“Ăn bẩn” trên lưng bệnh nhân

Có những loại động vật có thể ăn khối lượng thức ăn mỗi ngày lớn gần bằng cả cơ thể của chúng. Còn những kẻ nâng khống thiết bị y tế ở Bạch Mai cũng tỏ ra không kém cạnh khi “ăn bẩn” khối lượng tiền khủng trên lưng những bệnh nhân nghèo.

Trong thế giới diệu kỳ ngoài kia, có rất nhiều loài động vật nổi danh phàm ăn. Cá voi xanh có thể ăn hết 40 triệu con giáp xác mỗi ngày để đáp ứng nhu cầu cơ thể, hay gấu trúc dành 14 tiếng mỗi ngày chỉ để gặm hàng chục kg trúc. Nhưng để ghi vào Sách Kỷ lục Thế giới Guinness về độ phàm ăn thì phải nói đến loài bướm khổng lồ vùng Bắc Mỹ, Polyphemus.

Khi còn là sâu, Polyphemus có thể ăn lượng thức ăn tương đương 86.000 lần trọng lượng cơ thể trong thời gian 56 ngày. Nhưng chê bai là “tham ăn” nghe có vẻ là “hơi oan”, bởi đứng dưới góc độ sinh học, đó là nhu cầu thiết thực của Polyphemus, do chúng cần phải ăn thật nhiều để tích lũy năng lượng cho quá trình biến đổi từ cá thể sâu thành bướm trưởng thành.

Chúng ta đều hiểu rằng, động vật không có nhận thức để nuôi dưỡng dục vọng hay đòi hỏi gì quá lớn nhằm thỏa mãn bản thân. Nhu cầu của chúng chỉ đơn giản là ăn và ngủ và mọi thứ dừng lại ở mức vừa đủ để nuôi sống chính mình, cũng như phục vụ cho nhu cầu sinh sản rồi chết đi.

Thế nhưng khi nhìn sang con người, chúng ta thấy có những người “đủ ăn” rồi vẫn muốn “ăn” thêm thật nhiều nữa. Đó không phải nhu cầu sinh học mà xuất phát từ lòng tham vô đáy.

Mấy ngày gần đây, dư luận bức xúc vì thông tin hai lãnh đạo Công ty cổ phần Công nghệ y tế BMS và một thẩm định viên của Công ty cổ phần Thẩm định giá và dịch vụ tài chính Hà Nội vừa bị khởi tố, bắt giữ vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nâng khống giá thiết bị y tế tại bệnh viện Bạch Mai gấp nhiều lần để móc túi hàng trăm bệnh nhân với số tiền hàng chục tỷ đồng.

BMS “thổi giá” thiết bị robot Rosa lên mức 39 tỷ đồng, trong khi giá trị thực của máy cộng với đủ loại chi phí khác cũng chỉ rơi vào khoảng 10 tỷ đồng. Vì giá trị máy rất lớn, số tiền thu của bệnh nhân cũng phải cao thêm gấp nhiều lần để thu đủ bù chi. Trong đó, một ca phẫu thuật theo thiết bị này chỉ khoảng 4 triệu đồng nhưng đã bị đội lên thành 23 triệu đồng.

Nghe con số nâng gấp 4 lần giá trị thực nghe có vẻ không đáng là bao. Nhưng chúng ta hãy nhìn rõ đây là con số ở mức hàng tỷ chứ không phải hàng triệu. Nâng từ 1 triệu lên 5 triệu nghe có vẻ rất bình thường, nhưng nâng từ 1 tỷ lên 5 tỷ thì đó lại là điều rất bất thường.

Trong kinh doanh hay bất kỳ lĩnh vực nào khác, nâng biên độ giá trị của một sản phẩm để rao bán, chia chác, hưởng lợi có lẽ cũng không phải điều gì đó quá mới. Nhưng những kiểu nâng tầm đó thường nằm trong một mức giới hạn về “lương tâm” hay đôi khi là trong “vùng an toàn” có thể chấp nhận được, không quá đáng, không giá ảo và đủ để khách hàng dù có biết bị hớ nhưng vẫn chấp nhận.

