Bộ GTVT muốn tăng phí để "cứu" doanh nghiệp BOT: Sai thờ điểm, gây bức xúc

Nguyễn Lâm

Dẫu biết rằng việc tăng giá phí BOT đường bộ theo lộ trình đã kí kết là điều không thể tránh khỏi. Thế nhưng, việc lựa chọn thời điểm mà hoạt động vận tải chưa thể phục hồi do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 để đưa ra đề xuất tăng phí BOT của bộ GTVT liệu đã thực sự phù hợp?

"Gáo nước lạnh" dội vào người dân, doanh nghiệp

Mới đây, bộ GTVT vừa có văn bản kiến nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp dự án BOT đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Lý do mà bộ GTVT đưa ra là từ đầu năm 2020, lưu lượng xe giảm mạnh do ảnh hưởng dịch Covid-19 và yêu cầu giãn cách xã hội. Đặc biệt, việc chưa được tăng phí theo lộ trình trong hợp đồng BOT khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi phải trả nợ ngân hàng. Các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ, chuyển nhóm nợ với các khoản vay.

Trao đổi với phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Vũ Ngọc Oánh, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ cho rằng, thực tế hiện nay hiệu quả kinh tế của các trạm BOT đang rất thấp, việc đề xuất tăng phí thực chất chỉ để giải quyết bài toán về vay vốn ngân hàng đang quá căng thẳng chứ không phải vì vấn đề lợi nhuận.

Chia sẻ nhiều vấn đề khó khăn của phía doanh nghiệp vận tải với phóng viên Người Đưa Tin Pháp Luật, ông Đỗ Văn Bằng - Giám đốc Công ty TNHH Minh Thành Phát (nhà xe Sao Việt) cho biết: “Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hiện công ty Minh Thành Phát mới chỉ hoạt động được khoảng 40% số xe của doanh nghiệp đang có và lượng khách cũng giảm đi rất lớn. Số xe còn lại đang nằm đắp chiếu và đây là tình trạng của tất cả các doanh nghiệp vận tải khách hiện nay. Chính vì thế, việc bộ GTVT đề xuất tăng phí BOT một loạt các trạm vào thời điểm hiện tại là rất bất hợp lý”.

Ông Bằng cũng cho rằng, các doanh nghiệp vận tải cũng như Hiệp hội vận tải Ôtô Việt Nam vừa kiến nghị bộ GTVT, Chính phủ xem xét miễn giảm phí bảo trì đường bộ, phí BOT để hỗ trợ doanh nghiệp vận tải vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Trong khi, doanh nghiệp còn chưa được hưởng sự hỗ trợ từ Chính phủ thì nay bộ GTVT lại kiến nghị cho phép tăng phí đường bộ một loạt các trạm BOT như dội một gáo nước lạnh vào các doanh nghiệp vận tải.

Cùng chia sẻ về khó khăn của các đơn vị kinh doanh vận tải vào thời điểm này, ông Khúc Hữu Thanh Hải – Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho rằng, tình trạng chung của các đơn vị vận tải hiện nay đều đang “thoi thóp” phục hồi sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, nếu tăng phí BOT vào thời điểm này thì nhiều đơn vị vận tải đứng trước nguy cơ phá sản. Ông Hải nói: “Bản thân tôi cho rằng, việc tăng phí BOT vào thời điểm này là không phù hợp. Bởi lẽ, nhu cầu đi lại của người dân hiện tại đang rất thấp, dẫn đến doanh thu của đơn vị sụt giảm khoảng 60% trong khi chi phí BOT vẫn đang ở mức cao.

Cụ thể, phí BOT đang khoảng 40% trong giá thành vận tải. Trong khi đó, các loại thuế, phí khấu hao tài sản cố định, lãi suất ngân hàng,… vẫn giữ nguyên. Trên thực tế, nhiều trường hợp nhà xe phải chạy với lượng hành khách đếm trên đầu ngón tay. Số vé thu được không đủ để đóng phí BOT chứ chưa tính đến các nguồn phí khác như xăng dầu, nhân công,…”.

Do đó, Nhà nước và bộ GTVT không nên tăng phí vào thời điểm này. Không nên đẩy khó khăn từ các nhà đầu tư BOT sang các doanh nghiệp vận tải, việc này vô hình chung chỉ khổ người dân bởi nếu tăng phí BOT thì chắc chắn giá vé mỗi chuyến cũng sẽ bị tăng theo.

Đề xuất sai thời điểm?

Đồng quan điểm cho rằng đề xuất của bộ GTVT chưa đúng thời điểm, gây bức xúc, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhìn nhận: “Nền kinh tế nước nhà cũng như hoạt động vận tải hiện nayvẫn chưa thể mở cửa trở lại bình thường do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Thay vì đề xuất tăng giá dịch vụ đồng loại ở các trạm thu phí thì bộ GTVT cần xem xét kỹ lưỡng sao cho phù hợp với thực tiễn. Đối với những công trình bỏ ra mức phí cao, thời gian thu phí ngắn thì nên có chủ trương điều chỉnh tăng thời gian thu phí và giữ mức phí hiện tại. Những dự án có mức phí thấp hay có tuyến đường khác có thể thay thế thì nên cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng. Do đó, việc tăng mức thu phí BOT tại thời điểm này là không phù hợp”.

Cùng trao đổi với phóng viên về vấn đề này, chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực cũng cho rằng việc bộ GTVT đề xuất tăng phí tại các trạm thu phí vào thời điểm này là không phù hợp. TS. Cấn Văn Lực phân tích, tại hợp đồng mà bộ GTVT ký kết với các chủ đầu tư dự án BOT đã có quy định về việc tăng phí theo lộ trình để giải quyết bài toán kinh tế cho các chủ đầu tư.

Cũng cần phải nhớ rằng, cuối năm 2019, bộ GTVT đã từng đề xuất tới Chính phủ về việc tăng mức thu phí tại với 37 dự án BOT theo lộ trình. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa được Chính phủ thông qua, việc này cũng khiến các doanh nghiệp BOT gặp rất nhiều khó khăn khi phải bổ sung kinh phí để cố gắng trả nợ ngân hàng theo kế hoạch và các ngân hàng đã có ý kiến về nguy cơ phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

Do đó, việc bộ GTVT đưa ra đề xuất tăng phí là điều dễ hiểu, tuân thủ đúng theo hợp đồng BOT đã ký kết. “Tuy nhiên, việc đưa ra đề xuất tăng phí BOT vào thời điểm nền kinh tế chưa thể phục hồi sau dịch bệnh Covid-19 là điều mà bộ GTVT cần xem xét lại”, TS. Lực nhấn mạnh.

Bàn luận về phương án xử lý dứt điểm bài toán tăng phí BOT, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Chính phủ cũng như bộ GTVT cần có giải pháp lâu dài mang tính tổng thể về bài toán kinh tế tại các dự án BOT như phương án tài chính, cơ chế chính sách của nhà nước, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư, thẩm định và đánh giá dự án,… chứ không thể để tình trạng mỗi lần tăng phí thì bộ GTVT lại phải đề xuất, rồi gây ra những phản ánh trái chiều như hiện nay”.

Vi An