Á hậu Mâu Thủy tiết lộ “hành trình tử thần” khi tham gia giải marathon có vận động viên tử nạn ở Đà Lạt

HÀ LINH

Vừa trở về sau giải chạy marathon ở Đà Lạt, Á hậu Mâu Thủy vẫn chưa hết bàng hoàng khi trong đoàn của mình tham gia có vận động viên tử nạn vì bị lũ cuốn. Đây có lẽ là trải nghiệm tồi tệ nhất mà người đẹp từng trải qua.

Lo sợ, hoang mang khi biết tin có vận động viên tử nạn

Từ đâu Mâu Thủy quyết định tham gia cuộc thi chạy marathon ở Đà Lạt?

Là con gái nhưng tôi rất thích chinh phục độ cao và ưa sự mạo hiểm. Trước đây, tôi đã thử thách bản thân ở khá nhiều giải chạy marathon đường bằng và trên núi như: Giải chạy cự ly 21km ở TP.HCM và Sapa. Tôi cũng đã chinh phục đỉnh Fansipan.

Khi biết đến cuộc thi marathon ở Đà Lạt, tôi và nhóm bạn gồm 10 bạn nữ đã đăng ký tham gia. Đáng nhẽ ra, giải chạy này được tổ chức vào tháng Ba, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên lịch bị dời sang tháng Sáu. Đây cũng là thời điểm Đà Lạt đang bước vào cao điểm của mùa mưa. Song, trước khi tham gia, tôi và các vận động viên cũng theo dõi khá sát tình hình thời tiết để đề phòng những tình huống xấu có thể xảy ra.

Từng tham gia khá nhiều giải chạy bộ, Mâu Thủy nhìn nhận thế nào về những mối nguy hiểm khi tham gia chạy marathon trên núi?

Các cuộc thi marathon trên đường bằng đã rất khắc nghiệt, thi trên núi cao (đi treo) thì mức độ nguy hiểm càng cao, vì lên xuống dốc liên tục. Địa hình núi phức tạp, hiểm trở, nguy cơ gặp phải chấn thương, rủi ro cũng nhiều hơn.

Tuy nhiên, với những người thích độ cao, địa hình càng khó càng muốn chinh phục, và những trải nghiệm mình có được trong hành trình đó sẽ rất thú vị.

Vậy Mâu Thủy đã chuẩn bị sức khỏe và thể lực ra sao cho cuộc thi này?

Thực ra, về mặt thể lực mình phải chăm sóc mỗi ngày chứ không phải cận kề ngày chạy rồi mới tập luyện. Vốn rất thích thể thao nên mỗi ngày tôi vẫn tập chạy bộ và yoga để giúp sức lực của mình dẻo dai, bền bỉ hơn. Thông thường, trước các giải chạy khoảng hai tháng, tôi sẽ tham gia một quá trình luyện tập khá khắt khe.

Tuy nhiên, lần này do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên tôi chỉ có thời gian hai tuần để chuẩn bị cho giải chạy này. Không tới được phòng tập, tôi quyết định tập bằng phương pháp leo cầu thang. Mỗi ngày tôi leo từ 50-200 bậc, khi hết sức bình sinh thì dừng lại. Nhờ đó tôi không bị mất sức quá nhiều khi tham gia giải marathon này.

Khi hay tin trong đoàn chạy của mình có người tử nạn, Mâu Thủy cảm thấy thế nào?

Ban đầu, tôi đăng ký chinh phục cung đường 45 km. Tuy nhiên, thời điểm tôi chạy được 38km, thì ban tổ chức đột nhiên thông báo hủy giải, cho xe chở các vận động viên về điểm xuất phát.

Khi trở về trạm dừng chân, nghe mọi người nói tôi mới biết có người trong đoàn thiệt mạng vì bị lũ cuốn. Lúc đó, tôi cảm thấy rất hoang mang và buồn bã, tinh thần rệu rã không còn ý định tiếp tục hoàn thành cự ly đã định mà chỉ mong trở về an toàn.

Bởi, một môn thể thao vốn đề cao tinh thần sức khỏe giờ lại xảy ra tình huống không may, nguy hiểm đến tính mạng, khiến tôi cảm giác bất an và lo sợ. Tôi cũng muốn gửi lời chia buồn sâu sắc tới gia đình của vận động viên xấu số đó.

Trên hành trình chinh phục cung đường hiểm trở đó, Mâu Thủy đối mặt với những mối nguy hiểm nào?

