Chia sẻ với PV Người Đưa Tin Pháp luật về giai đoạn “nước rút” giúp học sinh chuẩn bị hành trang cho kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT, cô giáo Lê Thị Minh Hằng, giáo viên tổ Ngữ văn, trường THCS Lê Lợi (Hoàn Kiếm, Hà Nội) cho biết: “Trong quá trình luyện đề hàng ngày, các cô cũng ra rất nhiều dạng đề khác nhau, vì thế, các cô cũng đã hướng dẫn cho học sinh các cách làm khác nhau.
Và có một lưu ý, muốn là gì thì làm, điều quan trọng nhất vẫn là các con phải đọc kỹ câu hỏi, đọc kỹ yêu cầu của đề bài, đặc biệt, không được bỏ sót các ý hỏi nhỏ trong mỗi câu hỏi, để có có thể lời hết các vấn đề mà đề bài yêu cầu. Bởi vì, các con chỉ cần bỏ qua một ý nhỏ thôi, là sẽ mất điểm. Ba-rem điểm chấm hiện tại cũng đã rất sát sao, chấm theo ý của từng câu hỏi, nên nếu các con bỏ qua ý nhỏ, không quan tâm đến thì sẽ bị mất điểm”.
Theo cô Hằng, trong cấu trúc đề môn Ngữ văn, phần quan trọng nhất là hai đoạn văn, chiếm tỉ lệ điểm nhiều, thường là 5 điểm.
Đề cập đến bí quyết “ẵm điểm” trọn vẹn, cô Lê Thị Minh Hằng bật mí: “Trong quá trình chấm bài thi thử của học sinh, tôi nhận thấy học sinh của mình, và có lẽ là đối với đại đa số học sinh tại Hà Nội có thuận lợi là không bị sai lỗi chính tả, cũng như câu chuẩn, đủ hai thành phần chủ ngữ, vị ngữ.
Tuy nhiên, riêng đối với môn Ngữ văn, câu không phải chỉ có hai thành phần, mà phải trọn vẹn cả về ý và nội dung nữa. Muốn làm được điều này, đòi hỏi các con phải đọc nhiều, tham khảo nhiều tài liệu, để có tư duy văn học tốt, mới có thể đưa ra được những ý kiến đánh giá sắc sảo, trọn vẹn.
Đặc biệt, ngoài những kiến thức về nghị luận văn học trong sách giáo khoa, học sinh cũng cần nắm bắt được những kiến thức trong đời sống, xã hội, những thông tin được cập nhật trên báo đài, dùng sự hiểu biết để có thể đưa ra những suy nghĩ, đánh giá của cá nhân, để có thể ghi điểm”.
Bên cạnh đó, từ những lỗi sai của học sinh qua các đợt khảo sát, cô Hằng cũng có những điều muốn căn dặn các bạn học sinh lớp 9: “Các con đã được học đầy đủ kiến thức và kỹ năng như viết đoạn văn, cảm thụ văn học, phân tích thơ, phân tích văn,… nên hãy vận dụng những kỹ năng đó vào bài làm.
Các bạn đi thi hãy nhớ cách trình bày bài rõ ràng, rành mạch, chân phương và khoa học; viết chữ phải hết sức cẩn thận, không được tẩy xóa… Đặc biệt, phần trả lời câu hỏi phải nhắc lại nội dung câu hỏi để khi chấm bài, các cô biết câu đó đề cập những nội dung gì, các con trả lời có đúng yêu cầu hay không… Đồng thời, lưu ý, khi trả lời câu hỏi, các con phải trả lời thành một đoạn văn, không gạch đầu dòng, để tránh câu trả lời thiếu chức năng ngữ pháp. Nếu gạch đầu dòng, các con sẽ không nhận được điểm tối đa”.
Theo thống kê từ sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2020-2021 sẽ có hơn 104.000 học sinh xét tốt nghiệp THCS, số học sinh đăng ký dự thi vào lớp 10 THPT là 88.928 học sinh.
Trong khi đó, năm nay, Hà Nội có 64.990 chỉ tiêu vào lớp 10 công lập, tăng 12.330 học sinh so với năm ngoái. Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội sẽ diễn ra vào ngày 17-18/7 tới. Theo đó, học sinh dự thi vào lớp 10 không chuyên ở Hà Nội sẽ thi các môn Ngữ văn, Ngoại ngữ vào ngày 17/7 và môn Toán vào sáng ngày 18/7.
Theo quy định của sở GD&ĐT Hà Nội, mỗi học sinh được đăng ký dự tuyển vào 2 trường THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên là nguyện vọng 1 và nguyện vọng 2. Hai nguyện vọng này phải trong cùng một khu vực tuyển sinh.
Thí sinh dự tuyển vào lớp 10 trường THPT công lập sẽ được tính điểm xét tuyển theo nguyên tắc: Điểm xét tuyển = (Điểm môn Toán + Điểm môn Văn) x 2 + Điểm môn Ngoại ngữ + Điểm ưu tiên (nếu có).
T.T