Bác sĩ chuyên phẫu thuật nội soi xương khớp tiết lộ kỷ niệm khó quên

Thanh Lam

Hơn 20 năm theo nghề, Đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Năng Giỏi không nhớ nổi mình đã thực hiện thành công cho bao nhiêu ca xương khớp, chỉ biết khi nhận được cuộc gọi hay tin nhắn cảm ơn thì đó là niềm vui, động lực để ông cứu thêm nhiều bệnh nhân khác.

Gắn bó với nghề bằng chữ Tâm

Được biết đến là một trong những thế hệ đầu tiên thực hiện nội soi khớp ở trong nước, Đại tá, Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Năng Giỏi (SN 1970) - Phó Viện trưởng viện Chấn thương chỉnh hỉnh, Chủ nhiệm khoa Chấn thương chỉnh hình tổng hợp (bệnh viện Trung ương Quân đội 108) - đã mổ hàng ngàn ca nội soi như: nội soi khớp gối, khớp háng, khớp vai, khớp cổ chân và khớp khuỷu. Trong đó, nổi bật là những ca nội soi tái tạo dây chằng chéo trước. Đồng thời, ông cũng được biết đến là người đầu tiên trong nước bảo vệ luận án tiến sĩ về nội soi phẫu thuật tái tạo dây chằng chéo trước khớp gối.

PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật gặp bác sĩ Giỏi khi ông vừa bước ra từ phòng phẫu thuật cho bệnh nhân gãy xương khớp. Lau vội giọt mồ hôi trên trán, ông kể cho chúng tôi nghe về những câu chuyện khó quên trong quá trình làm nghề của mình.

Vị bác sĩ này đã cùng ê-kíp thực hiện nhiều ca bệnh phức tạp.

Nhắc về những kỷ niệm trong quá trình phẫu thuật xương khớp, bác sĩ Giỏi chia sẻ: “Cách đây không lâu, có một bệnh nhân liên lạc qua điện thoại hỏi: “Bác sĩ có nhớ tôi không? Bác sĩ là người mổ lần thứ 6 cho tôi đấy”. Ngớ người một lúc tôi mới nhớ ra là bệnh nhân bị viêm dò vùng đùi (thuộc viêm xương đùi-PV) đã mổ đi mổ lại ở 5 bệnh viện nhưng đều không thành công, đến khi gặp tôi thực hiện là lần thứ 6 và ca phẫu thuật đó thành công được 5 - 6 năm. Nếu lần đó không thành công, bệnh nhân này có thể sẽ phải cắt chi. Bây giờ, mọi hoạt động của bệnh nhân trở về trạng thái bình thường”.

Còn một ca phức tạp mà bác sĩ Giỏi cũng rất nhớ đó là có những ca bệnh chấn thương gãy hai tay, hai đùi, hai cẳng chân: “Chúng tôi không thể tưởng tượng được bệnh nhân chấn thương cơ chế nào mà gãy đến mức như thế… Với trường hợp này chúng tôi chỉ đạo 2 ê-kíp song song phẫu thuật 3 - 4 giờ đồng hồ mới xong. Đây cũng là ca gây ấn tượng, bởi ít có trường hợp nào gãy nhiều như vậy. Sau khi xử trí, xương đã liền, bệnh nhân đi lại bình thường”.

Người bệnh luôn coi như ân nhân

Trong cuộc trò chuyện với PV, bác sĩ Giỏi khiêm tốn chia sẻ cho chúng tôi về những gì mà mình đã làm, cùng với đó là rất nhiều những câu chuyện về người bệnh đã được ông chữa khỏi.