So với các cuộc thi marathon đã tham gia, đây là đường đua nguy hiểm nhất mà tôi trải qua. Trong suốt hành trình đó, tôi đã được “nếm đủ”: nắng, mưa, gió lạnh, sấm sét. Mưa vừa dứt lại nắng như đổ lửa, thậm chí có chỗ còn mưa đá. Có những chặng tôi đi một mình nên rất sợ. Tôi đành đi chậm lại để chờ có bạn đồng hành cho vơi bớt nỗi sợ.

Trên cung đường hiểm trở ấy, có những đoạn đường rất nhỏ hẹp chỉ đủ để một người đi, nhìn xuống phía dưới là vực thẳm cheo leo. Những ngày chúng tôi đi, mưa rất to nên đường sá lầy lội.

Dù đã có đầy đủ các trang thiết bị chuyên dụng như: giày, gậy, đồ bảo hộ,…nhưng vẫn không tránh khỏi bị té ngã. Tôi bị té ngã không dưới 10 lần, trầy xước khắp người, toàn thân ê ẩm, đau nhức.

Chưa kể, cơ thể lại nặng nề vì bị ngấm nước mưa khá lâu, cảm giác lạnh buốt. Nhưng rất may là tôi không bị ốm. Do trước đó đã kinh nghiệm leo núi nên khi trở về tôi đã nhanh chóng thực hiện các liệu trình để phục hồi sức khỏe.

Nguy hiểm nhưng không từ bỏ

Vậy điều Mâu Thủy sợ nhất khi tham gia cung đường nguy hiểm này?

Với những chặng đường tôi bỏ xa mọi người, hoặc mọi người bỏ xa tôi, bản thân gặp khá nhiều thử thách, khó khăn, nhưng không thể nhờ ai hỗ trợ, mà phải tự lực cánh sinh.

Không ít lần bị té xuống vực, nhưng tôi vẫn phải cố gượng dậy rồi leo lên và tiếp tục cuộc hành trình. Thú thật, chuyện bị ngã, trầy xước khi leo núi là rất khó tránh khỏi.

Thậm chí, một số người trong nhóm bạn của tôi sau khi trở về từ hành trình cũng phải nhập viện để kiểm tra tình hình sức khỏe, xương khớp. Có người bị rạn xương nhẹ do va đập, trượt ngã trong khi di chuyển.

Trở về sau “hành trình tử thần”, Mâu Thủy rút ra kinh nghiệm gì khi tham gia các giải chạy bộ trên núi?

Thực ra, ở mỗi địa điểm sẽ có địa hình khác nhau. Địa hình càng khó, càng khiến vận động viên muốn khám phá hơn. Bản thân tôi cũng vậy!

Tôi không muốn chỉ dừng lại ở việc chỉ chạy trên máy hoặc loanh quanh trong thành phố. Điều tôi mong muốn nhất là vừa chạy bộ vừa có thể khám phá, hòa mình vào thiên nhiên để có những trải nghiệm thú vị.

Đối với tôi, địa hình hiểm trở không phải là vấn đề, nhưng tôi khá quan ngại vấn đề thời tiết. Sau sự cố không may đã xảy ra, tôi quyết định sẽ không chạy vào mùa mưa nữa, vì rất sợ!

Chạy marathon trên núi gặp nhiều nguy hiểm, thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng, vậy Mâu Thủy còn ý định tiếp tục cuộc hành trình?

Cá nhân tôi vẫn thấy chạy marathon trên núi là một trải nghiệm rất thú vị. Tôi nghĩ bản thân vẫn sẽ theo nó lâu dài. Tất nhiên, ở hoàn cảnh nào cũng có thể đối mặt với nguy hiểm, tuy nhiên không vì thế mà tôi bỏ cuộc.

Tôi sẽ cố gắng cân bằng lại mọi thứ và hạn chế tối đa những trường hợp nguy hiểm có thể xảy đến. Tôi và nhóm bạn của mình cũng cân nhắc thật kỹ càng nên chọn đi vào thời điểm nào phù hợp nhất, vừa đảm bảo an toàn, vừa khám phá được thiên nhiên, mà không phải lo sợ khi trở về.

Giải chạy marathon "Dalat Ultra Trail" do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Đồng tổ chức. Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến bất thường, mưa lớn khiến nước suối dâng cao, chảy xiết, cắt ngang đường chạy khiến nhiều vận động viên ở cự ly 70 km, 100 km phải bỏ cuộc. Chiều 20/6, một nam vận động viên không may bị nước cuốn trôi, tử vong khi cố gắng băng qua một con suối. Ban tổ chức khi biết tin đã quyết định dừng toàn bộ giải.

H.L