Bỏ quên học sinh trên xe đưa đón: Hãy tự trọng khi đặt tên trường

Không ít trường học gắn mác quốc tế, cao cấp nhưng không xây dựng được hình ảnh một cách tròn trịa đúng như cái tên.

img

Đặt tên cho con, thậm chí đặt tên một thương hiệu, một cửa hàng… là cách thể hiện kỳ vọng, niềm tin vào những “đứa con tinh thần” của nhiều người. Nhưng trên thực tế, vẫn có những c ái tên được đặt ra đơn thuần chỉ là để câu kéo niềm tin của khách hàng, như câu chuyện các trường gắn mác quốc tế, cao cấp nhưng không xây dựng được hình ảnh nó một cách tròn trịa đúng như cái tên.

Khi vụ bé trai bị bỏ quên trên xe đưa đón của trường quốc tế GateWay chưa kịp lắng xuống, khi nỗi đau về sự ra đi của một đứa trẻ non nớt vẫn còn giằng xé trong lòng dư luận thì một vụ việc tương tự lại tiếp diễn ở huyện Tiên Du (Bắc Ninh). Ngày thời tiết nắng nóng đến ngột ngạt, cháu bé 3 tuổi bị bỏ quên trên xe ô tô suốt 9 tiếng đồng hồ, từ 8h sáng đến 15h chiều.

Từ một chiếc quần bò, cháu bé được phát hiện bị bỏ quên trên xe. Ngay sau đó, cháu được chuyển đến viện cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, hạ đường huyết, sốt do mất nước. Nhưng may mắn hơn cậu bé trường Gateway, sau 2 ngày điều trị tích cực, cháu bé ở huyện Tiên Du đã thoát khỏi thần chết.

Bài học nhãn tiền từ vụ GateWay khiến ông Nguyễn Văn Tỵ - chủ cơ sở của trường mầm non rất cẩn thận khi “ngày nào học sinh xuống hết đều lên kiểm tra lại, nhìn cả xuống gầm ghế xe”. Theo như cách ông nói “để xảy ra vụ việc đó cũng là "số đen" của tôi” nhưng ông Tỵ cũng phải thừa nhận, do nhiều việc quá, bận và vội nên không kiểm soát kỹ, đã để xảy ra sự cố đáng tiếc trên.

Một số sự cố nghiêm trọng thời gian qua lại xảy ra ở những ngôi trường được mang danh quốc tế như Gateway (Hà Nội), trường mầm non cao cấp Đồ - Rê – Mí (Bắc Ninh) khiến nhiều người không khỏi lo lắng và băn khoăn. Thế nhưng từ chính nhưng sự cố này, mọi sự thật đã vỡ lở.

Học phí của trường GateWay được thông báo trên wesite lên tới hơn một trăm triệu đồng/năm, chưa kể, các khoản tiền ăn, các loại hình chi phí khác. Học phí của trường mầm non cao cấp Đồ - Rê – Mí dù chưa được tiết lộ nhưng chắc chắn cũng không thấp. Đáng tiếc, sự đắt đỏ đầu tư cho con em chỉ để nhận lại những niềm đau…

Theo tiêu chuẩn của thế giới, trường quốc tế gồm 3 tiêu chí: Trường phải có cơ sở ở nhiều quốc gia khác nhau; phải sử dụng các ngôn ngữ quốc tế phổ biến như tiếng Anh, không sử dụng tiếng bản địa; phải đào tạo theo chương trình được nhiều nước công nhận, có thể học lên lớp cao hơn, hoặc thi vào đại học quốc tế.

Nhưng ở Việt Nam, khái niệm trường quốc tế chưa có ranh giới rõ ràng. Đó cũng là lý do để không ít đơn vị, cá nhân “lập lờ đánh lận con đen”. Đưa giáo dục ra kinh doanh, họ gắn thêm danh hiệu để “nâng tầm” ngôi trường của mình trở nên sang chảnh, đẳng cấp. Trong khi đó, mọi thứ lại không đáp ứng được nhu cầu học tập, thậm chí từ cái tối thiểu nhất như bảo vệ sự an toàn của những đứa trẻ.

Giáo dục vốn là một ngành kinh doanh không mới nhưng an toàn, thậm chí là “siêu lợi nhuận”. Đó là lý do rất nhiều người đã đổ vốn đầu tư giáo dục. Thế nhưng, làm giáo dục mà đơn thuần chỉ vì lợi nhuận, trước sau gì cũng sẽ gây họa.

Ngạn ngữ châu Phi từng nói: “Cần cả ngôi làng để nuôi dạy một đứa bé”. Nếu bước vào một ngôi trường, từ bác bảo vệ đến cô lao công đều thân thiện, dễ mến. Nếu bước vào một ngôi trường, bạn cảm thấy hài lòng từ những điều nhỏ nhất… thì có lẽ, chẳng ngại ngần gì chọn ngôi trường đó cho con bạn theo học.

Nói vậy để thấy, những bậc phụ huynh đừng vì nhìn một ngôi trường to, có vẻ hiện đại, mức học phí cao, gắn mác sang chảnh đã vội tin và “giao trứng cho ác”. Người xưa dạy: “Đừng trông mặt mà bắt hình dong”. Câu nói đó dường như vẫn luôn đúng.

Còn người làm giáo dục có lẽ cũng bớt “tự tin” nghĩ rằng có thể phù phép, biến hóa khôn lường bằng những cái tên. Bởi, giáo dục để có được thương hiệu là một quá trình xây dựng dài lâu bằng cả cái tâm, tình yêu và tri thức.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.

img