114 Giáo sư, Tiến sĩ đầu ngành phản đối việc điều chuyển Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học Việt Nam

Thu Huyền - Công Luân

Thông tin về việc Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam có ý định điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện ngôn ngữ học Việt Nam sang một viện nghiên cứu khác đã khiến cho những nhà nghiên cứu ngôn ngữ học trong và ngoài nước đồng loạt lên tiếng phản đối. Bởi theo họ, nếu để xảy ra việc điều chuyển thì hậu quả đối với việc phát triển ngành Ngôn ngữ học Việt Nam sẽ rất lớn, cùng với đó, sẽ gây ra những hệ quả rất tiêu cực đối với kế hoạch trao đổi nghiên cứu giữa các nhà ngôn ngữ học quốc tế với các đồng nghiệp Việt Nam.

114 giáo sư, phó giáo sư đầu ngành trong nước lên tiếng phản đối

Trong thư ngỏ gửi đến lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, 114 người làm công tác nghiên cứu, giảng dạy Ngôn ngữ học ở Việt Nam đã bày tỏ sự cấp thiết về việc cân nhắc dừng điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học sang một viện nghiên cứu khác.

Theo đó, trong bức thư ngỏ có những vị GS, PGS, TS, giảng viên công tác lâu năm trong ngành ngôn ngữ học, có thể kể đến như: Nhà giáo Ưu tú Trần Chút - nguyên Phó Chủ tịch Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; GS.TS Nguyễn Văn Lợi - nguyên Viện phó Viện Ngôn ngữ học, PGS.TS Nguyễn Hồng Cổn, giảng viên Khoa Ngôn ngữ học, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, PGS.TS Hoàng Dũng - giảng viên Khoa Ngữ văn, trường Đại học Sư phạm TP.HCM…

Việc lên tiếng này của những nhà nghiên cứu Ngôn ngữ học ở Việt Nam là hoàn toàn có căn cứ, dù quyết định chưa chính thức nhưng theo ý kiến này, nếu việc điều chuyển thực sự xảy ra thì sẽ mang nhiều hệ luỵ cho Viện Ngôn ngữ học Việt Nam và ngành Ngôn ngữ học.

“Là những người theo sát sự phát triển của ngành Ngôn ngữ học Việt Nam, chúng tôi rất vui mừng với bước phát triển gần đây của Viện Ngôn ngữ học: Viện Ngôn ngữ học vừa qua khỏi thời kì khó khăn, tổ chức bắt đầu đi vào ổn định; cán bộ, đảng viên đoàn kết; công tác nghiên cứu được đẩy mạnh; quan hệ hợp tác với các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học trong nước và nước ngoài phát triển; vị thế của Viện Ngôn ngữ học trong cộng đồng khoa học được khẳng định,… Những kết quả đó là nhờ tâm huyết, khả năng tổ chức và thuyết phục của Lãnh đạo Viện Ngôn ngữ học hiện nay, trong đó có GS.TS Nguyễn Văn Hiệp.

Trong thời gian làm Viện trưởng từ cuối 2012 đến nay, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp đã công bố 11 bài nghiên cứu trong các hội thảo quốc tế và tạp chí nước ngoài (trong tổng số 17 bài công bố quốc tế), 15 bài trên tạp chí chuyên ngành hoặc kỷ yếu hội thảo trong nước (trong tổng số gần 50 bài báo công bố trong nước), chủ trì nghiệm thu đạt loại xuất sắc 5 đề tài cấp cơ sở và 1 đề tài cấp Bộ, công bố 1 chuyên khảo (viết chung với 2 học giả Pháp) (trong tổng số 7 chuyên khảo và giáo trình viết riêng và viết chung), tham gia dịch và hiệu đính và xuất bản 2 chuyên khảo từ tiếng Anh ra tiếng Việt (trong tổng số 3 chuyên khảo đã dịch)”, nội dung thư ngỏ nêu rõ.

Là những người gắn bó lâu năm với ngành Ngôn ngữ học Việt Nam, 114 vị GS, PGS, TS này đã bày tỏ sự tha thiết với sự phát triển của ngành: “Chúng tôi hiểu việc điều động cán bộ là quyền của Lãnh đạo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và có những nguyên do của cơ quan. Tuy nhiên, là những người gắn bó lâu năm với ngành Ngôn ngữ học Việt Nam và tha thiết với sự phát triển của ngành, chúng tôi trân trọng đề nghị Chủ tịch và Lãnh đạo Viện Hàn lâm hết sức cân nhắc hậu quả của việc xáo trộn tổ chức vào lúc này đối với sự phát triển của Viện Ngôn ngữ học nói riêng, ngành Ngôn ngữ học nói chung, xem xét lại dự kiến điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp, Viện trưởng Viện Ngôn ngữ học, sang một viện nghiên cứu khác”.

Cuối thư ngỏ chính là chữ ký của 114 những người dành tâm huyết cho ngành Ngôn ngữ học nước nhà.

