Hương Lan - Đặng Thủy

Trong sự nghiệp phá án đã có không ít đại án tham nhũng phức tạp mà ông Dương Thanh Biểu, nguyên Phó Viện trưởng VKSNDTC từng tham gia. Với ông, đại án Lã Thị Kim Oanh khiến ông và các đồng nghiệp phải “cân não” nhiều nhất. “Đàn bà dễ có mấy tay”, nếu không có sự giúp đỡ của các Thứ trưởng, Vụ trưởng lúc đó thì sao người đàn bà họ Lã này lại làm được những chuyện “động trời”?

Người đàn bà chuyên “moi” tiền tỷ của Nhà nước

“Đây là vụ án rất phức tạp, cơ quan điều tra phải mất gần 2 năm xác minh hàng trăm cơ quan, hàng chục địa phương và gặp hàng ngàn người để thu thập chứng cứ”, TS. Dương Thanh Biểu bắt đầu chia sẻ.

Đó là vào năm 2000, ông được bổ nhiệm làm Phó Viện trưởng VKSNDTC. Sau đó không lâu thì xảy ra vụ án Lã Thị Kim Oanh và ông đã tham gia chỉ đạo kiểm sát điều tra.

Hồi đó, Lã Thị Kim Oanh là Giám đốc công ty Tiếp thị & Thương mại Nông nghiệp thuộc bộ NN&PTNT. Từ năm 1995 đến 1999, Oanh và đồng phạm đã sử dụng vốn do ngân sách Nhà nước cấp cũng như đi vay các ngân hàng để thực hiện dự án nhưng thực chất nhằm tham ô hơn 70 tỷ đồng và hơn 92.000 USD, cố ý làm trái gây thiệt hại hơn 34 tỷ đồng và 3.000 USD.


TS.Dương Thanh Biểu và những âm hưởng tình người trong phá án

Lã Thị Kim Oanh người đàn bà dùng nhiều thủ đoạn để moi tiền Nhà nước


Hai cựu Thứ trưởng bộ NN&PTNT là Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân cùng 2 Vụ trưởng của Bộ lúc này là Phan Văn Quán và Huỳnh Xuân Hoàng phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Đầu 12/2003, tại phiên xét xử sơ thẩm, TAND TP.Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Lã Thị Kim Oanh mức án tử hình về tội Tham ô và Cố ý làm trái; cựu Thứ trưởng (thường trực) Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Thiện Luân cùng mức án 3 năm tù. Hai cựu Vụ trưởng Huỳnh Xuân Hoàng và Phạm Văn Quán cùng mức 4 năm tù.

Nhớ lại thời điểm đó, TS. Dương Thanh Biểu giọng sâu lắng, từng lời như chắt ra từ tim gan nói: “Với vụ án này, thực sự anh em rất lo lắng và vất vả. Công ty do Oanh làm Giám đốc lúc đó có mối quan hệ rất lớn với hàng trăm đơn vị là khách hàng. Riêng việc phải đi xác minh, thu thập tài liệu đã đủ toát mồ hôi.


TS.Dương Thanh Biểu và những âm hưởng tình người trong phá án

Lã Thị Kim Oanh bị dẫn giải ra tòa


Nhưng đáng nói hơn, vụ án có liên quan đến một số vị lãnh đạo, trong đó có một loạt Thứ trưởng và nhiều cán bộ cấp Vụ. Anh em điều tra viên và kiểm sát viên trước “núi” tài liệu và các quan hệ phức tạp như vậy đã thấy khổ rồi, đến khi kết luận lại càng khó khăn”.

Trong khi đó, Lã Thị Kim Oanh khai việc sử dụng số tiền có liên quan đến người nhà một số vị lãnh đạo của Bộ. Lời khai là một chuyện nhưng điều tra, khi áp dụng các biện pháp pháp lý đối với cán bộ đó rất khó khăn.