Đặc biệt hơn, những mặt hàng bị nâng đó chỉ chỉ nên làm trong danh mục vô thưởng vô phạt, không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

Thế nhưng, kiểu nâng khống của lãnh đạo công ty BMS lại là kiểu táng tận lương tâm, tham lam vô độ và liều lĩnh, thách thức pháp luật.. Để lòng tham làm mờ mắt, họ cả gan đẩy giá những thiết bị y tế có ảnh hưởng trực tiếp đến sinh mệnh của bệnh nhân, điều được cho là cấm kỵ.

Ai vào bệnh viện cũng hiểu đó là chuyện cực chẳng đã, xác định là tốn tiền. Người giàu bị bệnh thì đỡ, chỉ người nghèo đau yếu đi viện mới khổ mà thôi. Người giàu thấy 23 triệu là rẻ nhưng người nghèo đó là một gia tài có khi tích cóp được có người mất cả năm, thậm chí hơn thế.

Hệ thống robot Rosa mà công ty BMS cung cấp vốn là công cụ hiện đại và hiệu quả trong lĩnh vực phẫu thuật não. Bất kỳ bệnh nhân nào cũng đều muốn được hỗ trợ bằng cách điều trị tốt nhất có thể.

Cái nâng khống của BMS là một tội ác, khi cái giá chữa trị trên trời từ 4 triệu lên 23 triệu đồng đó đã khiến không ít bệnh nhân ngậm ngùi từ chối tiếp cận với cách chữa trị tiên tiến có thể giúp họ khỏi bệnh.

Giữa lằn ranh chồng chéo giữa tiền bạc-sống chết, khao khát được sống và sự bất lực, BMS đã tắt đi niềm hy vọng cuối cùng của những người nghèo.

Hãy lọc lại xem có bao nhiêu bệnh nhân đã buộc lòng phải từ chối không phẫu thuật bằng robot Rosa chỉ vì không có đủ tiền? Họ tình trạng giờ ra sao? Làm thế nào để bù đắp lại những tổn thương sức khỏe không thể lấy lại được đó?

Xét về bản năng, con người ai cũng có lòng tham. Ăn tham có thể chỉ đáng chê cười nhưng tham kiểu “bẩn” như BMS thì đáng nhận về sự sỉ nhục. Giá như tham một chút thôi, thì khi sự việc vỡ lở cũng chỉ bị dư luận chỉ trích, trừng phạt nhẹ nhàng, đã không vào tù ra tội, nhưng tham bằng cách bán rẻ sinh mạng con người chuyển hóa thành đồng tiền polyme nén chặt vào túi có chết nghìn lần cũng không rửa sạch lỗi lầm.

Con người sống chưa bao giờ biết đủ là đủ. Đôi khi, chúng ta để sự tham lam dẫn dắt đi tìm những viễn cảnh lợi ích đầy cám dỗ đến nỗi bản thân đánh mất sự cảnh giác vốn có hay cơ hội cho một tương lai tốt đẹp hơn. Ham muốn quá mức về lợi nhuận chi phối hành động của con người đôi khi mang đến những kết quả khó chịu.

Triết gia Erich Fromm từng nói: “Tham vọng là cái hố không đáy làm kiệt sức con người trong nỗ lực bất tận tìm cách thỏa mãn nhu cầu mà không bao giờ chạm tới được sự thỏa mãn”.

Người ta thường nói rằng, đối nghịch với tham lam là sự kiên nhẫn. Chúng ta nên biết chờ đợi và tận hưởng phần thưởng đến với mình và đừng bao giờ nghĩ rằng có thể đi tắt để chạm tới thành công. Bài học từ rất nhiều câu chuyện xã hội cho thấy rằng, con đường đi tắt cho những kẻ tham lam thường thẳng tiến tới nhà giam.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!

Chiếm đoạt hơn 10 tỷ từ nâng khống thiết bị y tế tại bệnh viện Bạch Mai

Thứ 6, 04/09/2020 | 21:22
Trả lời về vụ nâng khống thiết bị y tế xảy ra tại bệnh viện Bạch Mai, thiếu tướng Tô Ân Xô cho biết kết quả điều tra bước đầu, Cơ quan CSĐT bộ Công an đã xác định có một số cá nhân có thủ đoạn gian dối, câu kết, hợp thức các thủ tục để nâng khống nhiều lần giá trị hệ thống thiết bị y tế.