Cộng đồng ngôn ngữ học quốc tế phản ứng gay gắt

Có thể thấy rằng, việc điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp sang một đơn vị nghiên cứu khác đã dấy lên làn sóng phản đối không chỉ trong nước mà còn từ cộng đồng ngôn ngữ học quốc tế. Mới đây, lá tâm thư tập hợp tiếng nói của cộng đồng ngôn ngữ học quốc tế bao gồm Úc, Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan đã được tập hợp khẩn ngay trong đêm qua để cùng ghi tên gửi Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội.

Theo nội dung này, nếu việc điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp thực sự xảy ra thì hậu quả mà nó gây ra đối với việc phát triển ngành Ngôn ngữ học Việt Nam sẽ rất lớn do sự liên tục và ổn định trong hợp tác quốc tế và trao đổi nghiên cứu với các nhà Ngôn ngữ học hàng đầu thế giới sẽ bị đứt gãy.

“Từ năm 2014, GS.TS Nguyễn Văn Hiệp đã làm việc tích cực và hiệu quả để khởi xướng và tổ chức các cuộc tập huấn, toạ đàm và hội thảo; mời tất cả chúng tôi từ các nước khác nhau đến Việt Nam trao đổi những kết quả nghiên cứu mới nhất trong lĩnh vực ngôn ngữ học với các học gia ở Việt Nam. Chúng tôi rất hài lòng khi chứng kiến những kết quả vô cùng tốt đẹp của sự hợp tác này…

GS.TS Nguyễn Văn Hiệp đã mời chúng tôi vào tháng 9/2020 trở lại Việt Nam một lần nữa để tham dự hội thảo ngôn ngữ học quốc tế do Viện Ngôn ngữ học tổ chức.

Nếu GS.TS Nguyễn Văn Hiệp lúc đó không còn ở cương vị lãnh đạo Viện thì chúng tôi e rằng việc hợp tác của chúng tôi với Việt Nam sẽ bị gián đoạn. Theo chúng tôi được biết, tình trạng tương tự cũng sẽ xảy ra với các nhóm nghiên cứu đến từ Nga, Mỹ và các nước khác.

Chúng tôi hy vọng việc thay thế GS.TS Nguyễn Văn Hiệp sẽ không diễn ra để đảm bảo sự ổn định và tính liên tục trong các kế hoạch hợp tác, trao đổi nghiên cứu mà chúng tôi đã thoả thuận và thu xếp với GS.TS Nguyễn Văn Hiệp không chỉ trong năm nay mà còn nhiều năm tới”, tâm thư nhấn mạnh.

Việc điều chuyển có xảy ra hệ luỵ?

Trong cuộc trò chuyện với phóng viên, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết (từng là giảng viên cao cấp Khoa Ngôn ngữ học của Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, nguyên ĐBQH khoá XI, XII), nổi tiếng là người trực ngôn với các chất vấn gai góc trên diễn đàn Quốc hội, bày tỏ sự ngạc nhiên và quan ngại về dự tính điều chuyển GS.TS Nguyễn Văn Hiệp - Viện trưởng Viện ngôn ngữ học Việt Nam sang một đơn vị khác vào thời điểm hiện tại.

Theo phân tích của GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, việc điểu chuyển này sẽ gây ra những hậu quả có thể nhìn thấy trước.

“Phải đặt câu hỏi: Tại sao nhiều nhà nghiên cứu ngôn ngữ học cả trong và ngoài nước phải gửi thư đến Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam bày tỏ quan ngại về việc này? Điều có thể nhận thấy ngay là sự điều chuyển này chắc chắn ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của Viện Ngôn ngữ học Việt Nam, ảnh hưởng đến sự hợp tác của Viện với cộng đồng ngôn ngữ học ở trong nước và nước ngoài. Viện Ngôn ngữ học là viện đầu ngành, nếu Viện có sự xáo trộn thì nó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển của ngành nói chung”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nói.

Phân tích thêm, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho biết, với sự điều hành của GS.TS Nguyễn Văn Hiệp trong 5 năm đảm nhận vị trí Viện trưởng, thì đến bây giờ Viện Ngôn ngữ học Việt Nam đã bắt đầu có sự ổn định, công tác nghiên cứu đang phát triển đúng hướng. Và quan trọng hơn cả, sự hợp tác quốc tế đã phát triển rất tốt, hơn hẳn mọi thời kỳ.

“GS.TS Nguyễn Văn Hiệp là người có tâm và có tầm. Nhưng ai rồi cũng sẽ phải nghỉ quản lý, phải nghỉ hưu. Điều chuyển cán bộ cũng là việc có lúc phải làm. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, điều chuyển Viện trưởng trong khi chưa kịp bồi dưỡng người thay thế là một cách làm tổ chức dở. Vì như vậy Viện Ngôn ngữ học Việt Nam rất dễ xảy ra mất ổn định”, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết nhấn mạnh.

T.H-C.L