TS.Dương Thanh Biểu và những âm hưởng tình người trong phá án

Ai đã “giúp” Lã Thị Kim Oanh “chạy” hàng chục dự án?


Ông Biểu bộc bạch, trước phiên xử sơ thẩm dư luận cho rằng, VKSNDTC còn để lọt tội phạm. Không những thế, những bị cáo nguyên là cán bộ lãnh đạo bộ NN&PTNT cho rằng hành vi ký xác nhận cho Oanh vay tiền của các ngân hàng đã được báo cáo cho Bộ trưởng biết. Dư luận đề nghị cần đối chất giữa các bị cáo với Bộ trưởng đương chức khi đó là ông Lê Huy Ngọ và nguyên Bộ trưởng Nguyễn Công Tạn.

Đối chất với Bộ trưởng tại... toà

“Khi đó, với trách nhiệm tham mưu, tôi trao đổi với Viện trưởng Hà Mạnh Trí về những dư luận bức xúc nói trên. Tại tòa, các bị cáo và Luật sư đều tập trung khai thác những vấn đề liên quan đến trách nhiệm Bộ trưởng nhưng không có các vị ấy để đối chất. Mặt khác, Lã Thị Kim Oanh tham ô số tiền hơn 70 tỷ đồng nhưng khi khám nhà bị cáo lại không thu được gì đáng kể. Vì vậy, tôi đã đề xuất kế hoạch đối chất giữa các bị cáo và được Viện trưởng Hà Mạnh Trí đồng ý”, ông Biểu nhớ lại.

Ông Biểu trầm ngâm nói: “Tôi được giao chủ trì. Tiến hành đối chất cũng không phải chuyện dễ. Ngày 18/2/2004, tôi đã ký giấy giới thiệu cho Vụ phó 2A Mai Anh Thông trực tiếp sang gặp ông Nguyễn Công Tạn và ông Lê Huy Ngọ đặt vấn đề tiến hành đối chất. Cả hai ông đều đồng ý tham gia.


TS.Dương Thanh Biểu và những âm hưởng tình người trong phá án

Lã Thị Kim Oanh tham ô số tiền hơn 70 tỷ đồng nhưng khi khám nhà bị cáo lại không thu được gì đáng kể (Ảnh minh họa)


Hôm đối chất, trông Bộ trưởng Lê Huy Ngọ rất buồn. Tôi phần nào hiểu được nỗi khổ của ông lúc đó. Kết quả phiên đối chất cho thấy, cả hai nguyên Thứ trưởng (bị cáo trong vụ án) khi ký giấy tờ xác nhận cho Lã Thị Kim Oanh vay tiền đều không có bằng chứng thể hiện có báo cáo cho Bộ trưởng Ngọ”.

Cuối tháng 3/2004, tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội mở phiên phúc thẩm. Kết quả tòa tuyên y án tử hình đối với Lã Thị Kim Oanh (sau này Chủ tịch nước đã ân giảm cho Lã Thị Kim Oanh xuống còn chung thân); giảm án cho bị cáo Luân, nguyên Thứ trưởng, từ 3 năm xuống còn 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo, giữ nguyên mức án 3 năm tù đối với bị cáo Hà, cựu Thứ trưởng nhưng cho hưởng án treo.

Nhắc đến những áp lực khi tham gia vụ án này, TS. Dương Thanh Biểu thẳng thắn chia sẻ: “Khi tham gia phá án, đặc biệt “sờ gáy” nhiều cán bộ cao cấp, đúng là rất áp lực. Nhưng với tôi, áp lực lớn nhất của các cơ quan bảo vệ pháp luật là phải bảo đảm vụ án được xét xử chính xác, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Khi bàn tay của người thực thi công vụ “nhúng chàm” thì sẵn sàng bóp méo sự thật và chắc chắn vụ án sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi giải quyết”.


TS.Dương Thanh Biểu và những âm hưởng tình người trong phá án

H.L-Đ.T