguyễn Ngọc Lâm trong vai các thực tập sinh tới làm việc với một số công ty xuất khẩu lao động có trụ sở tại Hà Nội.

Chiều ngày 12/11, nhóm phóng viên làm việc với ông Vũ Đức Kiên – Phó giám đốc Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nhân Việt để xác minh, làm rõ những thông tin mà phóng viên thu thập được trong quá trình thâm nhập. Khi đến làm việc, phóng viên đã xuất trình đầy đủ giấy tờ và làm việc theo đúng quy trình. Tuy nhiên, sau khi làm việc, phía công ty trên đã đưa hình ảnh (thẻ nhà báo, hình ảnh của phóng viên, số điện thoại cá nhân của phóng viên Đỗ Thị Chang) lên một số nhóm về xuất khẩu lao động với những lời vu khống: “Phóng viên cuối năm đi săn tiền doanh nghiệp….”.

Thậm chí, các nhân viên của công ty này khi đề nghị phóng viên thỏa hiệp không thành đã bôi nhọ danh dự uy tín của nhóm phóng viên bằng những lời lẽ quy chụp, bịa đặt trên các trang mạng xã hội cũng như phản ánh sai sự thật tới một số cơ quan quản lý báo chí. Sự việc chưa dừng lại khi phóng viên Đỗ Thị Chang đã liên tục bị “tấn công” qua điện thoại, trang cá nhân Facebook, Zalo cùng những lời lẽ đe dọa, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Có một điều ai cũng biết rằng, nhà báo, phóng viên được pháp luật bảo vệ trong hoạt động nghề nghiệp. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo, phóng viên. Luật pháp Việt Nam cũng có đầy đủ quy định để bảo vệ nhà báo, phóng viên trong tác nghiệp. Nhưng tuyệt nhiên, dù rất nhiều trường hợp đã xảy ra, song các cơ quan chức năng vẫn như… “người ngoài cuộc”.

Kết cục, những đối tượng bôi nhọ, xúc phạm danh dự của phóng viên vẫn không bị xử lý thích đáng!

Phải chăng, sự thiếu quyết liệt của một số cơ quan chức năng khiến các vụ việc tấn công, xúc phạm nhà báo, phóng viên trở thành “chuyện thường ngày ở huyện”? Có thể nói, phía sau các bài viết điều tra là những ngày “nằm gai nếm mật” của các phóng viên, nhà báo. Họ đã chấp nhận cả những hiểm nguy chỉ để đưa sự thật ra ánh sáng. Vậy nhưng, ít độc giả biết rằng, người cầm bút đã phải can trường như thế nào trước sự đe dọa, thậm chí hành hung, xúc phạm không chỉ với cá nhân mà còn là cả gia đình họ.

Trót yêu và theo đuổi nghiệp báo chí là nhà báo đã chuẩn bị cho mình một tâm thế để đối phó với những rủi ro, những bất ổn. Vậy nhưng vì sự trong sạch của xã hội, vì công lý, họ vẫn sẵn sàng dấn thân. Xã hội ghi nhận nghĩa cử ấy nên hằng năm đều lấy ngày 21/6 làm ngày tri ân những người làm báo.

Ai cũng có quyền được sống, quyền được mưu cầu hạnh phúc và các nhà báo cũng vậy. Luật pháp đã quy định rất rõ nhưng vẫn có những thành phần sẵn sàng coi thường pháp luật, chà đạp lên nhân phẩm, danh dự của người làm báo.

Phải chăng nhà báo đang đơn độc trên con đường đi tìm công lý và sự thật? Hay có lẽ đó là cái giá phải trả cho sự chiến đấu hết mình vì một xã hội công bằng?

Nữ phóng viên điều tra vụ “bảo kê chợ Long Biên” sống trong bất an khi bị dọa giết cả nhà

Thứ 2, 03/12/2018 | 17:30
Trao đổi với báo Người Đưa Tin, PV Liên Liên, công tác tại đài truyền hình Việt Nam cho biết, cô và gia đình đang phải sống trong nỗi bất an, lo lắng khi liên tiếp nhận được những tin nhắn dọa giết sau khi thực hiện phóng sự điều tra “Bảo kê chợ Long Biên”.

Phóng viên bị dọa “chôn xác” khi đến làm việc tại bãi rác Khánh Sơn

Thứ 2, 15/10/2018 | 20:33
Khi đến ghi nhận ô nhiễm tại bãi rác lớn nhất TP.Đà Nẵng, phóng viên bị bảo vệ gây khó khăn, thậm chí có nhóm người còn đòi “chôn xác”.