img

Bật cười câu chuyện “khổ vì khỏe” của bác sĩ mắc Covid-19

Hải Yến

Trái ngược với người thân, bạn bè đang “lo sốt vó” khi anh trở thành bệnh nhân thứ 889 nhiễm Covid-19, bác sĩ Nguyễn Sỹ Linh (khoa Gây mê hồi sức, bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng) lại “đau đầu” vì “khỏe”, cơm ăn ba bữa, tập thể dục cả ngày. Anh tự chọn cho mình chế độ cách ly VIP – dành cho các bệnh nhân tinh thần lạc quan cao, cách nói tếu táo khiến nhiều người thêm nể phục.

Chẳng có gì sốc

Không mảy may lo lắng khi nhận kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2, bác sĩ Linh điềm tĩnh: “Khi biết mình bị nhiễm thì tôi đón nhận rất bình thường, không có cảm giác lo lắng gì hết. Người thân, bạn bè và đồng nghiệp lo lắng đến nỗi gọi điện hỏi thăm miết nhưng mình thấy cần phải vui vẻ, bình tĩnh, lạc quan để tạo động lực cho mọi người. Covid - 19 không đáng sợ như mọi người vẫn nghĩ, tất nhiên nói thế không phải để chúng ta chủ quan, vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng dịch để bảo vệ những đối tượng nguy cơ cao. Nếu không may mắc phải thì cứ bình tĩnh, lạc quan, nhiễm SARS-CoV-2 cũng như nhiễm những virus khác thôi, đến thời gian nhất định và chữa trị đúng cách nó sẽ tự khỏi”.

Không hề sốc và tiêu cực khi biết mình bị nhiễm virus SARS-CoV-2, bác sĩ Linh luôn giữ cho mình tâm thái vui vẻ, ung dung, thậm chí còn động viên ngược người nhà những bệnh nhân khác. “Có mấy người nhà của bệnh nhân xung quanh gọi điện vào khóc, mọi người ở đây lại phải động viên”, ca nhiễm 889 nửa đùa, nửa thật.

img

Bác sĩ Nguyễn Sỹ Linh tham gia điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 tại bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.

Trước đó, do tình hình dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại, bác sĩ Nguyễn Sỹ Linh chuyển lên trực chiến tại bệnh viện Dã chiến Hòa Vang (Đà Nẵng) theo điều động của sở Y tế thành phố. Làm việc tại khu hồi sức cho bệnh nhân nặng, bác sĩ Linh không may trở thành người nhiễm bệnh. Chia sẻ về những triệu chứng khiến anh phát hiện mình nhiễm bệnh, bác sĩ Linh nhớ lại: “Đêm 10/8 tôi cảm thấy đau đầu, sốt nhẹ, hơi nghẹt mũi. Ngày 11/8 hết sốt, chỉ còn đau đầu nhẹ. Tôi đi làm xét nghiệm thì kết quả dương tính. Đến ngày 13/8, tôi lập tức đi cách ly và điều trị”.

Tâm sự thêm về tinh thần lạc quan khi biết bệnh, bác sĩ Linh cho hay không phải mình quá vô tư hay coi thường đại dịch: “Một phần vì tôi là bác sĩ hồi sức, bản thân mình luôn phải giữ bình tĩnh trong tất cả các tình huống. Một phần vì tôi hiểu cơ chế gây bệnh của virus SARS-CoV-2, hậu quả nó đưa tới trên từng đối tượng bệnh nhân. Tôi là người khỏe mạnh, sức đề kháng tốt. Cũng có những bệnh nhân trẻ tử vong do virus nhưng tỉ lệ thấp hơn rất nhiều so với các đối tượng nguy cơ cao. Hơn nữa, khi tham gia điều trị cho bệnh nhân ở bệnh viện Dã chiến Hòa Vang thì tôi đã xác định nguy cơ nhiễm bệnh rồi, vì vậy tôi cũng nhẹ nhàng khi đón nhận nó”.

Suýt thì quên mình nhiễm bệnh

Tham gia điều trị tại bệnh viện Dã chiến Hòa Vang, anh bác sĩ quê Bàu Mạc 5 (quận Liên Chiểu, TP.Đà Nẵng) nhiều lúc quên mình đang là người mang bệnh. Hài lòng, thậm chí là thích thú với sinh hoạt tại khu cách ly, bác sĩ Linh chia sẻ có phần hơi tếu: “F0 VIP - chế độ này dành cho các đối tượng tinh thần lạc quan cao, có lực lượng an ninh canh gác 2 vòng đảm bảo an toàn 24/24; có điều dưỡng phục vụ 24/24, thăm hỏi động viên các kiểu, thỉnh thoảng còn có lãnh đạo tới thăm; có chỗ tập Gym miễn phí, bên cạnh còn có mấy cô xinh tươi”.

