Bến không phép ngang nhiên hoạt động, dù bị xử phạt vẫn “chống lệnh” không chấp hành

Anh Ngọc

Mặc dù chưa được cấp phép hoạt động nhưng 3 hộ kinh doanh đã tiến hành lập bến, neo đậu và đưa khách đi du lịch tại khu vực thượng lưu đập Phà Lài. Điều đáng nói, dù các cơ quan chức năng đã rất nhiều lần tiến hành kiểm tra nhưng chưa thể xử lý.

Chèo kéo khách, hoạt động thuyền máy không phép

Khu vực đập Phà Lài, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông.

Đập Phà Lài - công trình thuỷ lợi lớn nhất của xã Môn Sơn, huyện miền núi Con Cuông, tỉnh Nghệ An được khởi công xây dựng từ năm 2000 và hoàn thiện đưa vào sử dụng năm 2002. Đập ngăn nước sông Giăng, với mục đích giữ nước cho canh tác, sinh hoạt của người dân.

Cũng bắt đầu từ đó, một số hộ kinh doanh tự phát và phục vụ du lịch dù chưa được cấp phép. Những hộ này đã lập một bến tàu gồm 3 nhà bè phục vụ kinh doanh ăn uống chưa có đăng ký, đăng kiểm và chứng nhận an toàn kỹ thuật. Thậm chí, các hộ này còn sử dụng các phương tiện tàu chưa có đăng ký, đăng kiểm để chở khách du lịch thăm quan tại sông Giăng, rất nguy hiểm cho người tham gia.

Biển quảng cáo trái phép ngay trước điểm vào.

Trước thông tin trên, phóng viên Người đưa tin pháp luật đã đến xã Môn Sơn để tìm hiểu sự việc. Có mặt tại bến khu vực thượng lưu đập Phà Lài, chúng tôi dễ dàng quan sát được có 3 nhà bè đang neo đậu tại đây, gồm: Nhà bè Thọ Ngân, thuộc sở hữu của hộ kinh doanh ông Nguyễn Hữu Thọ; Nhà bè Trọng Nghệ, thuộc sở hữu của hộ kinh doanh ông Trần Đình Thu; và nhà bè Nghĩa Hương, thuộc sở hữu của hộ kinh doanh bà Vũ Thị Hương.

3 nhà bè chưa có giấy phép ở đập Phà Lài.

Điều đáng nói, các nhà bè này vô cùng tạm bợ, rộng khoảng 140m2, được thiết kế bằng các thùng phi liên kết với nhau. Bề mặt bằng gỗ, cột thép tròn, mái lợp tôn. Các vật liệu này đã cũ, nhiều chỗ bị hư hỏng, dễ gây mất an toàn cho người tham gia du lịch. Đặc biệt, qua ghi nhận của phóng viên, do đây là nơi phong cảnh hữu tình, lại hoang sơ nên thu hút rất đông người dân đến du lịch. Nhưng thời điểm du khách lên thuyền tham quan sông Găng không hề mặc áo phao, rất nguy hiểm nếu như xảy ra sự cố.

Nhiều du khách không mặc áo phao.

Với vai trò là một du khách, chúng tôi đã vào nhà bè Thọ Ngân đề nghị thuê thuyền. Người quản lý ở đây vui vẻ cho biết, giá vé cho mỗi khách du lịch trên sông Găng là 250.000 đồng, còn nếu như “combo” trọn gói ăn uống và du thuyền thì giá 490.000 đồng/khách. Khi hỏi về an toàn lúc đi trên thuyền, đại diện nhà bè Thọ Ngân khẳng định: “Các anh yên tâm, khi đi trên tàu bắt buộc mặc áo phao nên vô cùng an toàn (?!)”. Thế nhưng khi hỏi về các giấy phép thì người này không trả lời và bắt đầu cảnh giác.

Giả vờ chê giá tiền đắt, phóng viên rời đi thì một người phụ nữ lập tức chạy đến chèo kéo. Tuy nhiên, qua trao đổi người này cũng không cung cấp được các thông tin về giấy phép hoạt động, cũng như giấy phép đăng ký phương tiện thủy nội địa.