Có một trường hợp đặc biệt mà vị bác sĩ ấy nhớ mãi, cho đến nay vẫn thường xuyên nhận được lời cảm ơn của bệnh nhân. Bác sĩ Giỏi kể: “Có một bệnh nhân nữ 20 tuổi rất xinh xắn nhưng không may trước đây bị gãy xương đùi, sau đó bó bột nhưng xương di lệch, biến chứng ngắn chi khoảng 7cm, chân nọ chân kia không bằng nhau, đi lại khập khiễng. Cô đã đến nhiều bệnh viện nổi tiếng nhưng không làm được. Khi tìm đến tôi, bệnh nhân này bày tỏ mong muốn hai chân được bằng nhau. Sau khi thăm khám, tôi có nói với bệnh nhân “tôi làm được” và cuối cùng sau ca phẫu thuật, 2 chân của bệnh nhân đã trở lại trạng thái bình thường”.

Bác sĩ Giỏi phẫu thuật thành công cho một ca bệnh 95 tuổi.

Theo lời của bác sĩ Giỏi, có được đôi chân bằng nhau, bệnh nhân ấy rất hạnh phúc, nhìn thấy nụ cười của bệnh nhân là vị bác sĩ thêm phần vui. Cho đến nay, bệnh nhân này lúc nào cũng thường xuyên thăm hỏi bác sĩ và coi ông như ân nhân đã cứu cô thoát khỏi tật nguyền.

Trong rất nhiều ca phẫu thuật xương khớp, ca lớn tuổi nhất mà bác sĩ Giỏi thực hiện là cho cụ già 102 tuổi (Hà Nội), cho đến nay cụ 104 tuổi vẫn sinh hoạt bình thường. “Bệnh nhân gãy liên mấu chuyển xương đùi, ở các bệnh viện khác thường không can thiệp vì tuổi quá cao. Nếu không can thiệp bệnh nhân sẽ gặp biến chứng viêm phổi, tử vong, còn mổ cũng có thể gặp những nguy cơ khác do cao tuổi. Khi đến với bệnh viện, tôi thăm khám và thấy rằng vẫn có thể phẫu thuật được, chẳng nhẽ chỉ vì tuổi tác mà không cứu… Tôi cùng đồng nghiệp quyết định thực hiện phẫu thuật . Đây cũng là ca bệnh cao tuổi nhất mà tôi mổ thành công. Hiện nay, cụ khỏe và đi lại bình thường, gia đình vẫn hay gọi điện cho tôi thông tin về tình hình sức khỏe của cụ”.

Không chịu bó tay trước các ca bệnh phức tạp, nhiều người gọi bác sĩ Giỏi là vị “cứu tinh làm liền xương”, nhưng vị bác sĩ ấy chỉ cười trừ không dám nhận danh xưng ấy. Với ông, cứu được người từ “què thành lành” đó là niềm vui, là động lực để ông tiếp tục cống hiến với công việc mà mình đã chọn.

Hậu phương vững chắc

Công việc của một bác sĩ, Chủ nhiệm khoa chiếm khá nhiều thời gian, nhưng rất may mắn ông luôn có vợ và các con bên cạnh động viên. Đó là hậu phương vững chắc để ông tiếp tục làm công việc cứu người.

“Tôi cảm thấy may mắn vì có vợ con là hậu phương. Còn đối với các đồng nghiệp, tôi luôn nói “mình không làm việc theo giờ, mà làm việc theo công việc”. Cứ khi nào hết việc thì về nghỉ, còn bệnh nhân thì còn cứu chữa”, bác sĩ Giỏi chia sẻ.

Hai bảo vệ trở lại làm cầu thủ

“Cách đây hơn 10 năm, trong một chuyến đi công tác tại Nha Trang, có hai cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp bị đứt dây chằng chéo, không có tiền để mổ nên phải đi làm bảo vệ. Khi biết tin tôi vào Nha Trang họ đã tìm đến, tôi đã thăm khám và mổ giúp. Cuối cùng, họ đã được quay trở lại với công việc thể thao mà không còn phải đi làm bảo vệ” - TS. BS Nguyễn Năng Giỏi.

H.Y - T.L