Bất cập nhiều vấn đề trong bảo hiểm xe máy: Lỗi do cơ quan chức năng và cả người mua

Bảo Yến

Sau khi lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) đồng loạt ra quân kiểm tra xử lý phương tiện giao thông (15/5 – 14/6/2020), thị trường bảo hiểm xe máy vẫn chưa bớt “nóng” bởi “ma trận” thông tin vây quanh người dân. Mua loại nào để không bị phạt? Tại sao chênh chệch 66.000 đồng với 10.000 đồng?... là những băn khoăn rất phổ biến. Trong khi đó, thông tin quan trọng là quyền lợi khi mua bảo hiểm thế nào, trình tự thủ tục nhận bảo hiểm ra sao thì rất ít người nắm được.

Loạn giá bảo hiểm xe máy – Dân băn khoăn về quyền lợi bồi thường

Một điều dễ nhận thấy là trong đợt tổng kiểm tra xe cơ giới (bao gồm ô tô, xe máy, mô tô 3 bánh) nói trên, thị trường bảo hiểm (BH) ô tô dường như khá im lìm bởi hầu hết chủ ô tô đều ý thức được đó là tài sản giá trị lớn nên đã chủ động mua BH từ trước. Ngược lại, thị trường BH xe máy vẫn rất sôi động vì thói quen của nhiều người chỉ đến khi sợ bị phạt mới vội vàng mua.

Chính vì tâm lý thụ động như vậy nên họ vội vàng mua để đối phó, không tìm hiểu xem quy định, cách thức như thế nào.

Dễ nhận thấy, BH xe máy là mặt hàng giá rẻ nên cũng không hề kén đối tượng cung cấp. Từ cây xăng, quán nước đến người nhàn rỗi căng cái biển ra vỉa hè cũng có thể trở thành “đại lý” bán loại BH này. Thế là khắp nơi người ta nhìn thấy những mức giá “nhảy múa” từ 55.000 đồng, 66.000 đồng, 35.000 đồng, thậm chí có cả loại giá rẻ 10.000 đồng, 20.000 đồng...

Tại một điểm bán lẻ BH xe cơ giới ở phố Lê Thanh Nghị (Hà Nội), PV ĐS & PL được chị Doãn Thị Thanh Vân (Bạch Mai, Hà Nội) – một khách hàng đang mua BH xe máy cho biết, mấy hôm trước chồng chị mua loại 20.000 đồng vẫn bị CSGT phạt nên hôm nay chị phải đích thân đi tìm hiểu và mua cho cả hai vợ chồng.

Theo quan sát của PV, người bán bảo hiểm chỉ đưa ra hai loại bảo hiểm bắt buộc và tự nguyện rồi cho khách lựa chọn chứ không giải thích khác nhau như thế nào. Khi PV hỏi người bán bảo hiểm là quyền lợi bồi thường của từng loại khác nhau như thế nào thì người này chỉ vào tờ giấy chứng nhận bảo hiểm nói rằng đọc ở đây, ngoài ra chị này không biết gì thêm.

"Khi xảy ra tai nạn giao thông, đơn vị bảo hiểm sẽ căn cứ vào thông báo của cảnh sát giao thông để xác định lỗi của mỗi bên để có thỏa thuận đền bù bằng văn bản được cơ quan CSGT xác nhận. Nếu là lỗi hỗn hợp thì việc bồi thường sẽ dựa vào kết luận của CGST".

Đại úy Đỗ Xuân Khoa - Tổ xử lý, Đội CSGT số 6, Phòng CSGT Công an Hà Nội (Mai Hằng ghi)

Tiếp cận một thị trường bán BH xe máy cũng không kém phần tấp nập là trên mạng internet (bao gồm từ các trang bán hàng trực tuyến như Tiki, Lazada… và mạng xã hội Facebook), PV được một nhân viên tư vấn bảo hiểm của hãng BH nhân thọ Manulife (đang bán thêm BH xe máy của Bảo hiểm Dầu khí - PVI) cho hay: “Khi khách hỏi mua, em đều giải thích cho khách hiểu là theo quy định, có 2 loại BH xe máy bắt buộc có giá 55.000 đồng (dành cho xe có dung tích từ 50cc trở xuống) và 66.000 đồng (dung tích trên 50cc) còn loại rẻ hơn là BH tự nguyện có thể mua hoặc không. Nhưng một số khách hàng ham rẻ vẫn chọn loại tự nguyện thì em cũng không biết giải thích như thế nào”.