Bị xử phạt vẫn không chấp hành

Liên quan đến việc này, ông Lương Văn Hoa – Chủ tịch UBND xã Môn Sơn, huyện Con Cuông xác nhận, 3 hộ kinh doanh này đều chưa được cấp phép hoạt động kinh doanh tại đập Phà Lài, cũng chưa hề có giấy phép mở bến, thậm chí một số phương tiện thủy nội địa cũng chưa có đăng ký.

“Thực ra các hộ này đã kinh doanh rất lâu rồi, từ thời điểm xây dựng đập Phà Lài. Lúc đó, không ai hướng dẫn họ làm thủ tục, ngoài ra cũng vì thúc đẩy việc du lịch nên cũng không kiểm tra kỹ. Cho đến vài năm trước, có một công ty du lịch bắt đầu đưa du khách vào đây thì việc kiểm tra, xử lý mới được quan tâm. Cũng từ đó UBND xã mới phát hiện 3 hộ này thiếu những giấy phép trên”, ông Hoa nói.

Theo vị Chủ tịch xã, đơn vị cùng với UBND huyện, Công an huyện Con Cuông đã rất nhiều lần kiểm tra, lập biên bản về việc các phương tiện giao thông đường thủy phục vụ du khách chưa đủ điều kiện vẫn hoạt động; Tình trạng chở quá số người quy định vẫn còn diễn ra phổ biến; Khách du lịch khi tham gia vẫn chưa mặc áo phao.

Ngoài ra, nhà bè Thọ Ngân chưa có giấy phép kinh doanh, 6 phương tiện chưa được đăng ký, công tác phòng cháy chữa cháy chưa đảm bảo, hoạt động kinh doanh ăn uống cũng chưa đăng ký, xả thải trực tiếp xuống đập, có hành vi chèo kéo khách. Nhà bè Trọng Nghệ thì đã có giấy phép kinh doanh nhưng không đúng vị trí, 2 phương tiện chưa đăng ký, xả thải trực tiếp xuống nước, chèo kéo khách và đặc biệt là xây dựng trái phép trên đất của rừng phòng hộ. Nhà bè Nghĩa Hương thì chưa đăng ký kinh doanh, chưa có giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm, công tác vệ sinh môi trường chưa đảm bảo,…

Vật liệu đã cũ, nhiều chỗ hư hỏng.

Đại úy Lay Văn Thìn - Trưởng Công an xã Môn Sơn cho biết thêm, vào ngày 12/4, đơn vị đã ra quyết định xử phạt hành chính đối với ông Nguyễn Hữu Thọ (SN 1987), chủ bè Thọ Ngân, do đã vi phạm sử dụng phương tiện không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện. “Chúng tôi đã xử phạt với mức tiền 1,5 triệu đồng. Đình chỉ hoạt động của phương tiện 1 tháng. Thế nhưng hiện nay ông Thọ vẫn không chấp hành, không nộp phạt. Hiện, chúng tôi đang gửi thông báo lần 2 để có cơ sở xử lý”, Đại úy Thìn nói.

Các nhà bè kinh doanh ăn uống dù chưa được phép.

Ông Vi Văn Quý – Phó Chủ tịch UBND huyện Con Cuông xác nhận: “Đúng là có tình trạng các nhà bè hoạt động không phép trên đập Phà Lài. UBND huyện đã kiểm tra, lập biên bản và yêu cầu các phương tiện chưa có đăng ký, đăng kiểm thì không được phép hoạt động và phải tiến hành đưa lên khỏi mặt nước”.

Trước thông tin của phóng viên cung cấp về việc các hộ kinh doanh này vẫn đang hoạt động kinh doanh, vị Phó chủ tịch huyện khẳng định sẽ yêu cầu UBND xã Môn Sơn đình chỉ ngay việc hoạt động của các phương tiện, thiết bị nổi không đủ điều kiện hoạt động; Tiến hành tạm giữ và đưa lên khỏi mặt nước đối với các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động.

UBND huyện Con Cuông đã có văn bản yêu cầu các hộ kinh doanh phải hoàn thiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm và chứng nhận an toàn kỹ thuật đối với các nhà bè xong trước ngày 30/9. Nếu không đủ các điều kiện an toàn thì các hộ kinh doanh phải tự tháo dỡ và chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu để xảy ra tai nạn.

A.N