Bác sĩ bắt bệnh “nhân cách yếu đuối” gây hiện tượng học sinh ngất tập thể

Thanh Lam - Cẩm Mịch

Vừa qua, gần 20 học sinh tại Vĩnh Phúc có biểu hiện khó thở, buồn nôn, ngất tập thể, sau khi được điều trị ổn định sức khỏe, nhiều học sinh lại bị khó thở. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra hiện tượng này, cùng nghe các chuyên gia “giải mã”.

Tái mắc sau khi điều trị ổn định

Tái mắc sau khi điều trị ổn định Theo ông Trần Thái Mai, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Sông Lô (Vĩnh Phúc), vào buổi ra chơi tiết 1 ngày 22/5, một số lớp 6B trường THCS Nhân Đạo có biểu hiện khó thở, buồn nôn, chóng mặt. Sau khi phát hiện, nhà trường đã kịp thời đưa các em sang trạm y tế xã Nhân Đạo để sơ cứu.

Sau đó, có một số em học sinh khác do hoảng sợ nên đã bị ngất. Trong tổng số 18 học sinh được nhà trường đưa đến trạm y tế xã, có 4 em sau khi được các nhân viên y tế khám và theo dõi đã ổn định và được quay trở lại trường. Còn lại 14 em nặng hơn được chuyển xuống trung tâm y tế huyện Sông Lô để tiếp tục theo dõi, điều trị và được trung tâm y tế cho xuất viện vì sức khỏe đã ổn định vào ngày 25/5.

Tuy nhiên, đến ngày 26/5, khi bắt đầu vào học tiết 2, có 13 em (11 em lớp 6B và 2 em lớp 7B), trong đó có 11 em trong số 14 em được xuất viện ngày 25/5 lại có biểu hiện khó thở cùng 2 em lớp 7B có biểu hiện mệt mỏi, được nhà trường đưa đến trung tâm y tế huyện... Sau đó, các em được gia đình xin chuyển xuống bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc để theo dõi và kiểm tra sức khỏe.

“Nguyên nhân là do lớp 6B của nhà trường được đặt trên tầng 2, phòng học không được thoáng khí, trong điều kiện thời tiết nắng nóng quá khắc nghiệt nên đã xảy ra hiện tượng trên. Tuy nhiên, với các học sinh bị mắc trở lại, phòng GD&ĐT hiện chưa rõ được nguyên nhân, cần có ý kiến của cơ quan chuyên môn”, ông Trần Thái Mai thông tin thêm.

Cách ly, không chiều chuộng

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, bác sĩ Tô Thanh Phương, Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần Trung ương I cho biết: “Đây là hiện tượng rối loạn phân ly (hystery- rối loạn thần kinh chức năng) là một bệnh tâm thần khá phổ biến ở những người trẻ, đặc biệt là nữ giới. Nguyên nhân là do áp lực học hành, hiện tượng này có khả năng lây từ người này sang người khác.

Nên, phải cách ly các học sinh ra, hạn chế người tiếp xúc vì càng nhiều người hỏi thì càng ngất nhiều. Đây gọi là “nhân cách yếu đuối”, thích chiều chuộng, thích mọi người quan tâm. Để giảm bớt hiện tượng này, chỉ có cách rèn luyện nhân cách, không được chiều chuộng nhiều”.

TS.BS Trần Thị Hồng Thu, Phó Giám đốc bệnh viện Tâm thần ban ngày Mai Hương cho hay: “Hiện tượng này đã từng xảy ra ở nhiều vùng miền, liên quan đến căng thẳng, có sự cảm ứng đám đông. Đây là hiện tượng hiếm gặp”.

Chia sẻ về phương pháp điều trị, bác sĩ Thu cho biết: “Những trường hợp này cần điều trị bằng tâm lý, tại các bệnh viện tâm thần hoặc các viện nghiên cứu sức khoẻ về những chứng bệnh liên quan đến tâm lý. Bên cạnh đó, phải có sự phối hợp từ gia đình, nhà trường, đặc biệt là rèn luyện nhân cách cho trẻ, quan tâm đến sức khoẻ trong đó có sức khoẻ tâm thần”.

Cần tăng cường liệu pháp tâm lý và vận động

Bác sĩ Đoàn Mạnh Nam, khoa Hồi sức cấp cứu, bệnh viện Đa khoa Hoà Bình nhấn mạnh: “Các trường hợp bị ngất đều có chỉ số huyết áp và nhịp tim bình thường, da mặt hồng hào, các em chỉ khó thở, tay chân hơi lạnh và cứng. Các em cần các liệu pháp tâm sinh lý để điều trị và ngăn chặn hiện tượng quay trở lại. Tôi đề nghị nhà trường cần tăng cường hơn nữa các liệu pháp tâm lý, giúp nữ sinh vận động nhiều trước mỗi giờ học”.

T.L-C.M