Tiếp cận một khách hàng vừa mua BH xe máy trên mạng thông qua Lazada, PV hỏi: “Anh có biết quyền lợi thế nào, bồi thường ra sao không?” thì anh này trả lời: “Tôi mua để xuất trình cho cảnh sát giao thông thôi chứ cũng không mong gì bồi thường. Cái xe máy mười mấy triệu, có va quệt thì chủ động giải quyết chứ chờ làm hồ sơ thủ tục thì đến bao giờ?”.

Trao đổi với PV ĐS&PL, chị Hoàng Thị Mến, một cộng tác viên bán BH xe máy của PVI chi nhánh Hà Thành cho biết, về bản chất thì BH bắt buộc là loại BH quy định trách nhiệm của chủ xe cơ giới đối với bên thứ 3 còn BH tự nguyện là loại bảo hiểm dành cho quyền lợi của người ngồi trên xe của chiếc xe mua bảo hiểm đó. Ví dụ, khi anh A mua BH bắt buộc và gây tai nạn cho anh B thì hãng bảo hiểm sẽ thay thế anh A đền bù thiệt hại cho anh B. Mức đền bù tối đa 100 triệu đồng/người/vụ và 50 triệu đồng/tài sản/vụ.

Còn nếu anh A mua cả loại BH tự nguyện thì hãng bảo hiểm sẽ đền bù cho cả anh A và người ngồi trên xe anh A vào thời điểm gây tai nạn (nếu có). Mức phí BH tự nguyện nếu 10.000 đồng/năm thì mức đền bù là 5 triệu đồng/người/vụ; còn mức đóng 20.000 đồng/năm thì mức đền bù là 10 triệu đồng/người/vụ.

“Mỗi khi bán BH xe cơ giới cho khách hàng, em đều gửi cho họ đường link có Thông tư 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhưng không biết họ có đọc không” – chị Mến nói.

Cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền

Theo Thông tư 22 thì việc tuyên truyền cho khách hàng hiểu về sản phẩm BH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thuộc trách nhiệm của bên cung cấp bảo hiểm. Tuy nhiên, dạo qua một vài website của các công ty BH có cung cấp sản phẩm bảo hiểm này, chúng tôi nhận thấy thông tin tại chính những công ty này cũng không đầy đủ, không rõ ràng.

Tại website của Tổng Công ty Bảo hiểm Bưu điện (PVI), mục “Bảo hiểm xe máy bắt buộc” chỉ có thông tin về đối tượng, phạm vi, quyền lợi bảo hiểm, sau đó có đường link tới Thông tư 22/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới (nhưng lại thiếu Phụ lục 5 có biểu giá cụ thể).

Website của Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) mục sản phẩm “Bảo hiểm Bắt buộc TNDS của chủ xe mô tô” thì thậm chí chỉ có vài dòng sơ sài về đối tượng và quyền lợi bảo hiểm.

Thông tin trên trang của Tổng Công ty Bảo hiểm Hàng không (VNI) cũng tương tự, nhưng có công cụ mua BH xe máy trực tuyến. Khi khách hàng điền đầy đủ thông tin cá nhân, thông số xe máy thì sẽ hiện ra giá tiền 55.000 đồng và 66.000 đồng theo phân loại xe đã nói ở trên, ngoài ra không giải thích gì thêm.

Như vậy, chính công ty cung cấp BH xe máy còn thiếu chỉn chu trong cung cấp thông tin sản phẩm cho khách hàng, mặc dù là trách nhiệm của mình, thì việc khách hàng không nắm được giá bán, quyền lợi là điều bình thường.

Trao đổi với PV ĐS & PL, chuyên gia giao thông – GS.TS Từ Sỹ Sùa (Giảng viên Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội) nêu quan điểm: “Tại một số nước trên thế giới cũng đã áp dụng BH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, có nước quy định là bắt buộc, có nước coi là hợp đồng dân sự, nhưng theo tôi bắt buộc là đúng vì bảo hiểm là công cụ ưu việt của xã hội văn minh.

Tuy vậy, bên cạnh việc bắt buộc thì cần đẩy mạnh khâu tuyên truyền để dân hiểu ý nghĩa thiết thực của nó. Ngoài ra từ cơ quan quản lý đến các bên tham gia cần có sự minh bạch rõ ràng thông tin như giá bao nhiêu, ngân sách thu từ BH xe cơ giới được quản lý thế nào, ai quản lý, chi trả bồi thường ra sao…”.

Chuyên gia Từ Sỹ Sùa cũng cho rằng, việc kiểm tra BH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nên được thực hiện đồng bộ tại các khâu cấp bằng lái xe (cơ quan công an), bán xe (đại lý ô tô, xe máy), đăng kiểm (các trung tâm đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam) đi kèm với tuyên truyền (có thể in Thông tư 22 phát kèm), chắc chắn hiệu quả tuyên truyền sẽ cao hơn.

Lỗi do cả người dân?!

