Bài học chống dịch Covid-19 tại Hà Nội cho thấy sức mạnh đồng lòng, nên tiếp tục giãn cách xã hội

Thanh Lam

Theo chuyên gia y tế, ĐBQH, Hà Nội đã làm tốt công tác chống dịch Covid-19 thời gian qua, điều đó cho thấy sự quyết liệt, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Nhưng, theo các chuyên gia chúng ta nên tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội.

Giá trị của sức khoẻ là trên hết

Từ một địa bàn nóng với số ca nhiễm Covid-19 dẫn đầu cả nước, nhưng đã 6 ngày qua (từ ngày 15/4 đến nay), Hà Nội không ghi nhận thêm ca mắc mới. Hôm nay (22/4) cũng là ngày cuối cùng trong giai đoạn 2 Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, PV Người Đưa Tin Pháp luật đã lắng nghe những ý kiến đánh giá của các chuyên gia y tế, ĐBQH về công tác phòng, chống dịch trên cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng.

Trao đổi với PV, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý, Ủy viên thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: “Về công tác phòng, chống dịch Covid-19 cho thấy sự quyết liệt, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Đồng thời, cho thấy sự đồng lòng của cả hai phía chính quyền và người dân, điều này cũng thấy rằng giá trị của sức khoẻ là trên hết. Việc chấp hành của người dân cũng như sự chỉ đạo quyết liệt của ban chỉ đạo quốc gia, ban chỉ đạo phòng chống dịch TP.Hà Nội đã cho thấy việc phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, rất tốt và thế giới cũng phải công nhận”.

Tại cuộc họp sáng 22/4, Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống dịch Covid-19, đối với nhóm nguy cơ cao, hiện chỉ còn Hà Nội, Ban chỉ đạo đề xuất tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 thêm 1 tuần nữa (đến hết 30/4/2020).

Liên quan đến đề xuất này, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý cho hay: “Đề xuất này có lý, bởi Hà Nội là địa bàn nóng và làm thế nào để dịch bệnh được dứt điểm. Vừa qua, chúng ta tổ chức xét nghiệm rộng rãi ở các chợ đầu mối cho kết quả đều là âm tính, nhưng theo tôi chúng ta không nên chủ quan. Nếu giãn cách được vẫn tốt, nhưng không phải giãn cách quá chặt mà có thể nới lỏng một chút.

Ví dụ như những hàng ăn bán cho người mang về, có nơi rộng rãi bố trí có khoảng cách ngồi cách xa 2 mét, đảm bảo được thì tạo điều kiện”.

ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý cũng đặc biệt nhấn mạnh: “Lưu ý, giãn cách xã hội cũng cần quan tâm đến các tầng lớp nhân dân, nhất là những người yếu thế trong xã hội, những người lao động tự do… để họ được ổn định đời sống. Có thể thấy, trong quá trình phòng, chống dịch cũng xuất hiện những hình ảnh đẹp làm ấm lòng người như phát gạo, phát đồ ăn miễn phí… đi đôi với giãn cách xã hội là phải quan tâm tới đời sống của người dân, đảm bảo để không ai bị bỏ lại phía sau như Thủ tướng nêu”.

Nói thêm về phương pháp giãn cách xã hội, ĐBQH Nguyễn Thị Kim Thuý cho rằng có thể không phải giãn cách căng thẳng như trước đây: “Quan điểm của tôi là vẫn ủng hộ việc thực hiện giãn cách xã hội, nhưng có thể nới lỏng hơn một chút, yêu cầu là vẫn cần đeo khẩu trang khi ra ngoài, đứng cách nhau tối thiểu 2 mét, rửa tay thường xuyên và nếu không có việc cần thiết không nên ra ngoài.

Bên cạnh đó, cũng có những cái chưa cần nới lỏng như: Những phòng tập thể thao như phòng Gym vì phòng kín; khu vui chơi giải trí và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, lễ hội tập trung đông người cũng chưa nên cho diễn ra. Ngoài ra, cần nâng cao ý thức của người dân để làm sao đẩy lùi được đại dịch”.

Ủng hộ Hà Nội tiếp tục giãn cách

Chia sẻ thêm với PV, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (bộ Y tế) đánh giá: “Có thể nói, Hà Nội phòng chống dịch Covid-19 như thời gian qua là quyết liệt, dập tắt được các ổ dịch như ở Hạ Lôi, Thường Tín, công ty Trường Sinh và không để lây lan ra cộng đồng.

Tuy nhiên, còn những nhóm nguy cơ, có những người dương tính với bệnh không có triệu chứng, thậm chí đi lại trong cộng đồng”.

Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên tắc là phải cách ly 14 ngày, Hà Nội hiện mới qua ngày thứ 6 không phát hiện ca mới, còn 8 ngày nữa nên việc đề xuất giãn cách xã hội ở Hà Nội thêm 1 tuần nữa là ý kiến hợp lý.

“Nhưng, Hà Nội nên cân nhắc với điều kiện từng khu vực hoặc cân nhắc với điều kiện tình hình dịch tễ. Việc tiếp tục giãn cách xã hội là hợp lý, nhưng nên nới lỏng một số có thể những ngày trước ở cấp độ 1, thì bây giờ giãn cách ở cấp độ 2”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhấn mạnh.

Đồng thời, PGS.TS Nguyễn Huy Nga khuyến cáo, trong thời gian tới người dân nên tiếp tục thực hiện nghiêm những khuyến cáo của bộ Y tế đó là đeo khẩu trang, đứng cách xa nhau đủ khoảng cách 2 mét…

Trong khi đó, trả lời báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng của bộ Y tế, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam đánh giá, Việt Nam đã bước sang 6 ngày không có ca mới là một tín hiệu vui vì chúng ta vẫn đang khống chế được dịch không bùng phát. Tuy nhiên, nguy cơ dịch tại nước ta vẫn còn hiện hữu và vì thế, mọi sự chủ quan lúc này có thể làm cho dịch sẽ có những diễn biến phức tạp.

Thực hiện việc giãn cách xã hội làm cho người dân hạn chế tiếp xúc, tránh lây lan dịch bệnh. “Tôi thấy đặc biệt hơn cả là chúng ta không phát hiện được ổ dịch mới trong cộng đồng. Đó là những tín hiệu khả quan. Ngoài chống dịch, ngăn chặn, khoanh vùng, giãn cách xã hội đã đem lại hiệu quả đó. Thực tế, các nước không giãn cách xã hội, dịch đã bùng phát mạnh”, ông Phu nói.

PTS.TS Trần Đắc Phu cũng cho rằng, Việt Nam đã thành công ở giai đoạn hiện nay chính là đang kiểm soát được dịch bệnh. Tuy nhiên, người dân không được lơ là, chủ quan, phải làm quyết liệt việc giãn cách xã hội để cùng với cả nước quyết tâm khống chế được đại dịch này.

T.L