Trở thành công chức từ lâu vốn được coi là mục tiêu hấp dẫn đối với người tìm việc ở Trung Quốc, bởi có việc làm trong cơ quan nhà nước vẫn được đánh giá là ổn định, thu nhập tốt và hơn cả là cơ hội thăng tiến.
Trung Quốc vừa bước vào kì thi tuyển sinh đại học khốc liệt nhất vào tháng 7 vừa qua, nơi hàng triệu học sinh trên cả nước phấn đấu cho một chiếc vé vào ngôi trường đại học mơ ước, được coi là sự bảo đảm không thể tốt hơn cho tương lai tươi sáng.
Vốn nổi tiếng là quốc gia có những kỳ thi gắt gao nhất trên thế giới, thi đại học ở Trung Quốc có tỷ lệ chọi cao, áp lực đè nặng trên vai. Thế nhưng không nhiều người biết được rằng, đó mới chỉ là khởi đầu. Bước vào ngôi trường đại học ở Trung Quốc đã khó, để tìm kiếm được một việc làm ổn định tại quốc gia này lại còn phải trải qua một kỳ thi khó khăn hơn nữa, đó là thi công chức.
Cuối năm 2019 vừa qua, Trung Quốc ghi nhận con số 1,4 triệu người tham dự kỳ thi tuyển công chức nhằm giành được 1 trong số 24.000 việc làm của chính phủ, với tỷ lệ chọi lên tới 1/60. Kỳ thi công chức từ lâu đã có sức hút lớn đối với người lao động tìm việc ở Trung Quốc, bởi các cơ quan chính phủ được ví như "bát cơm sắt", cho họ sự đảm bảo về an toàn và thu nhập.
Thế nhưng, cũng chính từ sự ổn định này mà các cơ quan hành chính Trung Quốc tuyển về một bộ phận không nhỏ những cán bộ, công chức có suy nghĩ an nhàn, yên vị, không muốn phấn đấu. Dần dần, họ trở nên quan liêu, tiêu cực, lười biếng, kéo theo cà bộ máy trở nên suy thoái, gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan công quyền.
Câu chuyện tìm kiếm một chỗ ngồi trong công chức ở Trung Quốc có vẻ không mới, mà ngay ở Việt Nam, đây cũng là định hướng, khao khát của nhiều người. Nhưng không biết từ khi nào, hình ảnh các đơn vị hành chính hay cán bộ, công chức làm việc chây ì, lười biếng cũng đã vô tình trở nên quen thuộc trong tâm thức của công chúng.
Năng lực không đảm bảo, thái độ làm việc quan liêu nên dự án luôn bị chậm tiến độ, đội vốn, kéo dài qua nhiều năm, cán bộ thì tận dụng giờ hành chính để làm việc riêng, nhậu nhẹt, say ngủ, cho đến táo tợn hơn là tham nhũng, bè phái, lợi ích khuất tất.
Tất cả những thể hiện xấu xí nói trên đã phần nào là nguyên nhân kìm hãm sự phát triển chung trong các kế hoạch kinh tế-xã hội, gây phiền hà trong các thủ tục hành chính và phần nào khiến cho người dân mất niềm tin khi có những “con sâu làm rầu nồi canh”.
Trong báo cáo mới nhất hồi tháng 6 vừa qua, bộ Giao thông Vận tải cho biết, ngành này hiện có 48 dự án trọng điểm nhưng mới chỉ có 24 công trình đưa vào khai thác, trong khi có 6 dự án siêu trọng điểm đang thi công rơi vào tình trạng chậm tiến độ dài hạn, đội vốn cao.
Vẫn là nhiều lý do được đưa ra như: Vốn đầu tư không đáp ứng yêu cầu, cơ chế giải ngân phức tạp, việc giải phóng mặt bằng gặp khó khăn. Nhưng mới đây, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Đỗ Văn Sinh thẳng thắn chỉ ra rằng gốc rễ của vấn đề chậm là do các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện các dự án “không làm tròn trách nhiệm”.
Cam kết ban đầu luôn hứa hẹn đầy hy vọng, nhưng khi chậm trễ, gây ra thất thu, ảnh hưởng tới nhiều mặt của đời sống, thì không ai đứng ra nhận lỗi về mình. Để rồi các công trình ngổn ngang vẫn còn đó không biết khi nào thành hình.
Công chức vẫn muôn thuở đi theo lối suy nghĩ “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về”. Họ coi công việc của mình là một bến đậu an toàn. Mà đã là nơi an toàn thì không cần phải quá nỗ lực, quá chứng tỏ hiệu quả công việc. Đã vào biên chế là không cần phấn đấu, tháng lĩnh lương đều.
Kể từ 1/7/2020, khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức có hiệu lực, sẽ chẳng còn biên chế suốt đời. Đây là một quyết định đáng hoan nghênh khi phần nào đó sẽ loại bỏ những cá nhân chỉ nhăm nhe tìm một bến đậu thay vì dấn thân vào sự nghiệp cống hiến cho nhân dân, đất nước.
Người có trí, có tài sẽ đóng góp sức mình mà không cần đến cái danh nghĩa “biên chế trọn đời” cũng như không cần “bát cơm sắt” để nuôi sống bản thân.
*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả!