“Biệt thự” chuồng bò, từ chối lương để chia sẻ với nhân viên

Ý nghĩa của các dự án hay những hoạt động hỗ trợ cho người dân, người lao động chỉ thực sự được ghi nhận khi đích đến của nó chính là nhu cầu thiết yếu của người thụ hưởng chứ không phải là những gì mà lãnh đạo nghĩ là cần. Thiếu đi sự thấu cảm, tấm chân tình, mọi hành động đều trở nên vô nghĩa, nếu không muốn nói là trò hề cho dư luận gièm pha.

Khi còn chưa hết choáng váng trước việc Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An (chủ đầu tư) đưa nhầm 231 người dân không phải là dân tộc thiểu số Ơ Đu tại bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, Nghệ An) vào đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An thì mới đây dư luận lại được phen kinh ngạc trước đơn giá xây dựng chuồng bò cho người Ơ Đu ở tỉnh này.

Trong 67 chuồng bò, 4 cái loại 1 xây hết gần 510 triệu đồng; 53 chuồng loại 3 hơn 7,24 tỉ. Đặc biệt, có 10 chuồng loại 2 xây hết hơn 2,36 tỉ đồng nghĩa là, 1 chuồng bò tương ứng gần 236 triệu đồng. Được biết, kích thước mỗi chuồng là 4,5 x 6,69m, chiều cao tường 2,7m. Với mỗi chuồng rộng 30m, vậy là giá thành mỗi mét vuông gần 8triệu đồng. Giá xây chuồng bò chẳng khác gì xây biệt thự! Thực là chuyện lạ mà có thật!

Chuồng bò được xây dựng hỗ trợ cho người dân tộc Ơ Đu. Ảnh Dân Trí

Ở một vùng quê nghèo, nhà của người dân nhiều khi còn là tranh tre, nứa, lá, “biệt thự” lại để giành cho bò ở. Một sự hoang phí đến không tưởng trong khi còn vô số những bức bách cần thiết khác chưa được giải quyết.

Cái sự lạ này hẳn nhiên là chướng tai gai mắt, là bức bối nhất là khi mà sổ sách, thống kê chi phí xây dựng chỉ có nhà quan mới hiểu thực tình. Dân đen ai biết đâu là thực, đâu là hư.

“Biệt thự” bò cũng là một điển hình cho việc khi triển khai thực hiện các dự án cho dân, nhiều lực lượng chức năng ở xứ ta dường như chỉ làm những thứ họ nghĩ là cần, hơn là bắt đầu từ những nhu cầu thiết yếu của những người thụ hưởng. Điều này đã bao lần bị dư luận lên án nhưng vẫn lặp lại không ngừng.

Những khu chợ hiện đại bỏ hoang vì không tiện cho người dân, những cây cầu chơ vơ không người đi vì thiếu đường dần, những tổ hợp xây chỉ để làm vì từng bị lên án gay gắt. Song “lịch sử” kiểu như này vẫn lặp lại.

Khi không thấu cảm khó khăn của dân, làm không xuất phát từ sự rung động của con tim, mọi hoạt động của lãnh đạo, chính quyền dù dưới danh nghĩa nào cũng đều trở nên vô nghĩa. Bởi cái mà người dân, người lao động cần đó phải là cái thiết thực cho cuộc sống hàng ngày.

Khó khăn do ảnh hưởng từ đại dịch COVID vừa qua khiến người lao động thế giới lao đao nhưng hơn bao giờ cũng là lúc họ có được những cảm xúc quý hiếm gặp ở những ông chủ của mình. Lần đầu tiên trong lịch sử, người ta chứng kiến hàng loạt những nhà lãnh đạo, nhà sáng lập, CEO ở nhiều công ty làm một việc rất thiết thực là từ chối nhận lương để nhường lại cho nhân viên.

CEO Brad Tilden và Chủ tịch Ben Minicucci của tập đoàn Alaska Air đã khiến nhân viên công ty nức lòng khi quyết định hạ mức lương cơ bản của mình xuống 0 USD từ tháng 3.

Tương tự, Giám đốc điều hành Oscar Munoz và Chủ tịch Scott Kirby của Hãng hàng không United Airlines cũng hạ mức lương của họ xuống 0 USD cho đến tháng 6.

John Zimmer và Logan Green, hai nhà đồng sáng lập của ứng dụng gọi xe Lyft, cho biết sẽ không nhận lương cho đến tháng 6 để hỗ trợ cho các tài xế trong đại dịch.

Với Arne Sorenson, CEO và Chủ tịch tập đoàn khách sạn Marriott thậm chí còn không nhận các tháng lương còn lại trong năm 2020. Chủ tịch và CEO của Tập đoàn năng lượng General Electric, cũng tuyên bố không nhận lương cho đến hết năm 2020.

Việc không nhận lương của những người lãnh đạo các công ty này có thể không góp phần làm tăng thêm đáng kể cho quỹ lương của người lao động nhưng điều này thực sự khiến các nhân viên cảm động bởi đó là sự sẻ chia thiết thực, là sự thấu cảm với khó khăn của nhân viên từ người lãnh đạo. Chính bởi những tình cảm ấm áp này mà nhiều người lao động đã chung lưng đấu cật sát cánh với các công ty vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tình cảm từ trái tim sẽ đến được với trái tim là vậy !

Thu Hương

* Bạn đang quan tâm đến vấn đề nóng? Bạn muốn bày tỏ quan điểm riêng về mọi vấn đề trong xã hội? Hãy gửi quan điểm/câu chuyện của mình vào hòm thư toasoan@nguoiduatin.vn để được bàn luận và chia sẻ cùng hàng triệu độc giả của báo Người Đưa Tin.

Chưa mất bò đã ... "no" làm chuồng (!I)

Thứ 7, 25/07/2020 | 16:42
Tục ngữ có câu “Mất bò mới lo làm chuồng” để phê phán những người không biết tính toán dự liệu tương lai, đến lúc xảy ra chuyện thì hối hận không kịp. Nay ở Nghệ An có một số cán bộ tính toán, dự liệu “hơn người” nên chưa mất bò đã được no đủ nhờ… làm chuồng cho bò.

Hy hữu: Mỗi chuồng bò trị giá 236 triệu đồng là không lãng phí?

Thứ 5, 23/07/2020 | 15:37
Mặc dù xây dựng chuồng bò với giá tiền không hề rẻ nhưng đại diện sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nghệ An vẫn khẳng định theo đơn giá của Nhà nước quy định. Đặc biệt, khung giá này được liên sở Xây dựng và sở Tài chính Nghệ An ban hành.