Bổ nhiệm đúng quy trình hay lại là “nâng đỡ không trong sáng?”

Thông tin hai vị quan chức vi phạm nghiêm trọng mới bị kỉ luật bằng hình thức cách chức lại được bổ nhiệm vào chức vụ khác đang gây bức xúc trong dư luận. Đó là trường hợp của các ông Tất Thành Cang, nguyên UVTƯ Đảng, Phó bí thư thường trực thành ủy TP. Hồ Chí Minh và Ngô Văn Tuấn, nguyên Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa.

Liệu có phải “nâng đỡ không trong sáng”?

Sai phạm của ông Tất Thành Cang, ông Ngô Văn Tuấn đều chung một mức độ, được Trung ương đánh giá là “rất nghiêm trọng”.

Đối với ông Tất Thành Cang, những sai phạm của ông được UBKT T.Ư kết luận là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Đảng, của Thành ủy TP. Hồ Chí Minh.

Tại Hội nghị lần thứ 9 khóa XII, ngày 26/12/2018, Ban Chấp hành Trung ương đã quyết định cách chức Ủy viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM, Ủy viên Ban Thường vụ TPHCM nhiệm kỳ 2015 – 2020 của ông Tất Thành Cang.

Đối với ông Ngô Văn Tuấn, Ban Bí thư nêu rõ, vi phạm, khuyết điểm của ông Tuấn là rất nghiêm trọng, vi phạm nhiều lần, có hệ thống, kéo theo một số tổ chức đảng và nhiều cán bộ đảng viên vi phạm, phải kiểm điểm xử lý kỷ luật. Đồng thời ông Tuấn cũng chưa nghiêm túc tự phê bình, thiếu thành khẩn nhận khuyết điểm, vi phạm.

Tại Quyết định số 651-QĐ/TW ngày 26/12/2017, Ban Bí thư Trung ương Đảng thi hành kỷ luật ông Tuấn bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng. Sau đó chưa đầy một tháng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký quyết định số 80/QĐ-TTg thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2016-2021.

Thiết nghĩ, với mức độ vi phạm và hình thức kỉ luật như thế, người mộng mơ nhất cũng không dám nghĩ, ông Cang, ông Tuấn có đủ tư cách để tiếp tục ngồi lại ở một chiếc ghế quyền lực nào đó trong bộ máy cơ quan công quyền.

Vậy mà, điều không tưởng đó vẫn xảy ra…

Nó xảy ra giữa lúc Đảng ban hành Quy định 08-QĐ/TW – “Quy định trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” - vừa mới được nửa năm.

Nó xảy ra giữa lúc Ban Bí thư ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng chưa đầy hai tháng.

Gương của ông Cang, ông Tuấn hiện thời là gương gì? Sẽ sàng lọc được ai nếu những đảng viên như hai ông vẫn tiếp tục “nêu gương” ở cương vị lãnh đạo mới?

Trong bài viết “Sàng lọc đảng viên: Quan trọng là… sàng ai, ai sàng?” đăng trên Vietnamnet hồi đầu tháng 3, tác giả bài viết này đã từng nhấn mạnh:

“Việc sàng lọc những đảng viên yếu kém, thoái hóa, biến chất không phải là việc làm bất khả thi nếu như Đảng kiên quyết và biết dựa vào dân”.

“Dân biết hết, biết rất rõ những đảng viên như vậy, chỉ tổ chức đảng nơi họ sinh hoạt, công tác là “không nghe, không nhìn, không thấy” mà thôi”.

“Nếu những cán bộ đảng viên được giao quyền và trách nhiệm thực thi, thực tâm “sàng” cho bằng được cùng với sự giúp sức của dân thì nhất định Chỉ thị sàng lọc đảng viên của Trung ương sẽ thành công”.

Lẽ nào trên nóng hừng hực mà ở giữa vẫn nguội lạnh? Lẽ nào chúng ta, nói không đi đôi với làm?

Liệu có phải hai trường hợp bổ nhiệm “đình đám” này lại là một dạng “nâng đỡ không trong sáng” khác?

“Chuyện thật như đùa”, “không thể tin được”, “xã hội chúng ta thật lạ”, “bó tay chấm com”, “đi ngược lại quyết định của trung ương”, “hết cán bộ tài đức rồi hay sao”,… là những cụm từ xuất hiện liên tục trong ý kiến của độc giả trên các phương tiện thông tin đại chúng những ngày qua. Thậm chí có người còn hỏi ngược một cách hài hước: “Hay là Trung ương kỉ luật sai…?”.

Liêm sỉ có chạm đáy?

Có vấn đề dư luận đặt ra: Tại sao cơ quan tổ chức quyền lực nơi ông Cang, ông Tuấn và cá nhân hai ông vẫn “cố đấm ăn xôi”?

Bởi chuyện sai phạm của các ông là tày trời, khiến dân bức xúc, mất hết niềm tin; chuyện kỉ luật của hai ông cả nước biết, thế giới biết, bởi truyền thông số không biên giới.

Dư luận đồng tình với mức kỉ luật dành cho hai ông nhưng thực ra, người dân còn muốn các ông phải chịu mức cao hơn thế.

Lẽ thường ai cũng hiểu, người lãnh đạo phải hơn cấp dưới một cái đầu, hơn nhân viên nhiều cái đầu – cái đầu tri thức và cái đầu nhân cách.

Chẳng hay tri thức ở mức nào nhưng nhân cách của hai ông lúc này thì rõ là thấp hơn nhân viên nhiều cái đầu.