Chuyển từ cương vị người thầy thuốc thành bệnh nhân, bác sĩ Linh cho biết thói quen sinh hoạt của mình không có gì thay đổi nhiều: “Ở khu vực dành cho bệnh nhân Covid thì ngặt nỗi là không được đi lại nhiều, thời gian còn lại thì ngày ăn 3 bữa theo chế độ cách ly, cố gắng tập thể dục, đọc sách, đọc báo và viết bài động viên mọi người trên mạng xã hội. Bài viết đăng tải, nhận được nhiều phản hồi tích cực nên tôi cũng thấy vui, viết cho mọi người biết mình còn khỏe mạnh và cố gắng tạo động lực cho những bệnh nhân xung quanh để họ lạc quan đẩy lùi Covid -19”.

img

PGS.TS Nguyễn Trường Sơn, Thứ trưởng bộ Y tế, Trưởng Tiểu ban Điều trị thuộc ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đến thăm và động viên các y bác sĩ, bệnh nhân tại bệnh viện Dã chiến Hòa Vang.

Tạm gọi là thời gian “nghỉ dưỡng”, bác sĩ Linh có dịp lắng lại để tiếp xúc nhiều hơn với các bệnh nhân, nghe anh chia sẻ ai cũng đều vui tươi, bớt âu lo phần nào. “Có bệnh nhân 73 tuổi nhưng vẫn gập bụng rất khỏe. Nằm đây mà không thể dục thì chán lắm, nên chúng tôi phải động viên nhau tự vận động để ăn cơm cho ngon”, bác sĩ Linh bộc bạch.

Chưa hết ấn tượng về những bệnh nhân tuổi cao chí càng cao, bác sĩ Linh thêm một lần nữa cảm phục và trân trọng những y bác sĩ đang ngày đêm “đổ mồ hôi, sôi nước mắt” tại bệnh viện: “Ngành y cũng như bao ngành khác, có những đặc thù riêng, áp lực riêng nhưng chung quy đó là trách nhiệm và nhiệm vụ phải làm. Khi đất nước khó khăn thì không ai được thoái thác trách nhiệm của mình, mọi người đều phải cố gắng. Mình rất cảm phục sự nỗ lực của các y bác sĩ, có những y bác sĩ từ Hà Nội, Hải Phòng, TP.Hồ Chí Minh sẵn sàng đi vào Đà Nẵng để hỗ trợ chống dịch; những chị điều dưỡng còn con nhỏ, họ có chế độ riêng nhưng họ không thoái thác; những em sinh viên y đầy nhiệt huyết và bên cạnh đó là sự nỗ lực của tất cả mọi người ở nhiều ngành nghề khác nhau. Tôi cảm thấy trong đại dịch con người xích lại gần nhau hơn, tình người, tình dân tộc được đề cao hơn”.

Sự nội tâm và sâu sắc đằng sau người bác sĩ quê Liên Chiểu dường như mới là bản chất thật của anh. Hòa chung với niềm hy vọng của đất nước, bác sĩ Linh gửi đến toàn thể các y bác sĩ, các lực lượng tuyến đầu chống dịch lời chúc sức khỏe, bình an đồng hành cùng nhân dân vượt qua đại dịch. Vẫn là giọng điệu khôi hài nhưng rất thật, bác sĩ Linh bày tỏ nếu sau khi anh khỏi bệnh, tình hình dịch dã vẫn chưa yên, anh sẽ không ngần ngại mà tiếp tục tham gia vào cuộc chiến đập tan Covid một lần nữa.

Không che giấu danh tính như những ca bệnh nhiễm virus SARS-CoV-2 khác

Khi hỏi về lý do bác sĩ Linh công khai mình là bệnh nhân thứ 889 với cộng đồng mạng thì đây là câu trả lời: “Tôi nghĩ Covid-19 cũng chỉ là một bệnh nhiễm virus, bệnh nhân sẽ khỏi bệnh sau khi điều trị và cách ly đúng cách, vì vậy không có gì phải giấu cả. Tôi công khai để mọi người đang mắc bệnh không cảm thấy mặc cảm, và có động lực hơn trong điều trị. Những người không mắc bệnh cũng không nên kỳ thị mà phải tiếp thêm sức mạnh cho những người mang bệnh. Có chung sức, chung lòng chúng ta mới nhanh chóng vượt qua đại dịch này”.

H.Y

img