Những ngày qua, mưa lớn kéo dài làm mực nước trong vùng ngọt hóa tỉnh Cà Mau dâng cao kỷ lục. Không chỉ nhà cửa người dân bị ngập mà hàng chục ngàn ha lúa đang trong thời gian thu hoạch có nguy cơ bị thiệt hại. Do nước ngập tràn bờ, máy gặt đập liên hợp không cách nào vào thu hoạch được. Trong khi đó, giá thuê nhân công cắt lúa hiện có giá từ 600.000-800.000 đồng/công (1.000m2) nhưng vẫn rất khó tìm, khiến nhiều hộ dân khóc đứng, khóc ngồi nhìn theo ruộng lúa đang ngập úng trong biển nước.
Theo thông tin từ văn phòng ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, hiện toàn tỉnh có trên 17.800ha lúa, hơn 133ha rau màu bị ngập nặng. Riêng vùng ngọt hóa huyện Trần Văn Thời có hơn 14.000ha lúa chưa thu hoạch, nhiều diện tích bị ngập, đổ ngã (xã Khánh Bình Tây Bắc bị thiệt hại khoảng 2.270ha, có khoảng 1.700ha bị thiệt hại nặng) và 26ha rau màu bị ngập (chủ yếu ở xã Khánh Lộc).
Bà Sơn Thị Hen ngao ngán nhìn đống lúa chét (non) mọc lên sau khi nước ngập.
Trước tình hình trên, các lực lượng bộ đội, dân quân tự vệ các địa phương cùng chung tay “cứu” lúa cho nông dân, nhằm vớt vát sản lượng lúa còn lại. Theo ban Chỉ huy Quân sự huyện Trần Văn Thời, đơn vị đã huy động cán bộ, sĩ quan và lực lượng Dân quân tự vệ giúp người dân khắc phục. Hiện 13/13 đơn vị cấp xã đội đều đã ra quân giúp dân, với lực lượng khoảng hơn 1.000 người. Trong vùng ngọt thì lực lượng hỗ trợ bà con cắt, chở lúa đem về nhà, còn ở vùng mặn thì giúp người dân gia cố, đắp bờ bao vuông tôm.
Lúa đến ngày thu hoạch bị ngập nước đã lên mộng rất dài.
Tại ấp 9, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, trên những cánh đồng lúa chín vàng ngập trắng nước, “màu áo xanh” tình nguyện vẫn miệt mài ngâm mình dưới nước hàng giờ để “cứu” lúa, tạo nên hình ảnh ấm áp tình “quân – dân” trong mùa mưa bão. Do diện tích bị ngập khá nhiều, những lực lượng này cũng chỉ thu hoạch giúp một phần nhằm để bà con có lúa ăn, sau đó phải “chạy show” hỗ trợ những hộ khó khăn khác.
Bà Sơn Thị Hen, ngụ ấp 9, xã Khánh Bình Đông năm nay cũng ngoài 60 tuổi. Bà Hen là người dân tộc Khmer, thuộc diện hộ nghèo của địa phương. Nhìn những bó lúa vừa được lực lượng dân quân tự vệ xã thu hoạch chở vào chất đống, bà Hen nói trong ngao ngán: “Dân năm nay khổ quá rồi mấy chú ơi. Cũng may nhờ lực lượng dân quân tự vệ xã vào giúp nên gia đình cũng thu lại được một ít để dành ăn”.
Theo lời bà Hen, gia đình bà có khoảng 7 công (7.000m2 – PV) diện tích đất trồng lúa. Đợt mưa khoảng nửa tháng nay, nước ngập trong nhiều ngày làm lúa bị đổ xuống rồi hao hụt, sau đó lúa chét (non – PV) mọc lên nên năng suất không còn bao nhiêu. Trong khi đó, tiền phân, giống, thuốc,…gia đình vẫn chưa trả lại cho đại lý. Vụ Hè – Thu năm nay, gia đình ước tính thu hoạch vớt vác cũng chỉ được khoảng 30% diện tích lúa.
Hơn 50 lực lượng dân quân tự vệ ở Khánh Bình Đông chia thành nhiều tổ đến hỗ trợ bà con thu hoạch lúa.
Mặc dù mưa lạnh nhưng chị Bùi Tuyết Lạnh, lực lượng dân quân tự vệ xã Khánh Bình Đông vẫn lội nước thu hoạch lúa giúp người dân. Chị Tuyết Lạnh cho biết: “Mấy ngày qua, lực lượng dân quân tự vệ hơn 50 người chia ra thành nhiều tổ giúp nhiều hộ trong xã thu hoạch lúa. Đối tượng trợ giúp là gia đình ít nhân công, hộ nghèo, gia đình chính sách, khó khăn”.
Anh Phạm Văn Đen (con ruột bà Hen) cũng cho hay: “Đã nhiều ngày qua, người dân cùng nhau nỗ lực ra đồng cắt lúa, cũng chỉ mong sớm thu hết lúa chín ngoài đồng đem vô nhà. Nhưng khi lúa vận chuyển vào nhà chất đống thì phải chờ máy suốt. Vì lâu nay, xứ thuần nông ở vùng ngọt Trần Văn Thời khi ứng dụng kỹ thuật sản xuất thì không còn máy suốt truyền thống nữa. Không có máy chắc phải đập lúa bằng tay thôi chứ không còn cách nào khác…”.
Đối tượng trợ giúp là gia đình ít nhân công, hộ nghèo, gia đình chính sách, khó khăn.
Được biết, hiện giá lúa ở khu vực Khánh Bình Đông được thương lái chào mua giá 3.000 đến 3.800 đồng/kg. Phía thuận đường bộ tuyến Cà Mau – Khánh Bình - Rạch Ráng giá 4.000 đồng/kg. Giá thấp là do lúa ngâm nước hơn 7 ngày qua, phần lớn đã lên mộng; phần còn lại do không nắng phơi nên bị ủ mốc.
Trước đó, trong chuyến đi kiểm tra công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn huyện Trần Văn Thời và U Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Quân chỉ đạo các địa phương bị ảnh hưởng khẩn trương vận động người dân thu hoạch lúa bị ngập, đổ ngã đã đến thời điểm thu hoạch. Bố trí máy gặt đập liên hợp hỗ trợ người dân, vận động thương lái thu mua lúa đã thu hoạch; phối hợp với sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) vận hành hệ thống thủy lợi để thoát nước, hạn chế ngập.
V.T