Nói như thế để thấy, việc tiếp tục đặt các ông vào ghế lãnh đạo là bất cập, không được lòng dân. Lòng dân độ lượng nhưng việc dùng người phải đúng. 90 triệu dân không hiếm người tài đức để gánh vác những trọng trách được giao.

Còn các ông, thiết nghĩ nếu có chút tự trọng thì nên từ chối quyền lực, hãy một lần dũng cảm “treo ấn từ quan”, hoặc là làm một công việc bình thường phù hợp với chuyên môn của mình - đấy là cách tốt nhất để sửa sai, để được là “người tử tế”. Nếu nỗ lực vượt lên chính mình, dân không phụ lòng tin.

Cần sửa luật

Trước việc bổ nhiệm bất thường này, nhiều ý kiến độc giả đề nghị phải sửa Luật cán bộ, công chức, đặc biệt là điều 82.

Điều 82 của Luật này có 4 khoản:

“1. Cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực.

2. Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch, giải quyết nghỉ hưu hoặc thôi việc.

4. Cán bộ, công chức bị kỷ luật cách chức do tham nhũng thì không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý”.

Điều bất cập ở đây chính là quy định thời hạn 12 tháng được nâng lương hoặc bổ nhiệm sau khi bị kỉ luật.

Đối với những trường hợp bị cảnh cáo, cách chức thì quy định này rõ ràng là không thực tế, phản cảm nhất là đặt vào trường hợp của ông Cang, ông Tuấn.

Hai ông có những vi phạm “rất nghiêm trọng” ở cương vị mình phụ trách, đã “không trong sáng” thì không thể nói là không vụ lợi tức là tham nhũng.

Đối chiếu khoản 4 điều 82 luật Cán bộ, công chức cả hai đáng lẽ ra “không được bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý” thì mới thể hiện sự nghiêm minh của luật pháp.

Nếu không khẩn trương sửa Luật cán bộ, công chức, nếu cứ cung cách làm công tác tổ chức cán bộ thiếu minh bạch, không trong sáng như hiện nay ở một số địa phương, ban ngành thì không chỉ ông Cang, ông Tuấn mà một loạt cán bộ nhúng chàm khác bị xử lý trong thời gian vừa qua rồi sẽ quay lại trong nay mai khi đã hết thời hiệu chịu án bằng bửu bối “đúng quy trình”, “tập thể đồng thuận”; chễm chệ trên những chiếc ghế quyền lực mới, tiếp tục “nêu gương” cho thiên hạ trầm trồ.

*Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả

Bãi bỏ quyết định bổ nhiệm đối với cựu Phó chủ tịch tỉnh Thanh Hóa

Thứ 3, 02/04/2019 | 18:32
Mới đây, sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã ban hành văn bản về việc hủy bỏ quyết định bổ nhiệm chức vụ Chánh văn phòng sở đối với ông Ngô Văn Tuấn, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, người từng bị cách chức do “nâng đỡ không trong sáng” cán bộ cấp dưới khi đang giữ chức Giám đốc sở này.

Khi văn hóa vũ trường tìm đường đến trường học

Thứ 3, 02/04/2019 | 09:39
Tự coi mình là những kẻ hơn người, mang những cái bạn cho là “thấp kém” ra để bỡn cợt để rồi có ngày những điều “thấp kém” đó trở thành một “chuẩn mực” mới cho biết bao em nhỏ học theo.

Vụ án Đoàn Thị Hương: “Thương thì có thương…”

Thứ 3, 02/04/2019 | 09:01
Cuối cùng, Đoàn Thị Hương cũng đã được hưởng một bản án nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với mức án ban đầu có khung cao nhất là tử hình. Nhưng rõ ràng, Hương đã có một bài học lớn về việc thực hiện những trò đùa “chơi khăm” nơi công cộng, đặc biệt ở một nơi có mức độ an ninh rất cao - là sân bay.

Chuyên gia phân tích lý do không nên bổ nhiệm lãnh đạo bị kỷ luật

Thứ 3, 02/04/2019 | 06:30
Thông tin bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn làm Chánh văn phòng sở Xây dựng Thanh Hoá, hay ông Tất Thành Cang giữ chức vụ Phó ban thường trực Ban chỉ đạo công trình lịch sử TP.HCM sau khi bị kỷ luật đang xôn xao dư luận. 

Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy – ông nói sai rồi!

Thứ 2, 01/04/2019 | 07:30
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thủy, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản giao thông, người có hơn 30 năm nghiên cứu về giao thông đô thị Hà Nội, cho rằng: “Xe máy chỉ chiếm mặt đường khoảng 1/5 so với ô tô, lượng thải ra cũng ít hơn so với ô tô”.

Chiến lược kinh doanh nỗi sợ hãi ở chùa Ba Vàng từ góc nhìn của SV đại học Kinh tế Quốc dân

Thứ 6, 29/03/2019 | 06:00
Điều đầu tiên, phải khẳng định, chùa Ba Vàng có ngày hôm nay, phải kể đến công lao của sư trụ trì - Đại đức Thích Trúc Thái Minh.

Ba Vàng “oan gia trái chủ” chuyện

Thứ 3, 26/03/2019 | 06:00
Thường xuyên thỉnh “oan gia trái chủ” nhưng không hiểu những “cao nhân” ở chùa Ba Vàng có “pháp ngộ” rằng đến một ngày chính mình cũng dính vào “oan gia chính chủ” thế này hay không?!