Chốt kiểm dịch số 4 (thuộc đồn Biên phòng Xín Mần, huyện Xín Mần, Hà Giang) được bao quanh là núi. Chiếc lều tạm bợ lọt thỏm giữa rừng xanh. Vào chốt đúng giờ các chiến sĩ đang chuẩn bị cơm trưa, những món ăn hết sức đơn giản: rau tự trồng, cá mắm mua dự trữ cho cả tuần. Thậm chí, tấm bạt cũng được gỡ bạt xuống làm chiếu, ăn xong lại dựng lên che mưa, che nắng.

Không có điện, cơm được đun bằng bếp củi giữa thời tiết ẩm ướt vì cơn mưa rào tối qua. Để có thể nhóm lửa lên, các chiến sĩ phải dự trữ săm lốp mới mồi được đống củi vừa tươi, vừa ẩm. Trong bữa ăn, Thượng úy Nguyễn Khắc Minh – nhân viên Quân y - cho biết, ở đây người dân thường là lao động tự do, vì hoàn cảnh khó khăn, không được học hành nhiều nên chỉ cần nghe rủ rê đi làm có tiền là họ sẵn sàng đi. Có nhiều người, sang bên Trung Quốc, biết tình hình dịch bệnh, khi về đến cửa khẩu, họ gọi cho người nhà bên này rình xem bộ đội đang chốt ở đâu để tránh. “Có khi họ còn trốn tận trên rừng, chúng tôi phải vận động, tuyên truyền; có khi còn vượt đèo, lội suối để tìm kiếm, để đưa họ về”, Thượng úy Minh chia sẻ.

Ban đầu, khi lập chốt vào cuối tháng Hai, Thượng úy Minh và đồng đội chỉ nghĩ, ra quân chốt chặn xử lý tình hình dịch bệnh trong một, hai tháng là xong. Nhưng đến bây giờ đã hơn 6 tháng mà dịch bệnh vẫn căng thẳng. “Mỗi lần có chút sóng, tôi lại vội vội vàng vàng lên mạng đọc báo theo dõi tình hình dịch bệnh. Như mấy hôm trước, có ngày cả nước ghi nhận hơn 30 ca mắc, đặc biệt số người tử vong vẫn chưa dừng lại. Đợt 1 đã căng thẳng, dịch bệnh lần 2 còn nguy hiểm hơn. Cứ như này không biết bao giờ mới hết dịch”, anh Minh lắc đầu.

Không chỉ là nỗi niềm của Thượng úy Minh, mà rất nhiều chiến sĩ biên phòng cũng cùng chung suy nghĩ. Cùng ăn, cùng ở chốt số 4 anh Đông - công an viên, 1 trong 4 lực lượng cùng chung sức tham gia chống dịch tại đây - chia sẻ, từ lúc có dịch, mọi người căng mình lo lắng đứng chốt, chỉ sợ 1 phút lơ là thì để lọt mầm bệnh vào nước ta rất nguy hiểm.

“Lần đầu tiên trong đời, em trải qua chuyện này, nhiều hôm đang gác mà mệt mỏi, buồn ngủ quá, em phải hắt nước lạnh vào cho tỉnh Hay đang buồn vệ sinh thì giải quyết ngay tại chỗ, vì ở lán cũng chẳng có nhà vệ sinh mà chạy vào. Đồi núi, toàn cây, lá chẳng ai nhìn trộm”, Đông cười ngại ngùng.

Chính trị viên – Thượng tá Đỗ Xuân Hùng, tiếp lời: “Vệ sinh chỉ là chuyện nhỏ thôi, tháng trước, khi chưa bắc được vòi nước vào lán, các đồng chí ấy còn phải vác can đi lấy nước cách đây tận 1,5 km. Để tiết kiệm nước và thời gian, có khi 2 - 3 hôm các đồng chí ấy còn không tắm. May mà không có gái bản nào đi qua đây, không thì mất đường trò chuyện với các em”.

Vất vả là thế, thức đêm nhiều, hai mắt lờ đờ, da mặt sạm đen, ấy vậy nhưng hỏi về quyết tâm thì chiến sĩ nào cũng khẳng định, chỉ trừ khi ngã xuống, nếu còn sức thì vẫn bảo vệ biên giới, bảo vệ an toàn cho nhân dân.

Ngày thứ hai trong chuyến công tác, chúng tôi được đi lên các mốc biên giới, nơi các chiến sĩ biên phòng vẫn ngày đêm đi tuần, cả nước bạn, họ cũng lập lều trại cho dân phòng thay nhau gác. Ngồi sau xe Phó Đồn trưởng - Trung tá Nguyễn Văn Toàn, chúng tôi được nghe những câu chuyện khá thú vị và đáng suy ngẫm.

Mới nhận công tác về đồn từ trước Tết, dịch đến, Trung tá Toàn đã cùng các anh em chiến sĩ tại đồn cùng quyết tâm làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và ngăn chặn nạn nhập cảnh trái phép qua biên giới. Anh tâm sự, ban đầu khi nhận địa bàn, thời tiết khắc nghiệt nên chưa thể quen, cùng với địa hình hiểm trở, các xã cách nhau có mấy cây số, mất nhiều tiếng đồng hồ mới di chuyển từ xã này sang xã khác. “Nhưng nhìn xuống dưới, các em nhỏ mới 5 - 6 tuổi, bé xíu, có những em còn gùi ngô nặng triĩu trên vai mà vẫn bước đi như chẳng có gì, mình lại thấy phải quyết tâm, phải kiên cường ngăn chặn dịch bệnh, người dân biên cương mới bớt khổ”, Trung tá Toàn bộc bạch.

Lê Liên