img

Bí kíp giúp người học thoát khỏi mê cung trung tâm dạy online

Thủy Tiên

Những trung tâm dạy học, luyện thi “ảo” được lập ngày càng nhiều trên mạng xã hội, thậm chí hoạt động không cần chịu sự quản lý của cơ quan nào, khiến người học như lạc vào mê cung hỗn loạn.

“Thả nổi” chất lượng

Vừa qua, một thầy giáo vốn được biết đến với những giờ học online từ trang “Trung tâm luyện thi đại học Tiến Đạt” trên Facebook, có hơn 200.000 lượt theo dõi, đã khẳng định không hề mở trung tâm luyện thi nào. Dư luận được phen “ngã ngửa” khi các trung tâm online ngày một nở rộ trên mạng xã hội, nhưng lại chẳng có đơn vị nào kiểm soát, đo lường chất lượng, người học như lạc giữa mê cung.

img

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ThS. Huỳnh Hoài An, Giám đốc công ty Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ Tâm An chỉ ra thực trạng: “Trong khoảng 2-3 năm trở lại đây, hiện tượng một số người lấy uy tín cá nhân để lập ra một số trung tâm dạy và luyện thi trên mạng, trong đó, nhiều nhất là đào tạo tiếng Anh và Tin học...

Trên thực tế, có cầu thì mới có cung. Khi nhu cầu đào tạo ngày một tăng lên, việc đào tạo trực tiếp khó đáp ứng được toàn bộ, dẫn đến cơ hội phát triển cho đào tạo online. Hình thức đào tạo này có thể giúp người học tiết kiệm chi phí công sức, linh động giờ giấc hơn...

Tuy nhiên, việc cấp phép và chất lượng của những trung tâm này lại không rõ ràng, một phần gây thất thoát tiền thuế, thậm chí, thế lực xấu có thể lợi dụng để đưa những thông tin bất lợi... Thời gian gần đây, các nhà chức trách mới vào cuộc để kiểm tra những vấn đề liên quan đến an ninh mạng, nhưng cũng gặp không ít khó khăn...”.

Trước vấn đề này, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên, cố vấn cấp cao của tập đoàn Microsoft, giảng viên các chương trình đổi mới giáo dục của bộ GD&ĐT cũng nhận định: “Hiện tại, không thiếu những trung tâm trên mạng xã hội được quảng cáo rất hay, rất tốt, nhưng đi kèm với đó lại là chất lượng rất tệ. Những trung tâm này do một cá nhân nào đó tự lập ra, hoạt động trên mạng xã hội và không được một cơ quan nào thẩm định chất lượng.

Chính vì vậy, nhiều trung tâm online mặc dù có lượt theo dõi, lượt tương tác rất lớn nhưng cũng không đánh giá được chính xác chất lượng, giống như một hình thức “bán hàng đa cấp” vậy. Thậm chí, khi càng không được kiểm soát, các trung tâm đào tạo online càng xuất hiện tràn lan, lợi dụng kẽ hở của luật pháp chưa quy định cụ thể về hoạt động của trung tâm online, để thu lợi nhuận.

img

Tôi từng thấy những cá nhân không hề có chuyên môn về sư phạm, lại tự lập trang về giáo dục trên Facebook, tự viết sách để bán cho mọi người, thậm chí với “giá trên trời”... thực sự phản giáo dục!”.

Cần “tem chống giả” dẹp mê hồn trận

img

Bàn về những giải pháp giúp người học không lạc lối giữa mê cung, chuyên gia giáo dục Tô Thụy Diễm Quyên cho rằng: “Đã là 4.0 thì chuyện quản lý sẽ vô cùng khó khăn! Vì vậy, biện pháp hữu hiệu nhất chính là bản thân mỗi người học phải là người dùng thông minh, không tin quảng cáo hay sự giới thiệu truyền miệng... Cách để người học phân biệt và lựa chọn được trung tâm dạy học online chất lượng chính là căn cứ vào các kênh đánh giá, phản hồi; nhờ những người có chuyên môn thẩm định trước khi học”.

Theo vị chuyên gia giáo dục này, để có thể ngăn chặn những trung tâm “ảo” tiếp tục được mở tràn lan trên mạng xã hội, cần phải có sự thay đổi về hành lang pháp lý. “Chẳng hạn, để xây dựng một nền tảng, cá nhân và tổ chức bắt buộc phải mua tên miền; khi đó, đơn vị quản lý chất lượng chỉ cần dựa vào tên miền để xác định chủ sở hữu, mục đích sử dụng và phương pháp vận hành... quản lý từ bên trong sẽ đơn giản hơn rất nhiều. Đối với nền tảng liên quan đến giáo dục, cần phải có sự thẩm định từ các cơ quan chuyên môn, có thể là sở GD&ĐT của địa phương. Các trung tâm hoạt động trực tiếp đã cần những yêu cầu nhất định, các trung tâm hoạt động online, có số lượng người học tiếp cận lớn hơn rất nhiều, nên những yêu cầu càng phải đòi hỏi gắt gao hơn.

Đối với trung tâm chỉ hoạt động giảng dạy trên facebook, các cơ quan chức năng sẽ càng khó quản lý hơn. Tuy nhiên, cần có một bộ phận chuyên trách rà soát đối với các trang với trên 5.000 lượt theo dõi, qua đó, phát hiện và kiểm định chất lượng, không thể tiếp tục “thả nổi” như hiện nay.

Đồng thời, yêu cầu các trung tâm phải “ghim” hình ảnh giấy phép hoạt động cùng những chứng nhận chất lượng trên trang của mình. Đó sẽ là dấu hiệu đáng tin cậy cho người học lựa chọn, giống như “dấu tích xanh” của trang facebook cá nhân, như những chiếc “tem chống giả” để dẹp những trang lừa đảo, giúp người học thoát ra khỏi mê hồn trận”, vị cố vấn giáo dục cấp cao của tập đoàn Microsoft phân tích thêm.

Theo ThS. Huỳnh Hoài An, việc quản lý các trung tâm online tràn lan như hiện nay thực sự là một bài toán khó, yêu cầu vai trò của rất nhiều bộ phận, đơn vị, đoàn thể...

“Phải đảm bảo một kênh đào tạo online để người học tiết kiệm thời gian, chi phí,... tuy nhiên, song song với đó, cũng phải thường xuyên rà soát để ngăn chặn sự hỗn loạn. Để làm kiểm soát được những trung tâm này, các cơ quan chức năng cũng cần kêu gọi toàn dân nâng cao ý thức giám sát xã hội, chủ động báo cáo khi phát hiện những sai phạm”, Giám đốc công ty Tư vấn Giáo dục Hoa Kỳ Tâm An nhấn mạnh.

img

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng văn phòng Luật sư Kết nối, đoàn Luật sư TP.Hà Nội cho biết: “Việc dạy thêm, học thêm là hoạt động dựa trên sự tự nguyện của các bên và mang tính chất dân sự, cụ thể ở đây là dịch vụ giáo dục, xuất phát từ nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, do hoạt động giáo dục nhắm đến phạm vi đối tượng rộng, bao gồm cả trẻ nhỏ, cần thiết có một số những quy chế nhất định để bảo vệ và tạo môi trường để trẻ em phát triển lành mạnh. Những cơ chế có thể đặt ra đó là quy định nhất định đối với giáo viên, giáo trình và cơ sở vật chất của nơi dạy học, và phải đăng ký và chịu kiểm tra của các cơ quan chức năng đối với những nơi dạy học hướng đến đối tượng là trẻ nhỏ”.

T.T

img