Mặc dù vấn đề bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới đã được đề cập trong Luật Giao thông đường bộ 2008, Thông tư 22 năm 2016 của Bộ Tài chính, nhưng điều kỳ lạ là mỗi lần vấn đề được xới lên thì dư luận xã hội lại xôn xao như thể chính sách mới. Thậm chí sau 4 năm triển khai thực hiện, đến nay vẫn còn khá nhiều ý kiến cho rằng bắt buộc mua BH xe cơ giới là khiên cưỡng, vi phạm nguyên tắc tự nguyện của các giao dịch dân sự.

Trao đổi với PV ĐS & PL, Luật sư Trương Thanh Đức (Chủ tịch Công ty Luật BASICO) cho hay: Luật Kinh doanh bảo hiểm 2000 (sửa đổi năm 2010) tại Điều 8 quy định về Bảo hiểm bắt buộc có ghi rõ: “Bảo hiểm bắt buộc chỉ áp dụng đối với một số loại bảo hiểm nhằm mục đích bảo vệ lợi ích công cộng và an toàn xã hội” trong đó có BH trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Tại Khoản 3 Điều 8 Luật này cũng quy định: “Căn cứ vào nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ, Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định loại bảo hiểm bắt buộc khác”, nghĩa là Quốc hội có thẩm quyền phê duyệt loại bảo hiểm nào là bắt buộc.

Theo Luật sư Nguyễn Thế Truyền (Giám đốc công ty Luật Hợp danh Thiên Thanh, đoàn Luật sư TP Hà Nội), Bộ luật Dân sự 2015 (sửa đổi năm 2017) có làm rõ nguyên nhân vì sao xe cơ giới lại là đối tượng phải mua BH bắt buộc. Cụ thể tại Điều 601 Bộ luật này xếp “phương tiện giao thông vận tải cơ giới” trong nhóm “nguồn nguy hiểm cao độ” và quy định khi nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thiệt hại cho đối tượng khác thì phải bồi thường.

“Đó là chưa kể tại Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định về điều kiện của người lái xe tham gia giao thông đã ghi rõ phải mang theo một số giấy tờ bao gồm Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới” – Luật sư Truyền nói.

Ngoài ra, chúng tôi cho rằng chính tại Thông tư 22 của Bộ Tài chính (với 3 chương, 21 điều, 9 phụ lục) cũng đã quy định rất rõ ràng, chi tiết quyền lợi lẫn trách nhiệm của các bên tham gia BH xe cơ giới, niêm yết mức giá bán BH bắt buộc, bảng quyền lợi chi trả bồi thường cho các loại tổn thương do tai nạn, thậm chí còn cung cấp cả các biểu mẫu hồ sơ giúp chủ phương tiện điền thông tin để nhận bồi thường.

Thế nên người dân khi mua BH xe máy mà vẫn không nắm được là mình đang mua sản phẩm BH nào, trách nhiệm quyền lợi ra sao thì trước hết là do lỗi của chính người dân không nắm được luật pháp hiện hành, không chủ động tiếp cận chính sách liên quan đến mình.

Nếu như có người than phiền rằng khó khăn khi nhận bồi thường từ BH xe máy thì hãy nghe Luật gia Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP HCM giải thích lý do sau đây.

Mặc dù cũng đồng tình rằng dường như cơ quan quản lý lâu nay thiếu hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu sự cần thiết của bảo hiểm bắt buộc và các công ty bán bảo hiểm tuy hưởng lợi nhất về chủ trương này nhưng cũng chỉ tập trung bán mà không có các hoạt động cung cấp thông tin cho khách hàng, bà Thu vẫn cho rằng có phần lỗi từ người tiêu dùng.

“Do số tiền bỏ ra không quá lớn nên nhiều chủ xe máy mua BH xe máy xong bỏ ví mà không chủ động tìm hiểu dẫn đến bị mất quyền lợi”- Luật gia Phan Thị Việt Thu nói, đồng thời cho biết, từ trước đến giờ, hội Bảo vệ người tiêu dùng TP HCM chưa từng tiếp nhận trường hợp khiếu nại nào xung quanh vấn đề đòi tiền bảo hiểm của chủ xe máy.

Dưới góc độ doanh nghiệp bảo hiểm, một đại diện Tổng Công ty CP Bảo hiểm Bưu điện (PTI) cũng thông tin, trong năm 2019, PTI đã bồi thường bảo hiểm xe máy khoảng hơn 20 tỷ đồng.

"Đi xe máy, ô tô ra đường mà không mua bảo hiểm chẳng khác nào đi trên cầu thang chênh vênh không có tay vịn".

GS.TS Từ Sỹ Sùa (Giảng viên ĐH Giao thông Vận tải Hà Nội)

Bảo Yến